29/12/2019 11:56 GMT+7

2019: Những câu chuyện của tình thương và nghị lực

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Trong ngày Chủ nhật cuối cùng của năm 2019, Cuộc sống quanh ta xin được chia sẻ cùng bạn đọc những câu chuyện truyền được nhiều cảm hứng này.

2019: Những câu chuyện của tình thương và nghị lực - Ảnh 1.

Học lái máy bay bằng chân, Jessica Cox đang truyền cảm hứng cho phụ nữ trong lĩnh vực hàng không trên toàn thế giới - Ảnh: CNN

Từ chuyện về chức vụ ủy viên độc đáo ở Xứ Wales, những con búp bê không giống ai khác ngoài chủ nhân của nó, chiếc hộp bí ẩn đặt ngẫu nhiên ở những nơi bất ngờ... đến cô gái lái máy bay bằng chân, cậu bé liệt tứ chi vẫn quyết tâm đến lớp là những câu chuyện có thể đã làm cuộc sống ấm áp hơn.

Lái máy bay bằng chân đi khắp thế giới

Câu chuyện đầy cảm hứng về nữ phi công lái máy bay bằng chân đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất trên thế giới, cô Jessica Cox, đã xuất hiện trong bài viết vào tháng 5-2019 của Đài CNN và truyền cảm hứng sống mạnh mẽ không chỉ với phụ nữ toàn cầu.

Với nữ phi công Jessica Cox, việc thực hiện mọi thao tác điều khiển máy bay bằng chân đã trở nên thành thục và tự nhiên như thể nếu không làm được bằng tay thì cô chuyển sang làm bằng chân... vậy thôi. Sinh ra đã không có tay, theo đài CNN, mãi tới hơn 30 năm sau, lý do vì sao Cox không thể phát triển đôi tay khi nằm trong bụng mẹ vẫn là một bí ẩn.

"Mẹ tôi mang thai bình thường nhưng rồi tới ngày sinh tôi, cả bố và mẹ đều đã rất sốc, nhất là mẹ tôi, bà thất kinh khi bác sĩ bế tôi lại và nói: Con bà không có cái tay nào cả" - Cox nhớ lại. Dù vậy, theo lời Cox, cô chưa bao giờ cảm thấy mình bị hạn chế gì khi lớn lên.

Từng một thời Cox rất sợ đi máy bay. "Lúc nhỏ, mỗi khi lên máy bay, tôi thường cầu Chúa bảo vệ mình" - cô kể. Nhưng rồi một chuyến bay trên chiếc máy bay nhỏ đã thay đổi mọi thứ. "Bác phi công đưa tôi lên ngồi ở buồng lái phía trước máy bay. Cái máy bay có bộ điều khiển kép... Ngay cả khi một điều gì đó làm bạn sợ hãi, việc chúng ta đối mặt với nó là điều quan trọng" - Cox chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Arizona năm 2005, Cox bắt đầu tham gia huấn luyện để trở thành phi công. Rất nhiều khó khăn khi ấy. Cô không chỉ cần một giáo viên dạy bay tận tụy mà quan trọng hơn, cô cần tìm được chiếc máy bay phù hợp với đặc điểm cơ thể. Sau rất nhiều gian nan, năm 2008 Cox được Cơ quan Hàng không dân dụng liên bang cấp phép cho lái một chiếc Ercoupe, loại máy bay thể thao hạng nhẹ.

Và giờ Cox không chỉ là phi công nữa, cô còn là một thợ lặn có bình khí được cấp chứng nhận, một võ sĩ taekwondo đai đen 3 đẳng và cũng đã tới thăm hơn 20 quốc gia trong tư cách diễn giả truyền cảm hứng.

Cox nói rằng cô biết ơn gia đình đã cho cô sự mạnh mẽ và dũng cảm đó. “Gia đình đã động viên để tôi bước ra ngoài và thử nghiệm, để hiểu rõ về mọi thứ và muốn được tự do” - cô nói.

2019: Những câu chuyện của tình thương và nghị lực - Ảnh 3.

Chiếc hộp “mỏ neo” màu xanh của chị Ali Borowsky - Ảnh: MASHABLE

Chiếc hộp "mỏ neo"

Tôi muốn tạo ra một cái gì đó chứng tỏ thực chất là những người lạ cũng quan tâm đến những người tuyệt vọng.

Chị Borowsky

Đó là những chiếc hộp màu xanh với hình mũi tên trắng mà người ta có thể bất chợt bắt gặp đâu đó ở Mỹ, mà thoạt trông giống một kiện hàng thiết kế theo chủ đề hàng hải. Nhưng khi mở nắp hộp, họ sẽ thấy một thông điệp bên trong: "Cái này dành cho bạn. Đây là món quà tôi tặng bạn. Nếu bất cứ những lời nào trong này mô tả đúng cảm giác của bạn, thì chiếc hộp này là của bạn. Mất mát. Tuyệt vọng. Muốn tự tử?".

Chị Ali Borowsky, nhà sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên Find Your Anchor ở Mỹ đồng thời là nhà thiết kế đồ họa tại nam California và Chicago, là người có sáng kiến nghĩ ra chiếc hộp này. Chị đã đặt vào trong đó, cùng với nhiều món đồ khác, một danh sách các phương thức phòng chống tự tử, những poster truyền tải thông điệp hi vọng, một bộ bài có tên "52 + lý do để sống" và một bức thư.

Chiếc hộp có thể được đặt ở bất cứ đâu nhằm giúp những ai đang trong tâm trạng tuyệt vọng nhất, đến mức không còn thiết sống nữa. Theo chia sẻ của chị Ali Borowsky, những thứ được đặt trong chiếc hộp chính là những gì mà chính bản thân chị từng mong muốn có được khi rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, đối mặt với trầm cảm và muốn chết trước đây. Chị hi vọng một ai đó nếu đang nghĩ tới chuyện tự tử sẽ gặp hoặc nhận được chiếc hộp của mình và cảm thấy được động viên để tiếp tục sống.

Những chiếc hộp màu xanh được đặt ở những nơi công cộng sao cho những người thực sự cần nó có thể tìm thấy. Đó là một cửa hàng kem, ở biên giới Mỹ - Mexico, ở tầng 6 khách sạn Caesars Palace tại Las Vegas... Chúng cũng có thể là món quà mà một người thân hay thậm chí một người lạ dành tặng ai đó mà họ nghĩ đang cần tới nó.

Kể từ khi thành lập Find Your Anchor bảy năm trước, tới nay chị Borowsky đã tạo ra 1.450 chiếc hộp như vậy với giá 25 USD mỗi chiếc, kinh phí từ tiền túi của chị và các nguồn tài trợ.

2019: Những câu chuyện của tình thương và nghị lực - Ảnh 5.

Bà Sophie Howe và 2 học sinh Trường tiểu học Millbrook, Newport - Ảnh: GUARDIAN

"Bộ trưởng" của người... chưa ra đời

Tháng 3-2019, Xứ Wales có một chức vụ đầu tiên và cũng là duy nhất: ủy viên của những người chưa ra đời, tương đương vị trí một bộ trưởng trong nội các chính phủ. Chức vụ kỳ lạ này dành cho bà Sophie Howe, người sẽ chịu trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền lợi cho những thế hệ còn chưa ra đời trong các cuộc thảo luận, bàn bạc về chính sách của cơ quan lập pháp.

Bởi thế mà tờ Guardian (Anh) hóm hỉnh viết về công việc của bà: "Những người được bà đại diện cho đều đang ở rất xa và không có tương tác gì, họ cũng chẳng bao giờ xuất hiện để bày tỏ quan điểm hay nhận xét xem bà có đang làm tốt công việc không. Họ thậm chí cũng chẳng bỏ phiếu luôn. Là bởi họ vẫn chưa ra đời". Bà Howe là ủy viên đầu tiên và cũng là duy nhất tới nay, một chức vụ được pháp luật thừa nhận ở Xứ Wales, đại diện cho những công dân chưa ra đời ở đây.

Sở dĩ Xứ Wales tạo ra chức vụ này năm 2016 vì họ cho rằng việc cần phải quan tâm tới quyền lợi của những thế hệ chưa ra đời là điều rất quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách. Thực tế cho thấy không hề ít những vấn đề liên quan tới các công dân này cần được bảo vệ. Hiện có quá nhiều cuộc khủng hoảng: biến đổi khí hậu, côn trùng, nước, tăng trưởng dân số. Những vấn đề này không chỉ đe dọa con người hiện tại, mà còn cả với con cháu họ trong tương lai.

Cũng có những nước đã đề cập tới các cơ chế quản lý mới cho phép lắng nghe tiếng nói của các thế hệ tương lai như Israel, Hungary và Canada, song vẫn chưa có nước nào "đi xa" được như Xứ Wales khi ghi rõ trong luật điều khoản các thế hệ tương lai xứng đáng được lắng nghe công bằng trong các cuộc thảo luận chính trị. Và bà Howe, 41 tuổi và là mẹ của 5 con, được trao sứ mệnh là người đại diện cho các thế hệ đó.

Trách nhiệm của bà Sophie Howe được quy định rất rõ: đảm bảo sao cho những quyết định chính trị được đưa ra hôm nay không làm tổn thương tới những lợi ích của các công dân Xứ Wales mai sau.

2019: Những câu chuyện của tình thương và nghị lực - Ảnh 7.

Chị Jandrisevits khâu búp bê tại nhà - Ảnh: PEOPLE

Những con búp bê khiếm khuyết

Với con búp bê này, một đứa trẻ sẽ thấy "mình không phải người duy nhất trông như thế này... và mình đủ xinh xắn để làm một con búp bê".

Chị Amy Jandrisevits

Chị Amy Jandrisevits là người luôn muốn làm cho những đứa trẻ cười, và hẳn vì thế mà chị đã đeo đuổi nghề làm búp bê khá lâu rồi. Một ngày của năm 2015, một bà mẹ có con bị cắt một chân tới nhờ chị làm một con búp bê giống con gái bà.

Sau khi làm xong, chị Jandrisevits chia sẻ hình ảnh của con búp bê đặc biệt này lên Facebook. Thế là trong nhiều tháng sau, bà mẹ ba con này nhận được hàng loạt đơn hàng đề nghị làm búp bê giống con họ. Hầu hết chúng đều đến từ các gia đình có con bị bạch tạng hoặc bị mất tay/chân.

"Những khác biệt khiến trẻ cảm thấy bị cô lập và đánh giá - chị Jandrisevits, 46 tuổi, chia sẻ với tạp chí People - Với con búp bê này, một đứa trẻ sẽ thấy mình không phải người duy nhất trông như thế này... và mình đủ xinh xắn để làm một con búp bê".

2019: Những câu chuyện của tình thương và nghị lực - Ảnh 9.

Keagan Cameron (2 tuổi) với các vết chàm màu nâu khắp người do mắc một chứng bệnh hiếm gặp cùng búp bê Chip với các vết lốm đốm tương tự đi chơi khắp nơi - Ảnh: PEOPLE

Tính tới tháng 8-2019, chị Jandrisevits đã thiết kế và khâu được gần 400 con búp bê đặc biệt trong phòng khách của gia đình chị ở Wisconsin. Thường xuyên có các nhà hảo tâm tài trợ tiền mua những con búp bê này (giá khoảng 100 USD/con) để tặng cho những em nhỏ khuyết tật hay bệnh nặng thông qua tổ chức phi lợi nhuận A doll like me của chị Jandrisevits.

Bất kể danh sách chờ đợi còn khoảng hai năm nữa, nhưng chị Jandrisevits vẫn nhất định tự tay làm búp bê cho các bé với sự hỗ trợ một chút của mẹ và một người bạn. Nếu một em nhỏ bị ốm nặng, chị Jandrisevits sẽ chủ động chuyển tên em bé đó lên đầu danh sách. Chị tự hào khi được tham gia vào một phần trong đời sống yêu thương của các gia đình.

Nghị lực phi thường của Thắm không tay Nghị lực phi thường của Thắm không tay

TTO - Thắm bé như chiếc kẹo, mặc dù đã là sinh viên năm thứ 3. Bẩm sinh không có tay, cô viết bằng chân trái, những con chữ của tròn trịa, đẹp đẽ.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên