23/08/2005 17:12 GMT+7

23 năm, xây 131 ngôi mộ người dưng

Bài, ảnh: KIM LÊ
Bài, ảnh: KIM LÊ

TTO - Ngoài 16 ngôi mộ còn người thân nhưng nghèo không có tiền chôn cất, ông Nguyễn Văn Sáng, tự Tám Hiệu đã xây thêm 115 ngôi mộ người dưng. Nghĩa cử của ông bao nhiêu năm nay đã được bà con trong thị xã Long Khánh, Đồng Nai biết đến.

gPxFFuep.jpgPhóng to

Những ngôi mộ này có người nhận ra nhưng không liên lạc để nhận lại - Ảnh: Kim Lê

TTO - Ngoài 16 ngôi mộ còn người thân nhưng nghèo không có tiền chôn cất, ông Nguyễn Văn Sáng, tự Tám Hiệu đã xây thêm 115 ngôi mộ người dưng. Nghĩa cử của ông bao nhiêu năm nay đã được bà con trong thị xã Long Khánh, Đồng Nai biết đến.

Nhiều người nghĩ ông sẵn giàu có (làm chủ cơ sở sản xuất nông cơ) nên làm việc thiện tích đức và có tiếng thơm. Nhưng mấy ai biết đến ông từng là một cậu bé mồ côi đi ở đợ…

Cậu bé nghèo được xã hội cưu mang

12 tuổi, theo cha mẹ từ vùng đất khó Quảng Trị vào Nam lập nghiệp. 3 năm sau, mấy anh chị em đã thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cậu bé Hiệu phải tự mình lao vào cuộc sống để tìm cái ăn, cái mặc. Xứ lạ quê người, cậu bé Hiệu chấp nhận làm công việc “không ai thèm làm”: làm “bù nhìn sống”.

Cả ngày mặc nắng gió cậu khoác cái áo tả tơi đứng ngoài ruộng từ sáng đến chiều tối để lũ chim không đến hại lúa của chủ. Sau, thấy cậu bé người gầy yếu mà siêng năng, ngoan ngoãn có người bày cho cậu đi học nghề trong xưởng cơ khí. Vừa học vừa làm, Hiệu đã tích lũy được ít vốn.

Nhận thấy lúc bấy giờ, nhu cầu đi lại của bà con rất cao nhưng ở chỗ ông không có nhiều xe chở khách, ông quyết tâm bỏ tiền mua một chiếc xe lam. Nhưng 7 năm làm thợ hàn chỉ để lại cho ông một ít vốn, không đủ mua xe. Với số vốn ít ỏi, ông quyết định bỏ ra 2.000 đồng về Sài Gòn mướn nhà ở trọ học lấy bằng lái xe, rồi mượn thêm 20.000 đồng mua xe lam (lúc ấy giá vàng là 1.000 đồng/lượng).

Ông đăng ký chạy tuyến đường An Lộc - Dầu Giây - Ông Đồn - Rừng Lá. 5 năm làm cái nghề bôn ba khắp nơi vất vả này, ông sống hết sức tiết kiệm. Trừ buổi tối về với vợ ăn cơm đàng hoàng với cá kho mặn, rau... còn lại, buổi trưa nào ông cũng chỉ có bát cơm trắng chan chút nước lèo, cho chút muối vào ăn cho mặn. Nhờ thế, chỉ 5 năm sau, ông đã trả hết nợ và còn mở một tiệm hàn, quay lại làm nghề đã học.

Tiệm của ông chuyên sản xuất các loại máy phục vụ chế biến nông sản địa phương như: cối xay cà phê, cối lảy bắp, cối xay mì lát, cối lảy hạt tiêu... Năm 1977, cơ sở của ông chế tạo được chiếc máy xay bắp theo đơn đặt hàng của chủ vườn ở Long Khánh, cơ sở của ông ăn nên làm ra từ đó.

“Sống cái nhà, thác cái mồ”

dxIDreX9.jpgPhóng to
Con đường do ông Tám bỏ tiền ra xây dựng - Ảnh: Kim Lê
Khi không còn phải nhọc nhằn với miếng cơm manh áo, ông nghĩ đến cha mẹ mình chết đã lâu mà không có nơi an nghỉ cho tươm tất. “Sống cái nhà, thác cái mồ”, nghĩ vậy, ông bắt tay ngay vào xây mộ mới cho cha mẹ.

Ngôi mộ nằm trên vùng đồi cao, được bao quanh bởi những cánh rừng cao su bạt ngàn ở ấp Cấp Rang, xã Suối Tre, thị xã Long Khánh (Đồng Nai). “Một chiều ra thắp nhang cho cha mẹ, một mình trong khu mộ, tôi nhìn những ngôi mộ xung quanh cỏ mọc cao tận đầu mà thấy chạnh lòng”. Từ ý nghĩ cảm thương đó, ông Tám đã cho người thắp nhang và cho người đào lấy hết cốt sọ lên, đánh dấu vị trí, hướng…rồi cho chôn cất cẩn thận.

Ban đầu chỉ vài mộ, về sau phát hiện thêm nhiều mộ vô danh quanh đó, ông cho rào lại. Mướn người trong nom. Thời buổi đó, bạn bè thấy việc làm của ông giống như “ném tiền qua cửa sổ”, khuyên ông nên đầu tư đất đai để có số tiền lời lớn sau này. Ông nghe và cảm ơn rồi lẳng lặng làm theo ý mình.

Thấm thoát đã gần 30 năm ông làm công việc của một người chuyên lo “chuyện thiên hạ” này. Công việc làm ăn nhiều khi chẳng được suôn sẻ, phải chạy vạy đầu này đầu nọ. Nhưng hễ có tiền ông lại xây mộ. Đến nay đã có 131 ngôi mộ vô danh, mộ người nghèo. Điều ngạc nhiên là ông có thể nhớ rõ vị trí và đặc điểm của từng ngôi mộ.

Ông nói: "Tôi phải nhớ để sau này, nhỡ có người thân họ tới muốn tìm cũng dễ". Vậy có ai tới nhận chưa? "Có rồi. Có một cô quê Quảng Bình vào tìm. Hình như là đúng người thân của họ. Nhưng từ bữa giờ không thấy liên lạc lại" giọng ông hơi buồn.

Xung quanh khu vực này, những đứa trẻ chăn bò thường cho bò vào. Phân bò rải khắp nơi gây ô nhiễm. Ngày nào ra thăm mộ, ông Tám cũng phải tự mình hốt phân bò, dọn đá, rác…Nghĩ tội cho những ngôi mộ còn bị quấy nhiễu ông Tám trích ngay một số tiền xây lại toàn bộ khuôn viên nghĩa trang.

Xây hàng rào cao 1,5m, dài 500m, làm luôn con đường chạy từ quốc lộ vào đến nghĩa trang, dài 145m, ngang 4m bằng bêtông nhựa nóng. Ông còn cho người thường xuyên thắp nhang, chăm sóc, dọn cỏ hàng ngày. Nếu không bận thì công việc này ông tự làm.

Cứ ba năm một lần ông cho quét sơn lại các mộ. Ngày 20-6 vừa qua, như mọi năm, ông lại làm 28 bàn tiệc đem về nghĩa trang này để làm giỗ. Ông cho biết: “Tôi chẳng biết được ngày tháng mất của họ nên lấy ngày mất của ông bà tôi để làm giỗ cho họ luôn vậy. Mong họ ở suối vàng cũng ấm lòng”.

Trong nghĩa trang, ngoài ngôi mộ của cha mẹ, họ hàng của ông và hơn 100 ngôi mộ vô danh, còn có một ngôi một rất đẹp, cẩn gạch màu xanh, nằm gần cổng nhỏ ngăn khu vực mộ người thân, mộ vô danh. Tôi lấy làm lạ, hỏi chị Nguyễn Thị Tươi - người canh giữ mộ, cũng là người cháu của ông Tám được chị cho biết: “Đó là mộ của ông hồi trước canh mộ ở đây. Ổng già nên chết, ông Tám thương lắm. Chôn cất cẩn thận. Ông Tám coi ông ấy như người thân của gia đình vậy!”.

Đã có rất nhiều người biết đến việc làm của ông, làm cả thơ để tặng ông, có người viết thư để bày tỏ sự nể phục với ông... Nhưng ông vẫn buồn: “Mỗi lần có thư, tôi lại mong có ai đó hỏi thăm về mộ người thân họ. Người chết vẫn cần về với gia đình mà!”...

Bài, ảnh: KIM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên