Đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trong và ngoài nước:
Kỳ 1: Món nợ của “gia đình hiếu học” Kỳ 2: Cử nhân chăn vịt, thạc sĩ gia sư Kỳ 3: Vì đâu nên nỗi?
Phóng to |
Theo ban tổ chức Ngày hội phỏng vấn và tuyển dụng sinh viên 2013 do Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức ngày 16-11, chỉ buổi sáng đã có trên 7.000 lượt sinh viên trường này và các trường lân cận tham gia |
- Trước tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế quốc tế và trong nước, từ năm 2008 đến nay, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp sản xuất, giảm nhiều nhân công. Rồi một số ngành đào tạo không theo quy luật cung cầu và nhu cầu xã hội, chất lượng đào tạo một số trường chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, đồng thời nhiều sinh viên tốt nghiệp tuy có kiến thức chuyên môn nhưng yếu về kỹ năng, ngoại ngữ, trình độ tin học nên khó kiếm việc làm.
Tất cả yếu tố này làm cho tình trạng thất nghiệp của lao động đã qua đào tạo nói chung, lao động có trình độ CĐ, ĐH nói riêng gia tăng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy nếu như năm 2008 cả nước chỉ có 84.200 người trong độ tuổi lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên thất nghiệp thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên gấp hơn hai lần, với 208.900 người thất nghiệp.
* Bộ GD-ĐT từng đề nghị các địa phương thống kê số lượng nhân lực có trình độ từ trung cấp đến ĐH tuyển mới năm năm trở lại đây và dự kiến tuyển dụng trong năm tiếp theo...
- Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh từ tháng 3-2013 về báo cáo thống kê tình hình tuyển dụng và nhu cầu tuyển dụng nhân lực từ 2008-2012, dự báo số liệu này giai đoạn 2013-2018. Đến nay, đã có 28 UBND tỉnh, thành, 52 sở GD-ĐT, 169 trường ĐH, 201 trường CĐ gửi báo cáo. Riêng hơn 200 trường CĐ nghề thuộc quản lý của Bộ Lao động - thương binh và xã hội không thuộc diện báo cáo này. Các số liệu này được tổng hợp, phân tích để kiến nghị với bộ có giải pháp trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực các năm tiếp theo. Dù kết quả chưa thật sự đầy đủ, nhưng từ các báo cáo gửi về cho thấy rõ tình trạng SV tốt nghiệp chưa có việc làm là một vấn đề xã hội, cần các giải pháp tổng thể để giải quyết, tránh lãng phí kéo dài nguồn nhân lực.
* Được biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng đề án giải quyết việc làm cho SV tốt nghiệp. Giải pháp nào dự kiến là khâu đột phá, thưa ông?
- Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao xây dựng đề án tổng thể giải quyết việc làm cho SV tốt nghiệp trong và ngoài nước chưa có việc làm trình Thủ tướng phê duyệt trong năm nay để triển khai đến năm 2020.
Hiện tại, đề án về cơ bản đã hoàn thành dự thảo và đang gửi xin ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan. Đối tượng sẽ nhận được hỗ trợ từ đề án chính là SV tốt nghiệp chưa có việc làm và SV sắp ra trường. Một giải pháp quan trọng được đặt ra là phải nhanh chóng hoàn thiện chính là xây dựng hệ thống thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia để kết nối giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động từ trung ương đến địa phương...
Đó cũng là “kênh” để SV tìm kiếm thông tin về việc làm. Theo lộ trình, đến năm 2014 hệ thống phải hoàn thành và năm 2015 sẽ chính thức đi vào hoạt động.
“Xu hướng thích vào ĐH, thích học ngành “hot” của không ít học sinh đã khiến thị trường lao động không chỉ thiếu hụt lao động phổ thông mà còn khan hiếm cả đội ngũ lao động kỹ thuật. Theo thống kê, năm trước trong số gần 490 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ hiện có, thì có đến 360 cơ sở có đào tạo ngành quản trị kinh doanh, 298 cơ sở mở ngành kế toán, 297 cơ sở mở ngành công nghệ thông tin và 193 cơ sở đào tạo ngành tài chính - ngân hàng...”. |
* Ông Nguyễn Văn Khoa (tổng giám đốc Công ty viễn thông FPT): Doanh nghiệp vẫn cần sinh viên tiềm năng Tôi cho rằng kể cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay thì nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp vẫn khá lớn. Doanh nghiệp vẫn cần những sinh viên tiềm năng trong tương lai. Đó là những người quản lý giỏi, chuyên gia tốt và người thợ lành nghề. Thực tế, tại FPT nhu cầu tuyển dụng của chúng tôi rất cao. Đặc biệt là các lĩnh vực phần mềm, CNTT và viễn thông. Vì vậy ở cương vị lãnh đạo doanh nghiệp, tôi mong muốn các trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề cần có những sự thay đổi tích cực hơn nữa về chương trình đào tạo phù hợp đầu ra. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cần suy nghĩ, cân nhắc kỹ khi chọn nghề. Khi đã chọn một nghề để theo học thì các bạn cần đam mê, hết mình. Tôi cho rằng lúc này rất cần đến các đơn vị giới thiệu, xúc tiến việc làm cho sinh viên. Nên chăng các trường học cần phát triển mạnh mẽ các tổ chức (phi lợi nhuận, đặt quyền lợi của sinh viên lên hàng đầu) là trung gian, cầu nối cho sinh viên của mình đến với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. * Ông Lâm Quang Vinh (tổng giám đốc Công ty cổ phần Tìm Việc Nhanh): Sinh viên phải chủ động hơn Nhiều bạn trẻ hiện vẫn loay hoay tìm việc làm. Các bạn ngồi trên ghế nhà trường, nghĩ là ra trường sẽ có việc làm nhưng thực tế không phải vậy. Ra trường, đi làm còn có nhiều yếu tố khác nữa. Chẳng hạn một công ty tuyển nhân viên kế toán, nhiều bạn nộp hồ sơ và bị loại. Nguyên nhân là do các bạn cứ nghĩ ra trường, nơi nào tuyển kế toán thì nộp hồ sơ, không được nhận thì tiếp tục ngồi chờ nộp công ty khác. Nhưng cũng có bạn chủ động hơn, xin thực tập không lương về báo cáo thuế, quản lý chứng từ, sổ sách nên nghiệp vụ chuyên môn hơn những bạn còn lại. Đó là yếu tố cạnh tranh với những bạn khác, thay vì ngồi chờ làm đơn để nộp công ty khác. Các bạn phải chủ động trong công việc, thu thập kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức. Một vấn đề nữa là tôi thấy nhiều bạn viết đơn xin việc còn sơ sài quá, gửi cho hàng loạt nhà tuyển dụng một lúc. Các bạn không có sự đầu tư cho một nhà tuyển dụng nào hết, không có sự khát khao trong công việc và cũng không chứng tỏ năng lực của mình. Các bạn cần biết nhà tuyển dụng đang cần gì, mình đang thiếu gì, cần bổ sung gì và nghiên cứu trước khi nộp hồ sơ thì cơ hội của các bạn sẽ cao hơn. Hiện trang mạng timviecnhanh.com có 11.764 đầu việc. Đó mới chỉ là một trang web trong nhiều trang web tuyển hàng chục ngàn công việc. Đầu việc làm nhiều nhưng không tìm được việc, bạn nên xem lại mình đã đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chưa. Bên cạnh đó, ngoài kiến thức chuyên ngành nhà trường cũng nên trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, đàm phán, thương lượng... Có thực tế là nhiều bạn đi học những lớp kỹ năng nhưng không áp dụng được. Kỹ năng phải rèn luyện hằng ngày, phải được trau dồi qua thực tế, từ kinh nghiệm rút ra bài học cho mình chứ không phải cứ học là có kỹ năng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận