Giới truyền thông chung vui cùng đội tuyển bóng đá Việt Nam sau lúc nhận HCB SEA Games 1995
Tại Chiang Mai, trả lời câu hỏi nghĩ gì về các đối thủ sắp tới, hậu vệ trái người Huế Lê Đức Anh Tuấn nói: Hắn có hai chân, mình cũng có hai chân. Hắn có cái đầu, mình cũng có cái đầu, có chi mà sợ hắn!
Hơn một tháng tập huấn ở châu Âu, các thành viên tuyển Việt Nam không hề có một chút thông tin nào về SEA Games 1995. Chỉ đến khi lật tờ báo Việt Nam trên máy bay, họ mới biết mình rơi vào bảng đấu "tử thần" với chủ nhà Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Campuchia.
Nhưng "nghé non không sợ cọp", các tuyển thủ trẻ nói đùa: "Chắc cũng như mấy ông Tây mình vừa đá ở Thụy Sĩ hay Đức mà thôi. Cứ chơi hết mình đi…".
Toa thuốc trị bệnh "ngán Tây"
Thời điểm đó, không có nhiều cọ xát quốc tế, nhiều cầu thủ trẻ tỏ vẻ e dè trước những cầu thủ nước ngoài to cao, mạnh mẽ… Với quan điểm chỉ có thực chiến, cầu thủ mới khá dần lên về chuyên môn và "cứng" dần về tâm lý thi đấu, tuyển Việt Nam có nhiều trận đấu tập huấn ở châu Âu.
Ông Dương Vũ Lâm nhớ lại: "Lúc mới sang Thụy Sĩ và Đức, ngay cả khi đá với các đội bóng nghiệp dư, quân mình cũng "ngớp" vì mặt sân tốt khiến bóng đi rất nhanh. Quen với tốc độ bóng này, các cầu thủ của họ luôn cho các tuyển thủ ta "ngửi khói".
Ông Weigang phải "vừa đánh vừa xoa": "Ở Việt Nam các cậu là số một, nhưng ở đây các cậu còn kém người ta nhiều lắm. Nhưng đó chỉ là do các cậu chưa quen thôi. Chạy đi, chạy nhiều, chạy nhanh lên… Với kỹ thuật của các cậu, sẽ có lúc họ "ngửi khói" lại các cậu".
Bị "chích" kiểu đó, các ông trẻ nhà mình vào trận ghê lắm, chạy ào ào, ban bật nhanh hẳn… Dù chỉ thắng những đội bóng địa phương thôi nhưng tâm lý "ngán Tây" bắt đầu nhạt dần. Đến khi gặp đội bóng rất mạnh là CLB Freiburg trong trận giao hữu chuẩn bị bước vào mùa bóng mới của họ, trước 10.000 khán giả, dù thua 1-6 nhưng bàn thắng vào lưới Freiburg đã đem lại niềm tin rất lớn cho các tuyển thủ Việt Nam: chúng ta đủ khả năng ghi bàn vào lưới các đối thủ mạnh".
Cựu HLV tuyển Việt Nam Trần Duy Long, người cũng có mặt trong chuyến tập huấn, nói vui: "Nói nôm na là sáng ra lùa đàn gà vào rừng. Đến tối chúng tự về và những con về được là những con giỏi kiếm ăn cũng như lẩn tránh kẻ thù. Chuyện rèn quân của ông Weigang cũng thế, việc thi đấu liên tục với mật độ 3 ngày/trận với rất nhiều đối thủ, rất nhiều cách chơi đã giúp các tuyển thủ Việt Nam hình thành khả năng ứng phó rất cao".
Toa thuốc của ông Weigang cùng với dàn cầu thủ "nghé non không sợ cọp" đã đến SEA Games 1995 với tinh thần mạnh mẽ dù rơi vào bảng đấu "tử thần".
HLV Weigang thăm hỏi hậu vệ Trần Công Minh sau pha va chạm và bị chấn thương ở SEA Games 1995
"Bỏ tuyển Việt Nam vào túi"
Năm đó, SEA Games 1995 diễn ra vào tháng 12 tại Chiang Mai. Nằm ở phía bắc Thái Lan, Chiang Mai khá tương đồng với Đà Lạt về nhiều mặt từ thời tiết đến con người.
Lamphoon là một sân vận động nhỏ cách Khu liên hợp Chiang Mai - địa điểm chính của SEA Games 1995 - khoảng 30km. Là sân đấu dành cho các đội khách ở bảng A nên không khí trên sân Lamphoon thường rất "lặng". Nhưng trong màn sương trắng mờ mịt và cái lạnh se sắt cuối năm, Lamphoon lại là "đất lành" của tuyển Việt Nam trong hành trình tiến đến trận chung kết SEA Games 1995.
Đêm 12-12-1995, trên chiếc xe ban tổ chức bố trí chở truyền thông hai nước đến Lamphoon tác nghiệp trận Việt Nam - Indonesia, gương mặt nhiều phóng viên Việt Nam hiện rõ sự căng thẳng. Hỏi cố nhà báo Tường Vy: "Sao anh?", anh đáp ngắn gọn: "Xem hai trận thua Thái Lan (1-2) và thắng Malaysia (3-0), Indonesia đá kinh lắm!".
Trong khi đó, các PV Indonesia trò chuyện rôm rả trên xe. Với họ, thắng tuyển Việt Nam là chuyện đương nhiên. Họ xem như đã "bỏ tuyển Việt Nam vào túi".
Thầy trò HLV Weigang trong lễ xuất quân dự SEA Games 1995 - Ảnh: SĨ HUYÊN
Kịch chiến ở Lamphoon
Xúc động nhất là khoảng 20 Việt kiều ở Thái Lan xuất hiện trên sân Lamphoon. Họ cho biết đang sinh sống ở các khu vực lân cận Chiang Mai và đến Lamphoon bằng những chiếc xe bán tải để cổ vũ tuyển Việt Nam.
Trước trận đấu này, tuy có cùng 6 điểm nhưng do kém hiệu số (7-3 so với 14-2) nên tuyển Việt Namphải đánh bại Indonesia mới lấy vé vào bán kết. Do chỉ cần cầm hòa Việt Nam là đi tiếp nên Indonesia chọn lối chơi phòng ngự phản công. Ngoài sân, HLV Weigang không giấu được sự sốt ruột vì thế trận có lợi đang thuộc về Indonesia.
Cựu danh thủ Trần Công Minh kể: "Nhưng trong một pha lên cao tấn công ở cánh phải, thấy Hữu Đang từ cánh trái tăng tốc vào trước cầu môn Indonesia, tôi liền tạt bóng căng vào giữa. Hữu Đang xuất hiện đúng lúc đệm bóng tung nóc lưới ghi bàn.
Sau khi tôi chuyền bóng, cái chân của hậu vệ Indonesia đạp thẳng vào gối khiến tôi đổ gục xuống sân mà không hề biết lưới của đối thủ vừa rung lên. Ngay lập tức, tôi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kỷ niệm của cú va chạm nhớ đời ấy là hai vết sẹo trên đầu gối phải". Hữu Đang hồi tưởng: "Tôi linh tính Công Minh sẽ căng bóng vào giữa nên từ cánh tôi đã băng vào. Cám ơn một đường chuyền như đặt để tôi xé lưới Indonesia".
Ngay sau đó, cả hàng thủ tuyển Việt Nam đã "nhàu nát" do lăn xả để cản phá những đợt tấn công bất tận của Indonesia. Ông Dương Vũ Lâm nhớ lại: "Ông Weigang tiến sát ra đường biên để cổ vũ các tuyển thủ bất chấp sự ngăn cản của trợ lý trọng tài. May mà lúc đó chưa có chuyện phạt thẻ HLV, nếu không ông Weigang có thể đã bị trục xuất lên khán đài. Những phút cuối, cả ban huấn luyện lạnh toát người khi từ quả đá phạt góc, một cầu thủ Indonesia đánh đầu lái bóng vào góc êke của khung thành. Không chỉ thủ môn Văn Cường, tất cả đã chết lặng, nhưng may thay trái bóng đã tìm đến cái đầu của hậu vệ Lê Đức Anh Tuấn bật ra ngoài".
Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, một nhóm người Việt ở Lamphoon quây quần với nhau nói cười trong nước mắt: vào bán kết rồi!
Trong sương trắng Lamphoon, bóng đá Việt đã định danh tại đấu trường SEA Games.
"Mở hàng" thuận lợi
Việc Malaysia mở chiến dịch càn quét nạn bán độ đã khiến hàng loạt cầu thủ ngôi sao của họ bị bắt, nên họ đến SEA Games 1995 với đội hình không mạnh. Tuyển Việt Nam vì thế có trận ra quân thuận lợi với chiến thắng 2-0 trước Malaysia.
Một ngày sau trận đấu, một tài xế taxi nói với tôi: "Tuyển Việt Nam đá rất hay. Đội bóng của bạn sẽ đi sâu vào giải". Thú thật lúc ấy nghe lời khen này, thấy mờ mịt lắm. Ngay các thành viên của đội tuyển Việt Nam cũng chỉ nói: "Qua trận nào hay trận ấy mà thôi. Chỉ mong đội cứ đá được như trước Malaysia…".
Lại một nỗi lo khác khi trước mặt tuyển Việt Nam còn hai đối thủ lớn là chủ nhà Thái Lan và Indonesia - đối thủ đã hai lần vượt qua tuyển Việt Nam với cùng tỉ số 1-0 ở SEA Games 1991 và 1993.
Thắng Malaysia 2-0, hạ Campuchia 4-0, thua Thái Lan 1-3, tuyển VN bước vào trận đấu cuối cùng ở vòng bảng để tranh vé vào bán kết với Indonesia.
"Hai ông lì lợm" của đội tuyển
Đó là hậu vệ Trần Công Minh và tiền vệ Nguyễn Hữu Đang.
Người Đức nổi tiếng với tinh thần kỷ luật, lại từng là thầy giáo nên ông Weigang muốn các thành viên đội tuyển phải chỉn chu về mọi điều kể cả trang phục trong tập luyện. Nhưng ông phải chào thua chuyện mang giày của Công Minh và Hữu Đang.
Trong chuyến tập huấn tại Thụy Sĩ và ghé thăm trụ sở FIFA năm 1995, mỗi tuyển thủ Việt Nam được trao tặng đôi giày đá bóng loại xịn nhất thời đó. Trong lúc đồng đội hào hứng mang giày xịn để tập thì Hữu Đang với Công Minh chỉ tập cùng giày nội.
Nhiều tuyển thủ cắc cớ đi "méc" HLV Weigang: "Đang với Minh cất giày xịn làm kỷ niệm", nên trước buổi tập, ông Weigang kêu cả hai đưa giày cho ông xem. Vừa nhận giày, ông liền chạy thẳng đến thùng rác ném vào trong. Biết ông thầy có tính bông đùa, cả hai đến nơi nhặt lại rồi xỏ giày vào tập.
Hữu Đang thuật lại chi tiết bị ném giày vào thùng rác và kể thêm: "Từ nhỏ cho đến lúc giã từ đời cầu thủ, tôi chỉ quen tập và thi đấu với giày nội. Mang riết, mang riết thành ra quen và tự tin hơn khi mang giày ngoại vì không có được cảm giác quen thuộc khi tiếp xúc với bóng".
Biết "hai ông lì lợm" vì lý do này, vậy là ông Weigang đành làm ngơ. Nhưng có ai ngờ, hai đôi giày nội ấy đã giúp Công Minh và Hữu Đang làm nên bàn thắng quật ngã Indonesia 1-0, đưa tuyển Việt Nam vào trận bán kết với Myanmar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận