22/11/2019 07:57 GMT+7

30 năm 'biên niên sử' SEA Games: Tan tác đội tuyển kỳ SEA Games 1991

SĨ HUYÊN - HOÀNG VŨ
SĨ HUYÊN - HOÀNG VŨ

TTO - Nói đến “biên niên sử” thể thao Việt Nam, nói đến những câu chuyện không thể nào quên trong đời VĐV, là phải nói đến SEA Games.

30 năm biên niên sử SEA Games: Tan tác đội tuyển kỳ SEA Games 1991 - Ảnh 1.

Trang phục "đa sắc màu" của các tuyển thủ khi tập trung chuẩn bị cho SEA Games 1991

Và Manila 2019 - SEA Games 30 sắp tới là dịp kỷ niệm 30 năm ngày thể thao Việt Nam đến với Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 1989).

Trong 30 năm ấy, người hâm mộ Việt Nam đã chứng kiến biết bao nhiêu câu chuyện để đời, khoảnh khắc nghẹn ngào, niềm vui chiến thắng… từ những cái tên huyền thoại như Đặng Thị Đông, Kiều Oanh, Trần Minh Chiến, Lê Hồng Hảo, Ánh Viên…

Đó còn là những chuyện ngô nghê đến cười ra nước mắt, những nỗi đau lẫn những trận thắng không thể nào quên của bóng đá Việt Nam.

"Tiếc, tiếc đến… đứt ruột! Nếu 11 bạn ấy không tự ý bỏ về vào ngày 29-7-1991, tuyển Việt Nam đã có một đội hình rất mạnh đủ sức lấy huy chương SEA Games 16 ở Philippines chứ không phải chờ đến SEA Games 1995". 28 năm trôi qua, nỗi tiếc nuối này vẫn khôn nguôi đối với cựu danh thủ Lê Khắc Chính…

Thật ra, chuyện 11 tuyển thủ bỏ về vào ngày 29-7-1991 là điều đã được dự báo bởi theo thông tin của tuyển thủ Phan Thanh Hùng nói với PV Tuổi Trẻ ngày 28-7: các cầu thủ đã mua vé tàu trở về nhà ("Đội tuyển bóng đá đi SEA Games 16 có nguy cơ tan rã", Tuổi Trẻ 30-7-1991).

Tuy nhiên, những người có trách nhiệm của ngành thể thao lẫn LĐBĐVN (VFF) lúc ấy đã không hề có biện pháp nào để "giữ chân" họ lại với đội tuyển, kể cả việc làm dễ dàng nhất là tổ chức một cuộc gặp gỡ để nghe các tuyển thủ giãi bày...

Thương nhiều, giận cũng nhiều

Lần đầu bóng đá trở lại SEA Games, người hâm mộ rất quan tâm đến đội tuyển Việt Nam. Ngay sau khi Tuổi Trẻ phát động Quỹ bảo trợ đội tuyển bóng đá Việt Nam tham dự SEA Games 16, rất nhiều đơn vị và cá nhân đã đến báo Tuổi Trẻ để đóng góp cho đội tuyển.

Cái tình của người hâm mộ với đội tuyển lớn, lớn lắm như chia sẻ của các anh chị đoàn viên của Xí nghiệp Khai thác thuộc Sở Lâm nghiệp: "Mong anh em hãy quyết đấu với tất cả đối thủ dù yếu hay mạnh".

Trao cho quỹ số tiền 50.000 đồng sáng 25-7-1991, cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng chia sẻ: "Nhân dịp gần đây có in được vài truyện ngắn, tôi xin chia sẻ một phần nhuận bút ít ỏi cho đội tuyển… dù có thua tôi vẫn ủng hộ đội tuyển…".

Cái tình lớn như vậy nên khi biết được sự cố, nhiều CĐV đã đến báo Tuổi Trẻ để bày tỏ thái độ bất bình. Nhiều người nói thẳng hành động bỏ đội tuyển này là "đào ngũ tập thể". Dù vậy, những người trầm tĩnh tuy rất giận nhưng cũng bày tỏ quan điểm phải tìm cho ra chân tướng sự thật bởi không lý gì 11 tuyển thủ lại bỏ về… Sau 28 năm, Tuổi Trẻ xin nhắc lại câu chuyện này.

30 năm biên niên sử SEA Games: Tan tác đội tuyển kỳ SEA Games 1991 - Ảnh 2.

Đồ họa: M.TÁNH

Bất ổn ở chiếc ghế HLV trưởng

Trước lúc khởi tranh Giải vô địch quốc gia 1991, VFF thông báo và nhận được sự đồng thuận của tất cả các đội tham dự: HLV trưởng của đội vô địch sẽ là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 16. So với hiện tại, cách tuyển chọn này thật không giống ai.

Sau khi đội Hải Quan lên ngôi vô địch, cựu danh thủ - HLV Nguyễn Kim Hằng (vừa qua đời hồi đầu năm 2019) nghiễm nhiên là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Một ngày sau khi kết thúc giải, VFF họp cùng đội ngũ HLV tại TP.HCM để bàn về việc tuyển chọn nhân sự của đội tuyển lẫn thành phần ban huấn luyện.

Tại cuộc họp, HLV Nguyễn Kim Hằng xin từ nhiệm chức danh HLV trưởng đội tuyển với lý giải: "Do mới tham gia công tác huấn luyện với CLB, tôi nhận thấy còn nhiều hạn chế về chuyên môn, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt với đội tuyển.

Vì vậy, tôi tiến cử HLV Vũ Văn Tư (Quảng Nam - Đà Nẵng) làm HLV trưởng và nhận chức trợ lý HLV". Các thành viên dự họp thống nhất với đề nghị của HLV Nguyễn Kim Hằng và cử ông Vũ Văn Tư giữ chức HLV trưởng đội tuyển.

Tuy nhiên, một tuần sau khi tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (Nhổn - Hà Nội), cố HLV Vũ Văn Tư nộp đơn từ nhiệm với lý do: không làm tròn trách nhiệm quản lý để cho 11 cầu thủ tự ý rời đội tuyển. Sau đó, Tổng cục TDTT chỉ định HLV Nguyễn Sĩ Hiển thay thế ông Tư dẫn dắt đội tuyển. Hai ông Hằng và Tư giữ vai trò trợ lý HLV.

Những "ngòi nổ" ở Nhổn

"Chúng tôi mắc sai lầm nghiêm trọng, tất cả chỉ vì sự hiếu thắng, thiếu chín chắn trong suy nghĩ. Nhưng cũng có lý do dẫn tới cuộc nổi loạn ấy". Cựu tuyển thủ Đặng Trần Chỉnh kể tiếp: "Ngoài chuyện thiếu thốn mọi bề ở Nhổn về các điều kiện ăn ở, cơ sở vật chất cho việc tập luyện… chúng tôi gặp nhiều ức chế do công tác quản lý đội tuyển rất cứng nhắc và không công bằng.

Dù quy định chỉ được ra ngoài 2 lần/tuần nhưng cứ sau buổi tập, các tuyển thủ lẫn HLV là người Hà Nội đều kéo nhau ra về đến sáng hôm sau mới trở lại. Sự bất mãn vì quy định không được một số thành viên đội tuyển tuân thủ đã bắt đầu nhen nhóm và tạo nên quyết định sai lầm của chúng tôi sau này…".

"Tôi rời đội tuyển bởi sự tự ái", cựu tuyển thủ Phan Công Thìn bộc bạch. Anh nói tiếp: "Trong nhiều buổi tập, thầy Tư chỉ đứng khoanh tay, thi thoảng ông chạy ra sau cầu môn nhặt bóng cho chúng tôi. Thấy lạ, tôi hỏi, thầy Tư chỉ cười nhẹ và nhắc: Thôi, em vào tập đi…

Hình ảnh lạ lùng ấy kéo dài cả tuần liền, khiến tinh thần chúng tôi bị tác động không nhỏ. Ngờ ngợ có điều gì khuất tất từ ban huấn luyện nhưng không được giải thích tường tận, chúng tôi kéo nhau ra về vì nhận thấy rằng bầu không khí ngột ngạt và đội tuyển quốc gia thiếu hẳn tinh thần tương thân tương ái lẫn tính kỷ luật".

30 năm biên niên sử SEA Games: Tan tác đội tuyển kỳ SEA Games 1991 - Ảnh 3.

Báo Tuổi Trẻ cảnh báo nguy cơ tan rã đội tuyển, một ngày trước khi 11 cầu thủ bỏ về.

"Các bạn ấy cũng có cái lý"

Ông Nguyễn Sĩ Hiển - HLV trưởng đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam ở đấu trường SEA Games - nói với Tuổi Trẻ: "Không ai đồng tình với việc chối bỏ nghĩa vụ quốc gia của 11 cầu thủ này. Nhưng nói đi thì phải nói lại, họ cũng có cái lý của mình khi bỏ về.

Ngày ấy Nhổn đang trong tình trạng bao cấp, lần đầu tiên là nơi tập trung của đội tuyển quốc gia nên trang phục tập luyện mạnh ai nấy mặc, tiêu chuẩn ăn của mỗi VĐV là 12.000 đồng/ngày nên không đủ dinh dưỡng. Đã vậy, mỗi bữa ăn chỉ có 3-4 món, chế biến đơn điệu.

Thời tiết miền Bắc lúc ấy khá lạnh. Nhổn ngày ấy không có phòng tắm riêng nên sau mỗi buổi tập, cả đội phải kéo nhau ra bể nước công cộng giội ào ào rồi chạy nhanh về phòng trùm chăn kín người để chống lạnh.

Xung quanh Nhổn là đồng không mông quạnh, sau giờ tập, cầu thủ không có điều kiện giải trí nên hết đi ra lại đi vào... Những thiếu thốn ấy tác động dữ dội vào suy nghĩ và dẫn tới việc họ cùng nhau bỏ về… Một sự cố đau lòng bởi 11 người ra về đều là những ngôi sao. Sắp xếp lại thì vừa đủ một đội hình rất mạnh".

Tiếc nuối khôn nguôi

Nếu không có sự cố ấy, tuyển Việt Nam liệu có đoạt huy chương ở SEA Games 16? Ông Hiển đáp: "Chắc chắn có và chí ít phải là huy chương đồng. Tôi khẳng định bởi tuyển Việt Nam lúc ấy có nhiều cầu thủ giỏi, trong khi đối thủ cùng bảng là chủ nhà Philippines, Indonesia và Malaysia cũng không quá vượt trội".

Nhắc lại chuyện xưa, cựu danh thủ Lê Khắc Chính, thành viên đội tuyển dự SEA Games 1991, buồn bã nói: "Kể về chuyện cũ, tôi chỉ có thể đúc kết lại bằng cụm từ "tiếc, tiếc đến… đứt ruột". Giá mà 11 bạn ấy ở lại, có cá gì tôi cũng cá đội tuyển Việt Nam sẽ có huy chương".

Lỗi các bạn ấy nhưng lỗi đầu tiên là từ ban huấn luyện khi không thể kết nối anh em lại với nhau. Một thế hệ cầu thủ tài hoa, tiếc là chúng tôi không có cơ hội sát cánh cùng nhau để tranh đoạt huy chương".

Ngày 25-11-1991, môn bóng đá ở SEA Games 16 khởi tranh. Sau sự cố nói trên, dù được bổ sung nhưng việc mất lực lượng tinh anh và thời gian còn lại không nhiều nên tuyển Việt Nam bị loại từ vòng bảng với kết quả: hòa Philippines 2-2, thua Indonesia (đội tuyển sau đó đoạt chức vô địch) 0-1, thua Malaysia 1-2.

Lên tuyển, CLB phải nộp tiền

Đây là chuyện khó tin nhưng có thật bởi trong công văn triệu tập các tuyển thủ, VFF yêu cầu chủ quản đội bóng nộp thêm cho mỗi cầu thủ 10.000 đồng/ngày. Lãnh đạo đội Cảng Sài Gòn đã từ chối yêu cầu này.

Chưa hết, thời điểm tập trung thiếu khoa học khiến 5/6 tuyển thủ của đội Hải Quan được gọi tập trung đã nộp đơn xin ở lại. Lúc đó, tuyển thủ Lưu Tấn Liêm tâm sự: "Đã bao năm nay gần như không giúp đỡ gì được vợ con, nay lại xa nhà để tiếp tục đá bóng và tốn tiền nhà. Là cầu thủ tôi rất muốn đi nhưng ở vị trí người chồng, người cha, tôi không thể…".

Hủy tập vì... ăn quá no

cuu danh thu nguyen van dung_2 3(read-only)

Cựu danh thủ Nguyễn Văn Dũng - Ảnh: S.H.

3 bàn thắng của tuyển Việt Nam ở SEA Games 1991 đều cùng một tác giả: tiền đạo Nguyễn Văn Dũng (Công nghiệp Hà Nam Ninh, từng 4 lần đoạt danh hiệu Vua phá lưới giải vô địch quốc gia).

Cựu danh thủ Nguyễn Văn Dũng kể: "Đó là lần xuất ngoại đầu tiên của anh em cầu thủ chúng tôi sau ngày đất nước thống nhất. Một chuyến đi với biết bao điều lạ lẫm. Mỗi cầu thủ được 3 USD/ngày tiền tiêu vặt, lần đầu biết đồng đôla nên nhiều anh em cất giữ mang về làm kỷ niệm.

Đến bữa ăn, ai cũng lúng túng, ngập ngừng trước hàng dãy dài thức ăn được xếp trên bàn. Đó là lần đầu tiên chúng tôi mới biết đến kiểu ăn tự chọn (buffet) là thế nào.

Mang thức ăn về bàn, chúng tôi lại ngồi thừ ra khi nhớ lại những bữa ăn quá thiếu chất, thiếu món thuở còn tập trung ở Nhổn. Thức ăn đa dạng và ngon khiến cầu thủ mặc sức "chén" thoải mái. Đó chính là lý do khiến HLV trưởng phải hủy buổi tập đầu tiên ở Philippines vì cầu thủ... ăn quá no".

(còn tiếp)

Tuổi Trẻ Online trình làng chuyên trang SEA Games 30 Tuổi Trẻ Online trình làng chuyên trang SEA Games 30

TTO - Để phục vụ bạn đọc tốt nhất tại sự kiện thể thao lớn nhất khu vực là SEA Games 2019, Tuổi Trẻ Online "trình làng" chuyên trang SEA Games 2019 (seagames30.tuoitre.vn).


SĨ HUYÊN - HOÀNG VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên