Nhiệt độ toàn cầu tăng đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường. Trong ảnh: một hồ chứa đang khô cạn ở Cupertino, California, Mỹ hồi tháng 3-2014 - Ảnh: AP |
Theo các số liệu mới nhất, nhiệt độ trên bề mặt Trái đất trong 10 tháng đầu năm nay đã cao hơn 0,86 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1961-1990, và nếu như số liệu của hai tháng còn lại không thay đổi thì năm 2014 chắc chắn sẽ là năm nóng nhất kể từ khi con người đo đạc nhiệt độ địa cầu.
Theo WMO, lý do khiến năm 2014 trở nên "nóng bỏng" là nhiệt độ nước biển toàn cầu trong năm gia tăng kỷ lục, trong khi lượng khí nhà kính thải ra cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong báo cáo công bố tại Hội nghị lần thứ 20 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Lima (thủ đô Peru) với sự tham gia của đại biểu hơn 190 nước, WMO nói nhiệt độ nước biển cao đã góp phần gây mưa và lũ lớn chưa từng thấy ở nhiều quốc gia, đồng thời gây hạn hán khắc nghiệt ở những quốc gia khác.
Thống kê cho thấy trong những tháng đầu năm 2014, 12 cơn bão lớn Đại Tây Dương đã tấn công Vương quốc Anh, trong khi nhiều khu vực Balkan bị lũ lụt tàn phá suốt tháng 5.
Trong khi đó hạn hán đã tàn phá một vùng rộng lớn của lục địa Mỹ, trong khi đông bắc Trung Quốc và các khu vực ở lưu vực sông Hoàng Hà chỉ nhận được lượng mưa chưa bằng một nửa mức trung bình mùa hè hàng năm dẫn đến hạn hán nghiêm trọng.
Bà Christiana Figueres - thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), nói biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp tới hàng tỉ người trên thế giới khi những nguy cơ từ các sự kiện thời tiết cực đoan gia tăng.
Tuy nhiên bà nói cộng đồng quốc tế có thể đảo ngược tình thế khi các nước đạt được thỏa thuận về cắt giảm khí thải, đưa thế giới tiến lên theo hướng bền vững hơn, an toàn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận