05/12/2010 06:27 GMT+7

30 năm chinh phục Đồng Tháp Mười - Kỳ 2: Hồi sinh vùng "đất chết"

VÂN TRƯỜNG - ĐỨC VỊNH
VÂN TRƯỜNG - ĐỨC VỊNH

TT - Tiến sĩ Melforw (chuyên gia về đất phèn của Hà Lan) từng cảnh báo: “Muốn xử lý 1 ha đất phèn phải tốn cả triệu USD”. Hai giáo sư địa chất Liên Xô vào Nông trường Láng Biển lấy mẫu đất cùng cỏ năn, cỏ lác đem về nước phân tích rồi kết luận: “Đồng Tháp Mười không thể trồng lúa!”.

Kỳ 1:Ký ức thời hoang dã

CbnCgDFx.jpgPhóng to
Quang cảnh đào kênh Trung Ương rửa phèn cho Đồng Tháp Mười - Ảnh tư liệu

Chọn lựa sống còn...

Dấu ấn Võ Văn Kiệt

TS Nguyễn Văn Đúng, chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học & kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, nói: “Người dân Đồng Tháp Mười coi cố thủ tướng Võ Văn Kiệt là một kiến trúc sư, cũng là vị tổng chỉ huy tài ba trong công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười những ngày đầu”.

Tại hội nghị sơ kết 10 năm tiến công khai phá vùng Đồng Tháp Mười năm 1990, phát biểu trước hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước, ông Võ Văn Kiệt nói: “Công cuộc tiến công khai hoang, khai thác Đồng Tháp Mười thật sự là một cuộc cách mạng vô cùng quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở VN”.

Cuối những năm 1980, ông Võ Văn Kiệt, lúc ấy là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tổ chức cuộc họp với lãnh đạo ba tỉnh để bàn về biện pháp khai thác có hiệu quả vùng đất này. Trước nhiều ý kiến khác nhau ông kết luận: “Chúng ta phải làm, nếu có mất thì chỉ mất một phần của ba tỉnh, nếu thành công thì có lợi cho cả nước”.

Năm 1976 ông Nguyễn Công Bình (Sáu Bình), phó bí thư tỉnh ủy - chủ tịch UBND tỉnh, ký ban hành chỉ thị đào kênh 500 tại huyện Tân Phước bây giờ để mở màn chiến dịch khai phá Đồng Tháp Mười. Ông Sáu Bình nhớ lại: Sau giải phóng, cuộc sống người dân rất khó khăn. Đồng Tháp Mười mênh mông mà không có ai đến ở. Đất bị nhiễm phèn, phải rửa phèn thì mới trồng cây, trồng lúa được. Vì vậy phải đào nhiều kênh dẫn nước vào để rửa phèn.

Năm 1977 tỉnh vận động hàng ngàn thanh niên xung phong, thanh niên, phụ nữ, bộ đội, công an vào Đồng Tháp Mười đào kênh 500. Kênh này bắt đầu từ xã Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy) kéo dài đến xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước) dài gần 20km. Đích thân ông Sáu Bình và phó chủ tịch Nguyễn Công Bằng trực tiếp chỉ huy việc đào kênh 500. Ông kể: “Hồi đó toàn đào bằng tay rất vất vả. Anh chị em tham gia đào kênh toàn ăn cơm với muối hoặc nước mắm, rất ít khi được ăn thịt cá. Ba tháng sau con kênh này đào xong. Tôi đứng trên cao nhìn thấy dòng nước son cuồn cuộn đổ về Đồng Tháp Mười lòng lâng lâng như ngày giải phóng. Những anh chị em đào kênh thì ôm nhau khóc nức nở vì quá đỗi hạnh phúc”.

Đào kênh xong, tỉnh thành lập Nông trường Tân Lập, Nguyễn Văn Phùng rồi đưa dân các huyện về khai hoang. Biết bao nhiêu công sức bỏ ra phát cỏ, đào gốc tràm, vỡ đất nhưng trồng chuối, chuối chết; trồng lúa, lúa chẳng sống nổi. Ông Sáu Bình bàn với tỉnh ủy quyết định đào tiếp kênh Trương Văn Sanh nằm song song và cách kênh 500 khoảng 5km. Hàng ngàn người tiếp tục được huy động đào đất xẻ kênh. Phải mất một năm ròng. Thấy anh chị em cực khổ, ông Sáu Bình chỉ đạo thường xuyên tổ chức biểu diễn văn nghệ ngay trên bờ kênh để “tiếp sức” cho mọi người quên đi mệt nhọc.

Từ hai con kênh chính, tỉnh tiếp tục cho đào nhiều kênh ngang dọc để đưa nước ngọt vào rửa phèn. Đến năm 2010 khu vực Đồng Tháp Mười của Tiền Giang đã có hơn 600km kênh được đào phục vụ công cuộc khai hoang. Bây giờ nơi này đã trở thành vùng sản xuất lúa ba vụ với 5.300ha, vùng trồng khóm phục vụ chế biến xuất khẩu với hơn 12.000ha.

Con kênh quyết định

Đó là tuyến kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng dài 45km xuyên qua Đồng Tháp Mười, nằm ở khu vực gần biên giới Campuchia của hai tỉnh Đồng Tháp và Long An. Trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 24km, còn lại là ở tỉnh Long An. Đây được xem là con kênh dài nhất, lớn nhất được con người đào thủ công từ năm 1977. Nhiều lão nông kể lại con kênh này do trung ương chỉ đạo đào để cải tạo Đồng Tháp Mười nên sau này người dân gọi đó là ”kênh Trung Ương”.

Ông Nguyễn Văn Bé ở ấp 2, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) là một trong những người tham gia đào kênh Trung Ương những năm 1977-1978. Ông kể: công trình được phân thành từng đoạn giao cho từng nhóm, từng tốp đào và khiêng đất đổ lên bờ. Hàng ngàn người che lều bạt tạm trú mưa, tránh nắng. Do thiếu nước ngọt nên anh chị em thay phiên nhau tốp thì đào kênh, tốp kia lấy nước xa cả chục cây số về uống và nấu cơm. Mùa mưa đường sá lầy lội không đi được, họ nảy ra sáng kiến lấy tấm nilông căng ra hứng nước mưa để dành. Có khi thiếu nước nghiêm trọng, cả tuần không ai được tắm nước ngọt. Cơ cực trăm bề nhưng anh em làm việc khí thế lắm.

Tuy nhiên, đến đầu năm 1980 phần lớn các tuyến kênh đào chưa hoàn thành nên chưa thể đưa nước ngọt về. Ông Nguyễn Văn Lương (Hai Lương), phó Ban nghiên cứu khai thác Đồng Tháp Mười lúc đó, nhớ lại: “Khi đào kênh nước phèn vàng sẫm trải dài trên mặt đất, còn dưới kênh đọng lại đặc quánh. Cứ mỗi đầu mùa mưa phèn đổ dồn về một số tuyến kênh trung tâm, có nơi kéo dài hàng chục cây số khiến cá chết hàng loạt, ngay cả người dân cũng phải đi nơi khác tìm nước ngọt để sinh sống. Nhiều ý kiến đặt ra là chúng ta làm thủy lợi hay... thủy hại? Có nên tiếp tục đào kênh nữa hay không?

Năm 1983, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định về việc điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL. Đây là chương trình trọng điểm cấp Nhà nước do GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học trung ương, làm chủ nhiệm đề tài. Phần điều tra nghiên cứu về Đồng Tháp Mười do TS Hồ Chín chủ trì. Có thể nói bắt đầu từ thời điểm này Chính phủ chính thức tập trung nghiên cứu, đầu tư khai hoang Đồng Tháp Mười. Ông Võ Văn Kiệt thường xuyên về đây cùng các nhà khoa học khảo sát và có những chỉ đạo sát sao việc khai hoang Đồng Tháp Mười. Năm 1984 kênh Trung Ương được đào xong, dẫn nguồn nước ngọt phù sa từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười về tận sông Vàm Cỏ Tây để tăng tốc rửa phèn, cải tạo đất. Nước ngọt dẫn tới đâu, người dân tụ họp về hai bên bờ kênh cất nhà, khai hoang, lập nghiệp tới đó.

Một số tuyến kênh khác được đào những năm trước và thời điểm này cũng bắt đầu phát huy tác dụng tháo chua rửa phèn. Biện pháp giải quyết căn cứ tình trạng đất nhiễm phèn bằng cách đào kênh, xẻ mương được mọi người đồng tình, công nhận. Phong trào làm thủy lợi dẫn nước ngọt lan rộng ở khắp nơi trong vùng Đồng Tháp Mười. Để dân đến và bám trụ khai hoang, các địa phương cũng chú ý đầu tư hạ tầng, giao thông, kỹ thuật sản xuất mới. Nhờ vậy, từ một vùng “đất chết” ngập úng bạt ngàn lau sậy năm nào đã trồng được 312.587ha lúa vào năm 1987, gần 700.000 ha vào 1996. Năng suất lúa từ 1-2 tấn/ha tăng lên 3-7 tấn/năm tùy vùng. Theo giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Lê Minh Đức, vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh hằng năm sản xuất tới 1,3 triệu tấn lúa, trong khi toàn tỉnh chỉ có 2,3 triệu tấn. Đồng Tháp Mười đã trở thành vùng sản xuất lúa, khóm, tràm, bạch đàn... chủ lực của ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp.

---------------------------------------------

“Vùng này xưa hoang sơ không bóng người, đất xám xịt, cỏ cao lút đầu, đụng chỗ nào cũng thấy rắn hổ bự bằng cổ tay...”. Đó là ký ức của những tỉ phú nơi vùng đất phèn ngày xưa...

Kỳ 3:Chuyện người khai phá

VÂN TRƯỜNG - ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên