Kết luận ban đầu được đưa ra là ba trẻ tử vong do sốc phản vệ.
Phóng to |
Bác sĩ Trần Văn Thành, giám đốc Sở Y Tế Quảng Trị, thông báo kết luận bước đầu về vụ tiêm văcxin khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Hướng Hóa - Ảnh: L.Đ.Dục |
Bệnh viện mắc nhiều lỗi trong bảo quản văcxin
Kết luận này được ông Trần Văn Thành, giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, trả lời với báo chí sau cuộc họp trên. Ông Thành cho biết cả ba trường hợp tử vong đều giống nhau là diễn biến rất nhanh với biểu hiện lâm sàng tím tái, khó thở, lịm đi trong vòng 10 phút sau tiêm; kết quả giám định pháp y cho thấy có biểu hiện sung huyết, xuất huyết đa phủ tạng (phổi, tim, gan, thận, lách, não, màng ruột).
Tuy nhiên, hội đồng đánh giá chưa nghĩ đến khả năng trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ vì tiền sử thai nghén bình thường, đẻ thường, khỏe mạnh, bú tốt, cân nặng 2,8-3,1kg. Cũng ít nghĩ đến nguyên nhân do văcxin, tuy nhiên không loại trừ nguyên nhân này bởi toàn quốc có khoảng 600.000 liều thuộc hai lô văcxin này đã được sử dụng mà không có báo cáo trường hợp phản ứng nào.
Xảy ra đồng thời phản ứng ở hai lô văcxin khác nhau cùng một thời điểm. Trong khi lô văcxin được kiểm định và có giấy phép xuất xưởng của Viện Kiểm định quốc gia văcxin và sinh phẩm y tế.
Ông Thành cho biết hội đồng không nghĩ đến nguyên nhân do lỗi tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa nhưng cũng không loại trừ. Hội đồng đã phát hiện một số lỗi trong việc bảo quản văcxin tại bệnh viện này như: để văcxin cùng một số sinh phẩm khác, không ghi chép sổ sách việc quản lý văcxin hằng ngày, không lưu vỏ các lọ văcxin sau tiêm theo quy định, không thực hiện tiêm văcxin tại phòng tiêm mà tiêm tại phòng bệnh, không lưu các lọ văcxin sau tiêm theo quy định.
“Hội đồng đề nghị gửi mẫu văcxin, mẫu nghiệm (máu, mô phổi, não, tim, gan, thận) đến phòng thí nghiệm quốc gia, quốc tế để xét nghiệm kiểm định chất lượng văcxin và các chất lạ có trong mẫu nghiệm. Sau đó mới có kết luận chính xác” - ông Thành nói.
Về thông tin đã có sự cố mất điện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa trong khoảng hai giờ sáng 20-7, ông Thành khẳng định việc này không ảnh hưởng gì đến chất lượng văcxin. Bởi với văcxin này ở nhiệt độ 2-80C có thể bảo quản tốt trong bốn năm, trong 20-250C có thể bảo quản tốt trong bốn tháng, trên 370C có thể bảo quản tốt trong bốn tuần, trên 450C có thể bảo quản trong vài ngày.
Trước đó sáng cùng ngày, đoàn Bộ Y tế đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Tại đây, ông Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đã đề nghị làm rõ ba vấn đề: chất lượng văcxin, quy trình tiêm chủng văcxin tại bệnh viện và các bệnh lâm sàng có thể có của ba trẻ sơ sinh.
Đoàn đã chia ra ba nhóm để làm rõ những vấn đề trên. Đoàn cũng làm việc với bác sĩ Lê Thị Kim Phượng, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hải Thuận (trong phiên trực ngày 20-7) cùng các bác sĩ và điều dưỡng có trách nhiệm tiêm chủng.
Đồng thời tìm hiểu toàn bộ số ca được tiêm văcxin tại Bệnh viện huyện Hướng Hóa. Hiện bác sĩ Phượng và nữ hộ sinh Thuận đã được Bệnh viện huyện Hướng Hóa cho tạm dừng công việc.
Văcxin không có chỉ thị nhiệt độ
Trả lời về việc văcxin ngừa viêm gan B do Công ty TNHH một thành viên Văcxin và sinh phẩm số 1 sản xuất không có chỉ thị nhiệt độ thì kiểm soát nhiệt độ bằng cách nào, ông Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc công ty, cho hay hiện phần lớn (trong số 11 loại) văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở VN không có chỉ thị nhiệt độ, nhiều văcxin nhập ngoại cũng vậy.
Tuy nhiên, ông Đạt cho biết tiến tới công ty sẽ sản xuất văcxin có chỉ thị nhiệt độ, vấn đề còn liên quan tới giá thành sản phẩm.
Văcxin không có chỉ thị nhiệt độ làm sao đánh giá được việc bảo quản văcxin có đảm bảo tiêu chuẩn, đặc biệt tại các bệnh viện, nhà hộ sinh vùng sâu vùng xa?
Theo một chuyên gia, đánh giá chất lượng khâu bảo quản văcxin hiện nay vẫn dựa trên các phiếu ghi chép. Chuyên gia này cho biết đầu năm 2013 đã có một bé sơ sinh tử vong sau tiêm văcxin ngừa viêm gan B, sau đó xác định lại thì bé tử vong do... sặc sữa, nhưng ba trường hợp mới tử vong tại Hướng Hóa là những ca tử vong gây lo ngại nhất liên quan đến loại văcxin này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận