Minh Chiế n (11) trong trận bán kết SEA Games 1995 với Myanmar - Ảnh: SĨ HUYÊN
Một khái niệm mới cũng bắt đầu từ SEA Games 1995: đi bão.
Pha làm bàn của Minh Chiến được chọn bởi hội đủ các yếu tố: mạch lạc, nhanh, gọn, đẹp mắt. Hình ảnh chạy và ăn mừng bàn thắng của Minh Chiến cho thấy khát vọng chiến thắng, vươn lên của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Bình luận viên VŨ QUANG HUY
"Sau cái đêm thắng Indonesia, trời vừa sáng, Công Minh đã lò dò đến phòng tôi và nói chấn thương của em không sao, chỉ ở phần mềm thôi, đủ sức đá trận bán kết với Myanmar.
Minh vừa rời đi, ông Weigang ập đến hỏi ngay: Công Minh sao rồi Lâm? Tôi đáp: ổn, đủ sức đá với Myanmar. Khuôn mặt giãn ra, ông hỏi tiếp: Cái đầu gối của Minh Chiến thì sao?" - trợ lý HLV Dương Vũ Lâm nhớ lại.
Ông Weigang lưỡng lự nửa muốn sử dụng tài năng của Trần Minh Chiến - tiền đạo cực khéo trong các pha xử lý trong không gian hẹp và có khả năng gây đột biến rất lớn. Nửa còn lại ông muốn "dưỡng" Chiến để anh bình phục hoàn toàn chấn thương gối nhằm đi xa hơn trong sự nghiệp.
"Lúc đó tôi không biết phải trả lời ông Weigang ra sao" - ông Lâm nói.
Mũi chích "liều mạng"
14-12-1995, buổi sáng trước trận bán kết SEA Games 18 giữa Việt Nam - Myanmar, ông Lâm rủ Trần Minh Chiến lang thang trong làng thể thao để chơi game. Dụng ý của ông Lâm là muốn giúp Chiến giải khuây trước trận quyết đấu.
Trên đường đi, ông Lâm chợt phát hiện ra trung tâm y tế trong làng thể thao. Dù không biết khả năng trung tâm này ra sao nhưng nhìn thấy nhiều thiết bị hiện đại và có khá đông người ra vào thăm khám, ông Lâm chợt nghĩ: Hay đưa Chiến vào đây khám thử xem sao.
Chờ Chiến chơi game một lúc, ông Lâm rủ Chiến bước vào trung tâm.
Sau một lúc thực hiện nhiều cách thức kiểm tra, bác sĩ nói: "Dây chằng còn tốt, chỉ bị chấn thương phần cơ. Có thể thi đấu nếu được chích thuốc giảm đau thẳng vào gối. Đây là thuốc giảm đau được phép sử dụng trong làng thể thao SEA Games, không có doping...".
Sợ có gì xảy ra, ông Lâm đề nghị bác sĩ viết giấy chứng nhận thuốc không có doping nhưng vị này từ chối. Lăn tăn một hồi, hai thầy trò đánh liều gật đầu.
Từ lúc chích cho đến giờ ra sân, mỗi khi được ông Lâm hỏi thăm, Chiến đều khẳng định: "Em thấy OK lắm, đá được thầy ơi...". Nhưng dù được ông Lâm thông báo Minh Chiến đủ sức đá nhưng HLV Weigang vẫn để Chiến ngồi dự bị.
Minh Chiến và thủ quân Nguyễn Mạnh Cường (phải) trên bục nhận HCB SEA Games 1995 - Ảnh: SĨ HUYÊN
Trường tồn với lịch sử bóng đá SEA Games
Gần cuối giờ đá chính thức, HLV Weigang hướng mắt về nơi Chiến đang ngồi. Bắt gặp ánh mắt ấy, Chiến bật dậy ra dấu xin được vào sân. Khi ấy, tỉ số đang 1-1 và Myanmar chỉ còn 9 cầu thủ trên sân.
Bước vào hiệp phụ, sau pha dàn xếp đá phạt nhanh giữa Đỗ Khải - Hồng Sơn, bóng được treo cao từ phải vào. Huỳnh Đức bật lên đón hụt. Đứng ở phía sau, Minh Chiến liền tung cú đá vôlê vừa hiểm, vừa mạnh. Lưới Myanmar rung lên.
Trận bán kết SEA Games 18 kết thúc ở thời điểm đó với luật "bàn thắng vàng" lần đầu và cũng là lần duy nhất được áp dụng ở SEA Games.
24 năm sau, Chiến kể lại với Tuổi Trẻ: "Hôm ấy, nếu cái gối của tôi không đau, bàn thắng chưa chắc đã đến vì tôi rất... thích đột phá rồi mới chịu ghi bàn. Nói đùa vậy thôi chứ xử lý bóng trong không gian hẹp là bản năng mà ơn trên đã ban tặng cho tôi...".
Từ sau năm 2004 trở đi, luật bàn thắng vàng không còn được áp dụng trên toàn cầu. Vô tình, "cái chết bất ngờ" của luật ấy giúp cho Trần Minh Chiến luôn được nhắc đến với tư cách là cầu thủ đầu tiên ghi bàn thắng vàng - một bàn thắng trường tồn với bề dày lịch sử bóng đá SEA Games vì không cầu thủ nào còn cơ hội làm lại lịch sử như thế!
Vinh quy trong "tâm bão"
Ngay sau chiến thắng 2-0 của Việt Nam trước Malaysia trong trận mở màn vòng bảng ở SEA Games 1995, rất đông CĐV cả nước nô nức kéo nhau xuống phố để hò reo, cổ vũ. Một hình ảnh bất ngờ, vừa lạ, vừa thú vị xuất hiện theo kiểu tự phát - người này xuống phố kéo theo sự hào hứng đồng hành từ người khác.
Đội tuyển Việt Nam càng tiến sâu trên đất Chiang Mai thì những cuộc xuống đường diễn ra với quy mô lớn hơn, thời gian kéo dài hơn. Và từ cửa miệng của nhiều người xuất hiện hai từ: đi bão.
Sự cuồng nhiệt của người hâm mộ đã làm đổ vỡ mọi cuộc tiếp đón của lãnh đạo TP.HCM dành cho đội tuyển Việt Nam trong ngày thầy trò ông Weigang về nước tối 18-12-1995, với chiếc HCB - thành tích cao nhất sau ba lần liên tiếp bóng đá nam xuất hiện trở lại ở đấu trường SEA Games.
Háo hức với chiếc huy chương bất ngờ ấy, mọi thành viên đội tuyển được đón tiếp trọng thị khi vừa ra khỏi cửa máy bay. Hàng hàng lớp lớp nhân viên mặt đất của hàng không, an ninh sân bay, hải quan, bộ phận xuất nhập cảnh vây quanh các tuyển thủ để hò reo, chúc mừng hoặc được chạm tay vào người họ.
Cùng lúc đó bên ngoài sân bay là biển người hâm mộ đang chờ đón cùng băngrôn, cờ xí, biểu ngữ, trống kèn inh ỏi.
Một buổi tối khó quên
Lúc đó, lãnh đạo Tổng cục TDTT quyết định: đại diện văn phòng II của LĐBĐ Việt Nam (VFF) ở phía Nam chịu trách nhiệm thu gom toàn bộ hành lý của đội tuyển lên một xe coaster, hai chiếc còn lại chở ban huấn luyện và cầu thủ cùng các thành viên của đội tuyển trực chỉ hội trường Thống Nhất, nơi lãnh đạo Thành ủy TP.HCM làm lễ tiếp đón.
Rời sân bay Tân Sơn Nhất vào khoảng 19h. Trên đường đi, hai xe này dù được CSGT mở đường nhưng luôn bị người hâm mộ vây quanh, nhiều lúc đứng yên tại chỗ.
Ông Dương Vũ Lâm kể: "Nhớ lại lúc ấy vẫn còn khiếp! Xe chở đầy người mà có lúc tôi có cảm giác... bồng bềnh trong vô vàn người hâm mộ cuồng nhiệt. Mệt nhưng sướng vô cùng!".
Một buổi được đón rước đầy ấn tượng.
Một buổi tối nhọc nhằn, mệt mỏi, đói lả người và cũng hết sức đáng nhớ với đội tuyển Việt Nam sau chiếc HCB lịch sử, mở ra một chương mới cho bóng đá nước nhà trong việc sử dụng HLV ngoại, giao lưu với bóng đá quốc tế nhiều hơn, tài chính của VFF cũng dồi dào hơn...
"Hình hiệu" Trần Minh Chiến
Tháng 4-1996, kênh giải trí VTV3 ra đời. Bình luận viên Quang Huy khi đó công tác tại VTV kể: "Sau nhiều cuộc họp, tranh luận, lãnh đạo VTV quyết định chọn khoảnh khắc Minh Chiến ghi bàn vào lưới Myanmar làm hình hiệu cho chương trình thể thao phát sóng nằm trong chương trình thời sự trưa và tối của VTV.
Pha làm bàn ấy được chọn bởi hội đủ các yếu tố: mạch lạc, nhanh, gọn, đẹp mắt. Hình ảnh chạy và ăn mừng bàn thắng của Minh Chiến cho thấy khát vọng chiến thắng, vươn lên của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế...".
Và sau gần chục năm xuất hiện liên tục, hình hiệu thể thao ấy mới được thay đổi để làm mới bởi hình ảnh khác.
Phải nhờ đến cảnh sát hình sự giải vây
Người hâm mộ “vây” một trong ba chiếc xe chở các thành viên đội tuyển Việt Nam sau khi trở về từ SEA Games 1995 - Ảnh: SĨ HUYÊN
Mãi đến gần 23h, hai xe chở người mới về tới cổng hội trường Thống Nhất nhưng khi ấy đã tắt đèn vì không ai có thể chờ được. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT ngày ấy - ông Lê Bửu - chỉ đạo: "Chạy thẳng về trụ sở Công an TP trên đường Trần Hưng Đạo rồi tính tiếp...".
Đoàn người hâm mộ tiếp tục rồng rắn chạy theo. Và chuyến "đi bão" ấy kết thúc trước cổng trụ sở Công an TP bởi hệ thống bảo vệ được thiết lập nghiêm ngặt, không cho người lạ mặt lọt vào.
Sau đó, từng tốp tuyển thủ được lực lượng cảnh sát hình sự hộ tống ra về bằng đủ loại phương tiện, đi qua nhiều cổng nội bộ khác nhau của trụ sở Công an TP.
Nói như ông Lâm: "Hồi còn ở Thái Lan, đội tuyển đã nghe nói về vụ đi bão này, nhưng không thể ngờ được là người hâm mộ cuồng nhiệt đến mức như vậy...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận