HÒA BÌNH - đã 49 năm nay là những “trưa nắng vui cho bao tâm hồn”. Không riêng những người lính chiến thắng, cả người thua trận cũng vui mừng với hòa bình.

Không riêng người mẹ, người vợ đang ngóng con ngóng chồng, cả những em bé cũng biết hân hoan với hòa bình. Những câu chuyện hòa bình không bao giờ là của riêng một ai...

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 1.

PHẠM SỸ SÁU

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 2.

Tháng 4, đến dự cuộc gặp mặt kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Mặt trận 479 tại hội trường C59 Bộ Tổng tham mưu phía Nam ở phường 4, quận Tân Bình (TP.HCM), tôi thấy có tới hàng trăm cán bộ chiến sĩ đã từng trải qua các đơn vị thuộc mặt trận.

Biết bao kỷ niệm không quên của một thời “ra đi không tiếc tuổi xanh”, vậy mà không ai trong chúng tôi còn nhắc nhở đến những ngày gian khổ hiểm nguy.

Gặp nhau là mừng vui và hạnh ngộ, những khoảnh khắc sống chết dường như đã lặn vào trong ký ức để chỉ còn lại kỷ niệm của một thời trẻ trai.

Trải qua những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Tây Bắc Campuchia, chúng tôi hiểu giá trị vô giá của sự may mắn sống sót trở về, bất kể từ cuộc chiến nào.

Chiến tranh đáng sợ, khốc liệt, tàn phá làm sao. Chúng tôi đã tự nguyện đi thẳng vào cuộc chiến tranh vì những giá trị còn lớn hơn chính mạng sống của mình, nhưng không muốn thấy bất cứ thế hệ nào sau mình phải bước vào chiến tranh nữa.

Mấy ngày nay, nghe và xem tin hàng trăm drone mang đầu đạn và hàng chục tên lửa đạn đạo được bắn từ Iran qua lãnh thổ Israel, nghĩ đến những dân thường trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, tại Dải Gaza ngày đêm phải hứng chịu sức nổ của hàng ngàn tên lửa và drone mà đau lòng, mà lo lắng cho tương lai con người.

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 3.

Giữa những ngày nắng nóng khắc nghiệt này, là người lính đã trải qua những ngày chiến trận, tôi chợt ước mong sao sẽ có một “tháng 4 gãy súng” trên mọi chiến trường, mọi vùng đất để người người cùng được hưởng hòa bình, không còn những hiểm nguy rập rình trong cuộc sống.

45 năm trước, những người lính trẻ có mặt trên chiến trường miền Tây Bắc Campuchia xa xôi, trải qua mùa khô khét nắng và khát nước, không ai trong chúng tôi lại không mong mỏi đến lễ hội Chol Chnam Thmey cổ truyền vui đón những hạt mưa, vụ mùa mới, cầu bình an, sung túc cho muôn nhà...

Tháng 4 nhớ đến chiến tranh là để gìn giữ hòa bình. Mong ước hòa bình cho toàn nhân loại.

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 4.

HUYỀN LAM

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 5.

Ngày 30-4 luôn cho tôi nhiều cảm xúc dù tôi đã sống ở hải ngoại gần 45 năm, dù rời quê hương khi chưa tới tuổi thành niên.

Huyền Lam sinh năm 1963 và đến Mỹ năm 1981, hiện là chuyên viên thiết kế phần mềm lĩnh vực môi trường tại tiểu bang Washington, Mỹ.

Ông có nhiều năm cộng tác, trao đổi kỹ thuật với một số cơ quan môi trường tại Việt Nam và tham gia viết báo chuyên ngành ở Việt Nam.

Mười mấy năm tuổi thơ, tôi cũng như đồng bào trên mọi miền đất nước Bắc - Trung - Nam đã chứng kiến một cuộc chiến dài tàn khốc với biết bao mất mát đau thương.

Lúc đó tôi chưa thể hiểu được những nguyên nhân của cuộc chiến nhưng có thể cảm nhận được nỗi đau của nhiều gia đình trong làng xóm mình, khao khát hòa bình trong nỗi lòng cha mẹ mình.

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 6.

Rồi hòa bình đã đến với ngổn ngang, những vui buồn. Cha tôi, một sĩ quan chế độ cũ đã phải trải qua nhiều nghiệt ngã thua thiệt trước và sau cuộc chiến có lần nói trước khi tôi ra nước ngoài:

“Dù gì chiến tranh đã chấm dứt con ạ. Bom đạn, hóa chất hủy diệt mầm sống không còn rơi trên mảnh đất này nữa. Vợ mất chồng, con mất cha, trẻ em, cụ già mất mạng, mất tay chân, những tiếng khóc xé đêm khuya sẽ không còn.

Việt Nam đã trở về một mối, những khó khăn, tiêu cực, sai lầm hiện tại sẽ được thay đổi theo thời gian. Đất nước từ từ sẽ hồi sinh phát triển”.

Cuộc sống những năm đầu tại Mỹ hết sức khó khăn, đêm ngày tôi phải vật lộn với tiếng Anh, với nếp sống mới, lao động cật lực kiếm tiền trang trải chi phí sinh sống nên tâm không còn nhiều khoảng trống nghĩ về quê hương.

Thế nhưng khi đăng ký học năm đầu đại học, trong lớp bổ túc tiếng Anh dành cho sinh viên nước ngoài, tôi gặp một số sinh viên đến từ châu Phi và châu Mỹ Latin.

Các bạn này tỏ ra vui mừng khi biết tôi là người Việt. Có lần trong giờ nghỉ giải lao đổi lớp, các bạn gặp tôi, cất tiếng hát hai câu ngắn được lặp lại vài lần “Viet Nam Ho Chi Minh, Viet Nam Ho Chi Minh...”.

Và họ nói, dù tiếng Anh khi đó còn hạn chế nhưng tôi cũng hiểu được ý các bạn: “Việt Nam của anh rất đáng tự hào, dù nhỏ bé thiếu thốn nhưng đã kiên trì dũng cảm đánh bại các cường quốc thực dân mạnh giàu nhất thế giới để giành độc lập.

Sự quật cường của Việt Nam là động cơ giúp đất nước chúng tôi có niềm tin noi theo và cũng đã giành được độc lập... Thủ đô đất nước tôi có tên đường Hồ Chí Minh...”.

Tôi thật sự ngỡ ngàng bối rối khi nghe các sinh viên này hát và nói như vậy. Tôi chỉ mới 12 tuổi vào năm 1975, chưa hiểu nhiều về chiến tranh.

Sau này vài bạn trong nhóm sinh viên ấy học chung chuyên khoa với tôi suốt mấy năm, mỗi khi nói đến Việt Nam, mắt các bạn vẫn sáng ngời với những ngôn từ đầy cảm mến, ngưỡng mộ.

Có thể nói rằng chính những sinh viên châu Phi - Mỹ Latin đã đánh thức Việt Nam trong tôi. Tôi trăn trở hỏi chính mình: “Hai chữ Việt Nam là gì mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều ngưỡng mộ, nhất là các quốc gia thuộc thế giới thứ ba?”.

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 7.

Những ngày tháng 4 luôn là thời điểm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và dinh Độc Lập được đón du khách nước ngoài đông nhất. Những câu chuyện chiến tranh và hòa bình được kể bằng chứng tích và hình ảnh nơi đây luôn mang lại những giá trị quý báu cho người nghe Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vậy là tôi có thêm động lực tìm hiểu sâu về lịch sử đất nước thông qua các dữ liệu bằng tiếng Việt và ấn phẩm nước ngoài, từ đó tôi có cách nhìn khác với nhiều người xung quanh, không định kiến và yêu thương đất nước nhiều hơn.

Sau hơn 10 năm xa quê hương, năm 1991 tôi quyết định về thăm Việt Nam lần đầu dù bố mẹ và anh chị em đều đã định cư tại nước ngoài. Dạo ấy về Việt Nam đầy khó khăn nhiêu khê, Việt - Mỹ chưa bang giao, Việt Nam vẫn bị cấm vận.

Tôi muốn tìm lại một Việt Nam chân thực mà khi sống tại quê nhà tôi còn mù mờ. Tới giờ tôi vẫn chưa quên cảm giác bồi hồi xúc động, giọt nước mắt lăn tràn khi máy bay vào không phận Việt Nam, lần đầu tôi nhìn rõ những cánh đồng, những mái tôn hoen gỉ san sát bên dưới.

Hơn một tháng từ Nam ra Bắc, khi tàu chợ, khi xe đò, dẫu nhận thấy rõ quê hương mình vẫn nghèo khó, vẫn lạc hậu nhưng ở bất cứ đâu tôi cũng chứng kiến mọi người đều đang nỗ lực vươn lên để từng ngày Việt Nam tốt đẹp hơn.

Sau chuyến đi năm 1991, cứ một hai năm tôi lại về thăm quê hương, chứng kiến sự vươn lên thay đổi từng năm tháng trên tất cả các lĩnh vực, từ thị thành đến nông thôn, từ chính trị đến kinh tế, kỹ thuật, quân sự đến chính sách ngoại giao mềm dẻo.

Điều duy nhất ao ước mà tôi chưa có cơ hội thực hiện là được đến thăm quần đảo Trường Sa nơi địa đầu sóng gió của Tổ quốc.

Sau 49 năm đất nước hòa bình, ngày 30-4 lại đã đến, từ phương xa tôi xin được hòa chung niềm vui cùng người dân Việt Nam. Nguyện cầu quê hương của chúng ta luôn ổn định hòa bình, cuộc sống người dân ngày càng hạnh phúc.

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 8.

TỪ KẾ TƯỜNG

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 9.

Nhà văn Từ Kế Tường đã sống, làm báo, viết văn và nổi tiếng với hàng trăm tác phẩm tại Sài Gòn từ hơn 50 năm qua.

Đoạn đời chiến tranh đã lùi xa mà vẫn như còn ám ảnh, ngày đầu hòa bình đã gần một đời nhưng sao chỉ mới như ngày hôm qua.

Má tôi kể lại lúc chuyển bụng sắp sinh tôi ra thì bị “giặc càn”, cả xóm ai cũng phải bỏ nhà chạy xuống vườn dừa lánh nạn.

Vườn dừa quê tôi rộng mênh mông, mỗi “thớt” vườn cả héc ta, có “thớt” 3-5ha nối nhau chỉ một bờ ranh. Sau này lớn lên tôi hiểu “giặc” má tôi gọi là lính Pháp và tôi được sinh ra vào đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tôi chào đời lúc nửa đêm, bà mụ vườn phải đỡ đẻ một lúc hai sản phụ trong hoàn cảnh chạy “giặc”, là má tôi và dì Bảy Tố. Giờ đó mương vườn không có nước, bà mụ phải múc nước trong hang cá Thòi Lòi lên nấu để tắm cho hai đứa trẻ sơ sinh rồi cắt rốn bằng miểng chai.

Tôi may mắn còn sống sót, còn con trai của dì Bảy Tố bị uốn ván mất ít lâu sau. Má tôi không kể chi tiết những trận càn của quân Pháp vào làng quê sát biển của tỉnh Bến Tre những ngày đó, nhưng nỗi ám ảnh của bà thì dù còn rất nhỏ tôi đã cảm nhận được.

Mỗi lần nghe “Tây càn”, cả xóm bỏ nhà chạy trốn, có những trận quy mô lớn, cả làng mạnh ai nấy bơi xuồng chở gia đình vượt sông Bến Bạ qua phía cồn Bà bên Gò Công, Tiền Giang lánh nạn.

Mùa nắng nước mặn, tôi khát nước, ông ngoại tôi xót ruột không còn biết sợ Tây là gì, liều lĩnh bơi xuồng ngược về bên nhà lấy nước ngọt mang qua cho tôi uống.

Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi vẫn còn nhỏ nhưng cũng đã đủ hiểu rằng sống sót qua cuộc chiến tranh thật không dễ dàng, kể cả với một đứa trẻ như tôi. Một ngụm nước ngọt tôi uống, ông ngoại cũng phải đánh đổi sự an toàn với chính sinh mạng mình.

Ông ngoại mất khi tôi vẫn chưa đủ trí khôn và tôi ghi nhớ tình thương của ông qua hình dung mơ hồ về sự nguy nan của những chuyến vượt sông như vậy.

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 10.

Nhưng ám ảnh của cuộc chiến tranh chống Pháp đối với đứa trẻ con trong tôi lúc đó là ngôi nhà lầu của Bà Chủ Quy. Một ngôi nhà lầu kiểu xưa, nền cao ngang đầu tôi với những mảng tường bị bom đạn bắn sập.

Lũ trẻ con trang lứa chúng tôi hồi ấy thường chơi trốn tìm, nhảy dây trên nền gạch cháy sém, loang lổ hay tìm tổ chim sẻ trong ngóc ngách, gờ tường lát bằng đá cẩm thạch xanh biếc, óng ánh vẫn không phai màu theo mưa nắng, thời gian.

Với trí óc non nớt của tôi, ngôi nhà lầu rộng lớn có thời lộng lẫy này là dấu tích sót lại của cuộc chiến tranh. Sự tàn phá của bom đạn thật khủng khiếp và đáng xót xa.

Tôi rời quê làng lên Sài Gòn học tiếp bậc trung học năm 12 tuổi, vừa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ bắt đầu. Những mùa nghỉ hè về quê, tôi bị ám ảnh bởi tiếng mõ tre ban đêm.

Những năm Bến Tre đồng khởi, làng Phú Vang quê tôi trở thành vùng “xôi đậu”. Nhà nào cũng trang bị một cái mõ tre. Khi có biến, bất cứ lúc nào trong đêm, tiếng mõ tre gọi cả xóm, cả làng dậy lên.

Âm thanh mõ tre đuổi nhau, thi nhau qua từng nhà, đánh, tạo thành một thứ âm thanh vang động không chỉ đánh thức giấc ngủ mà đánh động hàng trăm, hàng ngàn con tim hoang mang, lo sợ xen với tiếng súng đạn nổ giòn trong màn đêm dày đặc. Sáng ra thế nào cũng có người bị thương, người chết... Tôi đã có những mùa hè như vậy suốt những năm tháng chiến tranh.

Ngay cả Sài Gòn khi tôi trở lại học sau mùa nghỉ hè, trường học và đường phố cũng không yên ổn. Những cuộc biểu tình chống Mỹ nổ ra, học sinh, sinh viên bãi khóa, xuống đường đốt xe Mỹ, sặc sụa trong khói lựu đạn cay...

30-4: Nguyện cầu cho quê hương luôn hòa bình - Ảnh 11.
PHẠM SỸ SÁU - HUYỀN LAM - TỪ KẾ TƯỜNG
VÕ TÂN


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0