Lãi 3.500-4.000 tỉ đồng, EVN vẫn tăng giá điện Lãi 6.000 tỉ, EVN vẫn đòi tăng giá Đầu tư sai, EVN bắt dân gánh?
Phóng to |
Giá điện tăng luôn là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Ông Thái Tuấn Chí - tổng giám đốc Công ty dệt Thái Tuấn - cho biết: “Nếu giá điện tăng, doanh nghiệp buộc phải thích ứng. Mấy ngày qua công ty tôi rà soát toàn bộ những khu vực, những thiết bị tiêu hao điện năng, cái gì có thể cắt giảm thì cắt giảm tối đa, kể cả một chiếc bóng đèn, để giảm chi phí điện” - Ảnh: ĐÌNH DÂN |
Theo quyết định của Thủ tướng, muốn điều chỉnh tăng giá bán điện, một trong những điều kiện là Bộ Công thương và Bộ Tài chính phải xác nhận giá thành điện của EVN và công khai giá thành này.
EVN lãi đủ để xử lý 18.200 tỉ đồng lỗ các năm trước
Theo Bộ Công thương, năm 2012 tổng doanh thu của EVN đạt mức kỷ lục mới: trên 143.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, tổng chi phí của EVN cũng rất lớn: 139.400 tỉ đồng. Giá thành điện 2012 là 1.322 đồng/kWh (giá thành điện năm 2011 là 1.282 đồng/kWh). |
Theo báo cáo của Bộ Công thương, giá thành điện năm 2012 là 1.322,55 đồng/kWh, lợi nhuận năm 2012 của EVN đạt 4.404 tỉ đồng. Tuy nhiên, số liệu Bộ Công thương lại cho biết tổng số lỗ lũy kế vẫn bị “treo”, chưa tính vào giá thành đến 31-12-2012 của EVN chỉ còn 19.800 tỉ đồng (trong khi khoản lỗ còn treo này năm 2011 vẫn còn khoảng 38.000 tỉ đồng).
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ vậy khoản lãi thực chất năm 2012 là bao nhiêu để giúp EVN “xử” được khoản lỗ 18.200 tỉ đồng tồn đọng, ông Đinh Quang Tri - phó tổng giám đốc EVN - công nhận năm 2011, EVN công bố còn khoản lỗ chưa tính vào giá thành lên tới 38.000 tỉ đồng. Trong đó, gần 12.000 tỉ là lỗ sản xuất kinh doanh điện (do đổ dầu phát điện...), lỗ do chênh lệch tỉ giá là 26.000 tỉ đồng. Ông Tri không trả lời trực tiếp lãi ròng khi chưa “xử lý” khoản lỗ tồn trước đây là bao nhiêu, mà chỉ cho biết “rất may cho EVN, năm 2012 sản lượng thủy điện tăng vọt. Thủy điện Sơn La cũng vào vận hành, tăng được sản lượng thủy điện, vì thế EVN có lãi”.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia về giá, như vậy nếu tính ra năm 2012 EVN có thể đã lãi khoảng 22.000 tỉ đồng. Vì vậy, họ có thể “xử lý”, đưa 18.200 tỉ đồng lỗ các năm trước vào giá thành, mà vẫn có khoản lãi công bố là 4.404 tỉ đồng. Ông Long đặt câu hỏi liệu có phải lãnh đạo EVN ngại công bố lãi cao sẽ phản cảm chăng và cho rằng EVN lãi cần coi là việc đáng mừng, vì người dân cũng sốt cả ruột khi EVN liên tục kêu lỗ. “Nếu lãi, EVN nên công khai để dân mừng” - ông Long nói.
Phóng to |
Ông Đinh Quang Tri - phó tổng giám đốc EVN - tại buổi họp báo công bố giá thành điện - Ảnh: Thu Hương |
Chưa tăng giá điện ngay
Về các số liệu năm 2013, trả lời câu hỏi phóng viên, ông Đinh Quang Tri cho biết năm 2013 EVN đạt doanh thu khoảng 172.000 tỉ đồng (khoảng 8 tỉ USD), EVN có lãi vì thời tiết mát hơn, kế hoạch sẽ phải phát điện chạy dầu giá cao trên 2 tỉ kWh nhưng thực tế chỉ phải phát hơn 100 triệu kWh. Ông Tri khẳng định năm 2013 EVN sơ bộ lãi chỉ 120 tỉ đồng, đó là số lãi sau khi đã bù được một phần lỗ sản xuất kinh doanh, lỗ chênh lệch tỉ giá cũ vẫn đang bị “treo” chưa tính vào giá thành điện. Khoản lỗ “treo” còn lại, ông Tri công nhận sẽ phải xử lý xong vào năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tại hội thảo do Hiệp hội Điện lực tổ chức mới đây, ông Dương Quang Thành - phó tổng giám đốc EVN - cho rằng EVN vẫn đang rất thiếu vốn để đầu tư phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo điện cho tương lai, đồng thời đề nghị cần thực hiện lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường. Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ có phải theo quy định công bố giá thành xong sẽ là tăng giá, ông Đinh Quang Tri cho biết “hôm nay họp không phải để tăng giá, mà chỉ công bố giá thành”.
Ông Đặng Huy Cường - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương - cho biết việc công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện là nhiệm vụ Thủ tướng giao Bộ Công thương. Việc công bố này, ông Cường công nhận là cơ sở để quản lý, cơ sở để điều chỉnh giá điện trong các năm, giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá sẽ phải tuân thủ theo các quy định, nó không chỉ phụ thuộc giá thành năm 2012. Bộ Công thương hiện vẫn còn yêu cầu EVN khẩn trương tính toán kết quả kinh doanh năm 2013, kế hoạch năm 2014. Trên các yếu tố như vậy mới tính toán được.
Không tính chi phí bể bơi, sân tennis vào giá điện * Tài liệu EVN cung cấp cho kiểm toán, giá thành năm 2012 chỉ khoảng 1.308 đồng/kWh, số liệu công bố hôm nay có chênh lệch khá nhiều, tại sao vậy? - Ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc EVN: Kiểm toán chưa kết luận, EVN vẫn đang làm việc với kiểm toán. Thật ra chỉ là vấn đề phương pháp luận kế toán. Nếu cơ quan kiểm toán, thanh tra thuế phát hiện có điểm hạch toán chưa chuẩn, EVN phải hạch toán lại. Nếu phát hiện nhầm lẫn, sai sót thì được hạch toán vào kỳ sau. * Giá thành điện năm 2012 tăng chủ yếu do đâu, có yếu tố nào giúp giảm giá thành không? - Năm 2012, giá thành điện tăng chủ yếu do giá than tăng, như ngày 1-4-2012 giá than tăng 10%, tháng 8-2012 tăng 20-40%. Việc này ảnh hưởng lớn, làm giá thành các nhà máy nhiệt điện tăng, chi phí mua điện từ nhà máy này của EVN cũng tăng. Các yếu tố khác không tăng nhiều. Có yếu tố giúp giảm giá thành là sản lượng thủy điện năm 2012 nhiều, trong khi giá thành thủy điện của EVN chỉ khoảng 500 đồng/kWh... * Thanh tra Chính phủ nêu EVN đã tính cả chi phí xây biệt thự, hồ bơi... vào giá điện. Giá thành năm 2012 công bố hôm nay có gồm khoản đó? - Thực tế có Nhiệt điện Cần Thơ xây bể bơi cho chuyên gia, sân tennis. Khu này mới đưa vào vận hành tháng 5-2013, nên chắc chắn chưa hạch toán vào giá thành. EVN đã chỉ đạo Nhiệt điện Cần Thơ phải hạch toán vào quỹ phúc lợi, không tính vào giá thành. Hiện nhiều doanh nghiệp khác đang xây nhà công nhân và được hạch toán giá thành. Vấn đề là mức thế nào được hạch toán vào giá thành, mức cao quá sẽ không được. Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn và EVN sẽ thực hiện... * Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch cắt giảm nhân sự, chi phí cho nhân sự của EVN thế nào? Lương thưởng EVN năm nay ra sao? - Chủ tịch EVN đã ký văn bản gửi các đơn vị thành viên yêu cầu tới đây sẽ không được tuyển lao động mới, chỉ điều chuyển nội bộ, trường hợp đặc biệt phải trình hội đồng thành viên quyết định. EVN cũng đã lập ban chỉ đạo tăng năng suất lao động. Về lương thưởng năm 2013, quy chế yêu cầu lương thì phải có đơn giá, muốn trích thưởng phải có lãi, vượt kế hoạch lợi nhuận. Thời điểm này thì chưa thể công bố được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận