17/03/2012 14:14 GMT+7

2.000 học sinh Phú Yên dự tư vấn tuyển sinh

NHÓM PV GD
NHÓM PV GD

TTO - Chiều nay 17-3, 2.000 học sinh từ gần 20 trường THPT ở tỉnh Phú Yên đã tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2012 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Phú Yên (P.7, TP.Tuy Hòa).

Chương trình được hỗ trợ của Sở GD-ĐT Phú Yên, Tỉnh Đoàn và Trường ĐH Phú Yên.

9UxJMdCu.jpgPhóng to
Học sinh Phú Yên dự buổi tư vấn tuyển sinh tại sân trường ĐH Phú Yên chiều 17-3 - Ảnh: Tiến Thành
zCCWz7aN.jpgPhóng to
Trời nắng nóng, đường xa, nhiều học sinh phải đi ô tô đến nơi tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Tiến Thành
FJgsY7Ln.jpgPhóng to
Tình nguyện viên phát thông tin tư vấn tuyển sinh cho các bạn học sinh Phú Yên - Ảnh: Tiến Thành
fRtrh41s.jpgPhóng to
Nhà báo Bùi Thanh, đại diện báo Tuôi Trẻ, phát biểu khai mạc buổi tư vấn tuyển sinh tại Phú Yên - Ảnh: Tiến Thành
R2Ozvk1A.jpgPhóng to
Học sinh trường THPT Nguyễn Huệ tìm hiểu thông tin tuyển sinh - Ảnh: Tiến Thành

Cái nắng gay gắt của TP.Tuy Hòa (Phú Yên) trưa nay đã không ngăn được bước chân của những cô cậu học trò đến dự chương trình tư vấn từ rất sớm. Học trò Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh là những bạn có mặt tại chương trình sớm nhất. Ngay sau đó, học trò các trường THPT như Trần Quốc Tuấn, Trần Phú, Trần Suyên, Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong...cũng phủ kín sân Trường ĐH Phú Yên.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Huy Vị - phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên - nói đây là năm thứ ba Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT đến với học trò Phú Yên và cũng là năm nay là năm thứ hai Trường ĐH Phú Yên đồng hành với chương trình.

"Có thể nói đây là chương trình mang tính xã hội cao của Tuổi Trẻ được đông đảo học sinh chờ đợi. Chương trình diễn ra đúng thời điểm học sinh cả nước đang làm hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm nay càng tăng thêm ý nghĩa giữa thời khắc quyết định ngành, nghề của các bạn”. Ngoài ra, ông Vị cũng nhấn mạnh: “Chương trình sẽ giúp học sinh hiểu rõ, hiểu đúng về giá trị của các trường ĐH vùng, các trường địa phương để mạnh dạn chọn cho mình một lối đi cho tương lai”.

"Tôi xin đại diện Trường ĐH Phú Yên, đại diện hơn 30 trường THPT toàn tỉnh Phú Yên cũng như các học sinh tham gia thi tuyển sinh năm nay cám ơn chương trình đã mang thông tin về cho các em học sinh Phú Yên. Trường ĐH Phú Yên là đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa hệ. Trường có những ưu thế riêng để giúp các em học sinh, thanh niên nông thông có thể ăn cơm nhà học đại học. Chương trình là một trong những kênh thông tin cùng với chúng tôi thực hiện việc làm ý nghĩa ấy”, ông Vị nói.

Đến dự chương trình, TS Phạm Văn Cường, phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho rằng tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp là hoạt động rất bổ ích đối với thí sinh, giúp các em có nhiều thông tin để định hướng được nghề nghiệp xã hội đang cần để từ đó các em chọn được đúng ngành nghề.

“Thay mặt lãnh đạo sở chúng tôi xin hoan nghênh báo Tuổi Trẻ và các trường ĐH, CĐ đã tổ chức chương trình này tại Phú Yên. Tại tỉnh Phú Yên có đủ các trường ĐH, CĐ và TCCN để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Hằng năm tại tỉnh Phú Yên có khoảng 13 ngàn học sinh dự thi và có khoảng 80% các em trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ và TCCN” – ông Cường chia sẻ.

Mở đầu phần tư vấn, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012.

Về cơ bản kỳ thi tuyển sinh năm nay vẫn tổ chức theo hình thức ba chung: chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả để xét tuyển. Vẫn có ba đợt thi: đợt 1 diễn ra ngày 4 và 5-7 cho khối A, A1, V, đợt 2 ngày 9 và 10-7 cho khối B, C, D và các khối năng khiếu, đợt 3 ngày 25 và 16-7 thi CĐ cho tất cả khối.

Các môn lý, hóa, sinh và ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian 90 phút. Các môn còn lại thi tự luận, thời gian 180 phút. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT bổ sung thêm khối thi A1. Khối thi này sẽ thi vào đợt 1 cùng khối A, V. Các trường tùy điều kiện của mình có thể bổ sung khối A1 chứ không thay đổi các khối thi truyền thống trước đây.

Thí sinh không trúng tuyển NV1 nếu có điểm thi từ điểm sàn của Bộ GD-ĐT sẽ được các trường cấp hai giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển NV2, 3 vào các trường ĐH-CĐ còn chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT không qui định số đợt xét tuyển và thời gian của mỗi đợt xét tuyển. Các trường tự quyết định thời gian xét tuyển và số đợt xét tuyển của mình. Hạn chót xét tuyển các nguyện vọng là ngày 30-11. Thời gian xét tuyển, qui định xét tuyển của mỗi trường khác nhau nên thí sinh cần hết sức lưu ý để nộp hồ sơ xét tuyển cho phù hợp.

Năm nay các trường sẽ tự quyết định nhận giấy chứng nhận kết quả bản gốc hay bản photo để xét tuyển. Do đó, thí sinh cần theo dõi thông tin xét tuyển của các trường để nộp giấy chứng nhận phù hợp.

Ban tư vấn chương trình tư vấn tại Phú Yên:

1. TS Lê Thị Thanh Mai - ĐH Quốc gia TP.HCM2. PGS TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM4. TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)5. Th.S Nguyễn Văn Thành - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Xây dựng miền Trung6. Th.S Trần Minh Cảnh - trưởng khoa kỹ thuật - công nghệ Trường ĐH Phú Yên7. Th.S Trần Đắc Lạc - hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa8. ThS Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing9. ThS Lâm Tường Thoại - chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM)10. PGS TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.

11.Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng - phó trưởng ban đào tạo khoa điều dưỡng kỹ thuật y học ĐH Y dược TP.HCM.12.Th.S Trần Bùi Quốc Tuệ - phó giám đốc Phân viện Phú Yên - Học viện Ngân hàng13. TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)14. Th.S Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM15.. Ông Huỳnh Văn Sý - trưởng phòng giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Phú Yên16. ThS Trần Lăng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Phú Yên.

Điểm mới đáng chú ý nữa là mã ngành năm nay thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Thí sinh không được dùng tài liệu Những điều cần biết các năm trước để ghi mã ngành. Muốn thi vào trường nào, thí sinh phải vào trang web của các trường để xem thông tin mã ngành, mã trường cho chính xác. Các bạn cũng có thể tham khảo trên các báo để làm hồ sơ đăng ký dự thi cho chính xác.

QGU53aq4.jpgPhóng to

Học sinh Trường THPT Lương Văn Chánh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Phú Yên - Ảnh: Trần Huỳnh

Năm nay Bộ GD-ĐT không cho phép các trường áp dụng điều 33 mà sẽ xét tuyển thẳng thí sinh là người dân tộc thiểu số. Nếu đủ điều kiện của trường, thí sinh sẽ được vào học thẳng ngành mình đăng ký, nếu chưa đủ điều kiện các em phải học bồi dưỡng kiến thức trong một năm trước khi vào học chính thức.

Học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH-CĐ. Học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào ĐH, đoạt giải khuyến khích được tuyển thẳng vào CĐ.

Mời bạn đọc xem trang tiếp theo những tư vấn cụ thể tại chương trình:

* Làm thế nào để chọn trường vừa sức?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Ngày hôm nay chương trình có tặng các em Cẩm nang tuyển sinh điện tử 2012. Các em thử về làm trắc nghiệm xem mình phù hợp với ngành nào. Năm nay, Bộ GD-ĐT bổ sung khối thi A1 bên cạnh các khối thi khác, nên các em xem thử khối thi nào phù hợp với mình.

Quay trở lại với câu hỏi, nên chọn ngành nào mình yêu thích. Ngành mình chọn phải là ngành yêu thích. Thích là chủ quan nhưng bản thân có phù hợp ngành đó hay không thì các em phải làm trắc nghiệm và tham khảo ý kiến của thầy cô, cha mẹ để biết thông tin. Tổng số ngành trong cả nước là 290 ngành đào tạo tại khoảng 250 trường ĐH, nhiều ngành được đào tạo ở nhiều trường tăng thêm cơ hội chọn lựa cho các em.

Nếu mình thích học ngành nào đó ở trường A nhưng điểm cao, trong khi điểm chuẩn ngành đó tại trường B thấp, nhưng bản thân em không thích, vậy phải làm sao? Cô khuyên là các em nên chọn những trường phù hợp với tiêu chí như điều kiện kinh tế, đi lại... Nên chọn một trường có mức điểm chuẩn phù hợp với sức học ĐH. Nếu hoàn cảnh khó khăn, các em cũng có thể “ăn cơm nhà học trường ĐH gần nhà” là phù hợp nhất.

Qua thống kê, tỉnh có nhiều trường hợp “đáng thương” vì nhiều bạn thi vào nhóm ngành kinh tế tại TP.HCM tỉ lệ trúng tuyển không cao. Học trò Phú Yên trúng tuyển vào nhiều ngành như công nghệ thực phẩm, môi trường và giáo dục tiểu học. Năm nay, các em tiếp tục phát huy những thế mạnh chọn ngành học để cơ hội trúng tuyển cao hơn nữa.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cùng chia sẻ với thí sinh về việc chọn trường: Các em nên vào website các trường để xem lịch sử, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của các trường. Tuy nhiên, cũng có một số trường ĐH mới nhưng đội ngũ giảng viên trẻ, giỏi…

Bên cạnh đó, các em cần cần nhắc năng lực tài chính của gia đình mình để chọn trường phù hợp. Hiện nay, ở các trường ngoài công lập mức học phí rất cao, trong khi các trường công thì mức học phí dễ chấp nhận hơn. Trong đó, các trường có đào tạo ngành sư phạm sẽ miễn học phí. Các em cần lưu ý thực tế có những trường tỉ lệ chọi thấp như Bách khoa, Ngoại thương… nhưng điểm chuẩn cũng rất cao. Cần cân nhắc kỹ tránh trường hợp rớt oan vì chọn trường quá sức mình.

* Em có nguyện vọng thi vào Trường ĐH Tài chính – marketing, em có thể thi nhờ vào trường nào ở miền Trung?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Nếu em tốt nghiệp THPT ở Phú Yên, có nguyện vọng thi vào các trường ĐH tại TP.HCM em có thể nộp hồ sơ tại trường THPT, Sở GD-ĐT và tại trường. Em ở Phú Yên, em sẽ thi tại cụm thi Quy Nhơn (nếu có nguyện vọng). Khi làm hồ sơ, tại Mục 14 em ghi chữ Q vào, khi thi em sẽ thi tại cụm thi tại Trường ĐH Quy Nhơn.

* Năm 2012, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH Luật TP.HCM nhiều hơn năm trước, điều này có thuận lợi và bất lợi gì cho thí sinh? Làm sao để có tâm lý tốt khi dự thi ĐH?

- ThS Lê Văn Hiển,phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết năm 2012 chỉ tiêu của trường là 1.500, thật ra chỉ tiêu ngành luật của trường năm nay giảm hơn so với năm trước (năm trước 1.700 chỉ tiêu). Khi chỉ tiêu giảm cũng có một số khó khăn nhất định cho thí sinh.

Căn cứ vào mức điểm ba năm qua của trường (tham khảo trên website của trường hoặc báo Tuổi Trẻ), các bạn có thể tự đánh giá năng lực của mình. Việc thi tuyển sinh chúng ta cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, kiến thức chắc. Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Các bạn cần giữ gìn sức khỏe, tạo tâm lý thoải mái để thi tốt.

ZwwHxCA2.jpgPhóng to
Mặc trời nắng nóng, các tình nguyện viên trường ĐH Phú Yên vẫn tận tình hướng dẫn các bạn học sinh đến các khu vực tư vấn chuyên sâu - Ảnh: Tiến Thành
JjdstVZG.jpgPhóng to
Học sinh tham khảo thông tin tư vấn tại khu vực tư vấn nhóm ngành Sư phạm - xã hội nhân văn - luật - quân đội - công an
YmniTl66.jpgPhóng to
Một học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn nhóm ngành Sư phạm - xã hội nhân văn - luật - quân đội - công an tại thư viện trường ĐH Phú Yên - Ảnh: Tiến Thành
W1RagFCw.jpgPhóng to
PGS TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nói về tiềm năng ngành điện hạt nhân tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học - kỹ thuật - công nghệ - Ảnh: Tiến Thành

* Khả năng xin việc làm của ngành sư phạm văn như thế nào, hiện nay ngành này đang thừa nhân lực phải không?

- Ông Huỳnh Văn Sý - trưởng phòng giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Phú Yên: Hiện nay, số giáo viên ra trường nhìn chung đã đủ. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh rằng trong tương lai có nhiều yếu tố như số lượng trường lớp phát triển hơn, số thầy cô giáo tuổi hưu thì sẽ cần thêm giáo viên. Không thể nói gì trong tương lai, nhưng tôi khuyên em là nếu đã đam mê, yêu thích ngành sư phạm văn thì cố gắng lựa chọn và học cho thật giỏi. Sau khi ra trường, nếu không xin việc được trường này thì em sẽ xin ở trường khác.

- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu thật sự bạn đã yêu ngành sư phạm thì bạn có thể tìm hiểu và cũng không nhất thiết phải thi vào ĐH sư phạm mà có thể chọn hướng đi khác sau này vẫn có thể đi dạy. Chẳng hạn như học ngành văn học tại các trường khác như Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn theo các hướng đi của mình và có thể giảng dạy văn học. Trong phần tư vấn chuyên sâu tôi sẽ chia sẻ thêm với em.

* Em dự định thi vào ngành sư phạm kỹ thuật cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trường có ngành này không?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Trong số khoảng 4.000 chỉ tiêu của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có 500 chỉ tiêu dành cho các ngành sư phạm. Trường có ngành em vừa kể. Điểm khác biệt giữa hai ngành là chương trình đào tạo kỹ sư em học trong bốn năm và em học 4,5 năm khi chọn ngành sư phạm kỹ thuật cơ khí chế tạo máy. Học ngành về sư phạm em không phải đóng học phí và được cấp hai bằng: kỹ sư công nghệ chế tạo máy và bằng sư phạm bậc II. Em có thể đăng ký vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp và làm việc như những kỹ sư bình thường nếu không muốn đi dạy.

* Học lực khá có nên thi vào các trường khối y dược?

- ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng,chuyên viên tư vấn Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết thực tế đa số các em khi nói ngành y dược thì thường chỉ biết đến ngành bác sĩ đa khoa, dược sĩ ĐH, trong khi đó còn rất nhiều ngành học khác ở hệ cử nhân như điều dưỡng, xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh, phục hình răng, vật lý trị liệu, nữ hộ sinh… Các ngành thuộc hệ cử nhân bậc ĐH có thời gian đào tạo bốn năm. Đối với các em học lực khá, các em thi ba môn khối B đạt từ 17-20 điểm thì sẽ có khả năng trúng tuyển vào các ngành hệ cử nhân của Trường ĐH Y dược TP.HCM.

* Trong xã hội hiện nay, nhiều người nói học trung cấp, CĐ, ĐH thì cơ hội việc làm như nhau nhưng các công ty, doanh nghiệp đều đòi hỏi bằng đại học. Vậy em phải làm sao?

- ThS Lâm Tường Thoại: Hiện nay chúng ta đang “thừa thầy thiếu thợ”. Nghĩa là tập trung học đại học nhiều quá mà không học các ngành trung cấp. Hiện các doanh nghiệp đều có những cách thức và mục tiêu khác nhau để tuyển lao động. Nếu doanh nghiệp tuyển người để “cầm tay chỉ việc” sẽ khác và tuyển người cần tư duy lại khác. Do đó, nếu em muốn thật sự học trung cấp thì hãy mạnh dạn vì thầy nghĩ có thể xin được việc. Còn nếu em chưa tự tin khi học lực mình chưa tốt để thi đại học thì em nên chọn bậc học phù hợp, sau đó ra trường đi làm và học liên thông lên ĐH.

- TS Lê Thị Thanh Mai: Đúng là cơ hội việc làm được doanh nghiệp đánh giá trên kiến thức, kỹ năng. Xu thế tuyển dụng hiện nay có phân luồng: tuyển trung cấp nhiều như kế toán, điều dưỡng, du lịch... có thể ra làm việc ngay. Thứ hai, nếu học lực mình chưa tốt lắm thì cứ học trung cấp chuyên nghiệp, sau đó ra trường trở thành những công nhân giỏi. Hoặc nếu tốt nghiệp loại khá có thể liên thông lên CĐ, ĐH. Tóm lại, em nên chọn bậc học đúng với năng lực của mình thì con đường đi của em sẽ chắc chắn hơn.

* Em muốn hỏi, phần giảm tải của giáo viên và Bộ GD-ĐT có ra trong đề thi ĐH, CĐ hay không?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Đề thi ĐH nằm trong chương trình phổ thông, phần nào Bộ GD-ĐT cho phép giảm tải thì phần đó không ra trong đề thi.

* HS Trường THPT Phan Chu Trinh thắc mắc: trong phòng thi có nhiều thí sinh với mức độ thông minh khác nhau phải làm sao để giữ được bình tĩnh?

- TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cho rằng trong quá trình học tập, qua xếp loại học tập của mình thì các em cũng thấy được vị trí, năng lực học tập của mình. Đa số các em đủ tố chất để trở thành một người giỏi nghề, một chuyên gia giỏi. Vấn đề là các em phải tự tin và quyết tâm chọn đúng ngành và trường phù hợp với năng lực của mình để thành công trong kỳ thi cũng như trong tương lai.

Vào phòng thi làm sao để thi tốt? Các em cần chuẩn bị sức khỏe, tinh thần và kiến thức vững vàng thì mới thi tốt được. Tuy nhiên, khi vào phòng thi thường có áp lực lớn nên các em cần tự tin và dẹp bỏ qua những lo sợ này thì sẽ làm bài thi tốt hơn.

Thầy Quang cũng đã chia sẽ thêm với thí sinh, trong kỳ thi sắp tới các em phải thi hai hình thức: tự luận và trắc nghiệm. Đối với đề tự luận các em cần đọc tổng quan đề thi để làm những câu theo trình tự từ dễ tới khó. Cần lưu ý trong một câu hỏi lớn khó thì cần chuyển sớm sang câu khác sau đó thời gian còn lại để làm tiếp tục câu hỏi khó. Đối với trắc nghiệm các em phải tô và làm bài theo đúng quy định vì khi chấm trắc nghiệm là chấm bằng máy. Các em phải tuân thủ cách ghi (mã đề thi, số báo danh) nếu sai những thông tin này thì sẽ ảnh hưởng tới kết quả thi. Đối với trắc nghiệm các em phải đọc từ trên xuống dưới, không đọc tổng quan. Những câu nào chưa làm được cần đánh dấu để sau đó trở lại giải tiếp. Mỗi phương pháp thi, môn thi cụ thể cần có phương pháp làm bài khác nhau, các em cần chú ý để có cách làm bài tối ưu.

* Ngành quan hệ quốc tế học gì và sau này ra làm gì?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này đào tạo ra những người làm công tác đối ngoại, ngoại giao cho các tổ chức chính phủ, phi chính phủ....em được trang bị kiến thức về ngoại giao, luật quốc tế, tiếng Anh. Ra trường em sẽ phụ trách công việc ngoại giao cho các cơ quan. Có nhiều bạn tốt nghiệp ngành này nhiều bạn làm công tác quan hệ công chúng (PR) cho các công ty. Tôi sẽ nói rõ hơn với em ở phần tư vấn chuyên sâu.

Phần trả lời của TS Phạm Tấn Hạ đã khép lại chương trình tư vấn chung về những qui định, qui chế, những điểm cần lưu ý khi chọn nghề, chọn trường. Ngay tiếp sau phần tư vấn chung, ban tư vấn sẽ bắt đầu phần nội dung tư vấn chuyên sâu, giải đáp chi tiết thông tin về các ngành học. sau đây là nội dung phần tư vấn chuyên sâu:

* Ngành kỹ thuật hạt nhân đào tạo gì, làm ở đâu?

- TS Nguyễn Kim Quang: Hiện trên cả nước có 6 cơ sở đào tạo ngành này. Ngoài đào tạo trong nước, các sinh viên ngành này có cơ hội đi du học ở nước ngoài. Ngoài ra, để vận hành nhà máy điện hạt nhân cần rất nhiều nhân lực ở các lĩnh vực khác nhau: vật lý, điện, công nghệ thông tin…Đây là ngành mới, năm nay là năm đầu tiên Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) đào tạo ngành này. Các em có thể theo những hướng năng lượng, điện hạt nhân. Hướng thứ hai là kỹ thuật hạt nhân. Hướng này chú trọng vào ứng dụng hạt nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, y học, khai thác dầu khí.

Học kỹ thuật hạt nhân có thể làm tại các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy có ứng dụng về kỹ thuật hạt nhân, làm trong các bệnh viện…Về độc hại của ngành kỹ thuật hạt nhân, hiện các trường đào tạo những chuyên gia chuyên sâu về hạt nhân để đảm bảo cao nhất tính an toàn của hạt nhân. Để làm ở nhà máy hạt nhân, ngoài các kỹ sư chuyên sâu hạt nhân cũng cần những ngành khác như công nghệ thông tin và một số lĩnh vực chuyên môn khác. Bởi hiện nay chúng ta biết mỗi một ngành nghề, dù nhỏ cũng là sự kết hợp của nhiều ngành khác nhau.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Sắp tới, Nhà nước sẽ xây dựng nhà máy hạt nhân tại Ninh Thuận. Kỹ sư hạt nhân sẽ làm phần “lõi” ở hạt nhân, ngoài ra cần những kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, kỹ sư năng lượng và truyền tải điện, kỹ sư các ngành công nghệ thông tin và kỹ sư điểu khiển. Một nhà máy hạt nhân cần khoảng 2.000 người và không phải học hạt nhân mới làm được hạt nhân.

* Bộ GD-ĐT sẽ xem xét cho các trường tổ hợp các môn thi, trường hợp này như thế nào?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Năm nay, theo lộ trình chỉ bổ sung khối A1. Và nếu có tổ hợp các môn thi sẽ đến năm 2015 trở đi mới xem xét bắt đầu.

* Hiện nay, VN đã gia nhập WTO, em muốn học ngành kinh tế luật, xin các thầy tư vấn thêm cho em?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Đến nay VN đã gia nhập WTO trên 5 năm, cơ hội nghề nghiệp của các ngành kinh tế luật hiện nay rất nhiều. Các ngành này trang bị cho sinh viên kiến thức về ngoại thương, kiểm soát hàng hóa. Riêng ngành kinh doanh quốc tế còn có mảng đầu tư tài chính ra các nước khác. Hiện nay nhiều doanh nghiệp VN đã đầu tư ra nước ngoài. Hiện nay sinh viên theo đuổi ngành học này rất nhiều. Để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của ngành này đòi hỏi chuẩn ngoại ngữ khác cao. Vì vậy các em dự thi khối A1 sẽ thuận lợi hơn khối A. Muốn tốt nghiệp ngành này các em phải đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ.

* Em học trường THPT Nguyễn Trãi, em định thi khối M, sư phạm mầm non của Sư Phạm Phú Yên, vậy thi các môn năng khiếu là những môn gì, thi như thế nào, bốc thăm các phần năng khiếu hay phải thi hết tất cả các môn năng khiếu?

- Thầy Trần Lăng: Khối M có các môn thi: toán văn và năng khiếu mầm non. Trường ĐH Phú Yên ra đề và tổ chức thi môn năng khiếu, trong đó có kể chuyện (chọn kể một câu chuyện cho thiếu nhi), hát (chọn một bài hát thiếu nhi để trình diễn), đọc diễn cảm (đọc các bài đọc do ban giám khảo đưa ra thật đúng chính tả, cách ngắt câu, chấm câu).

* Em xin hỏi ngành xây dựng cần những tố chất gì và cơ hội việc làm trong những năm tới?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Hiện tại, ngành xây dựng được đào tạo ở rất nhiều trường như ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH xây dựng miền Trung... Nhu cầu về kỹ sư xây dựng hiện nay rất lớn vì đất nước mình là đại công trình xây dựng về nhà máy, cầu đường, dân dụng...

- Th.S Nguyễn Văn Thành: Sau khi học ngành xây dựng xong em sẽ làm thiết kế ngôi nhà, thi công ngôi nhà, giám sát xây dựng...Ngành này đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để làm đồ án nhiều, đi công trình nhiều...

- ThS Trần Bùi Quốc Tuệ: Cơ hội việc làm ngành ngân hàng tại Phú Yên rất lớn, trong khi hầu hết các em học ngành này từ các trường ĐH ở TP.HCM lại không chịu trở về quê làm việc. Bên cạnh đó, các tỉnh lân cận cũng có hàng chục ngân hàng thương mại. Vì vậy cơ hội việc làm của sinh viên học ngành này rất lớn. Ngoài ra còn có các chuyên ngành của ngành ngân hàng: kinh doanh bất động sản, thẩm định giá… cũng đang rất cần nhu cầu nhân lực.

- ThS Hứa Minh Tuấn: Tuy nhiên các bạn cần hình dung tốt nghiệp nhiều ngành khác có thể làm việc trong ngân hàng chứ không phải chỉ tốt nghiệp ngân hàng. Trong ngân hàng có nhiều phòng ban khác nhau, cần người tốt nghiệp ở các lĩnh vực phù hợp như marketing, nhân sự, công nghệ thông tin, phòng tài chính.... Ngân hàng sẽ tuyển từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực và bồi dưỡng thêm nghiệp vụ để các bạn có thể phát huy tốt năng lực của mình.

* Học công nghệ sinh học ra làm việc gì, ở đâu?

- TS Nguyễn Kim Quang: Ngành này là ngành trên nền tảng kiến thức khoa học về sinh học để tạo ra những sản phẩm liên quan đến sinh học. Đó có thể trong nông nghiệp (biến đổi gen, tế bào gốc), thực phẩm (lên men, chất lượng lên men làm cho thực phẩm tốt hơn...), thuốc, văcxin phòng ngừa bệnh... Trong một số bệnh viện làm liên quan đến tế bào gốc để từ một số tế bào bình thường thành tế bào gốc.

Các bạn có thể làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, y học (nghiên cứu tế bào gốc tái tạo da chẳng hạn), thụ tinh nhân tạo, nghiên cứu biến đổi gen của thực vật, động vật, ứng dụng trong chế biến thực phẩm. Hiện nay, nếu học công nghệ sinh học trình độ trung cấp thì ứng dụng những cái người ta đã tạo ra. Ngoài ra, ngành công nghệ sinh học cần nhân lực bậc cao để nghiên cứu các vấn đề khác trong cuộc sống.

* Em muốn thi vào các trường q

NdOhvopN.jpgPhóng to
Học sinh chăm chú theo dõi thông tin tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học - kỹ thuật - công nghệ - Ảnh: Tiến Thành
RRK8eh2v.jpgPhóng to
Ths. Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM tư vấn chuyên sâu nhóm ngành xã hội - luật - sư phạm - công an - quân đội - Ảnh: Tiến Thành
uân đội nhưng răng của em không tốt, vậy xin thầy cô cho em biết chỉ tiêu về răng như thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Bạn đảm bảo 90% về sức nhai thì đạt được yêu cầu xét tuyển ngành này.

* Chỉ tiêu của ngành bác sĩ y học cổ truyền của Trường ĐH Y dược TP.HCM năm nay là bao nhiêu? Tốt nghiệp ngành này có thể học lên bác sĩ đa khoa?

- ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng: Năm 2012, ĐH Y dược TP.HCM có 150 chỉ tiêu ngành BS y học cổ truyền. Khi tốt nghiệp ngành này các em làm đúng chuyên ngành này và có thể học tiếp tục lên bậc học cao hơn của chuyên ngành này nhưng không được học qua bác sĩ đa khoa.

* Em chưa rõ lắm về nguyện vọng 1B, thầy có thể giải đáp giúp em?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Giả sử như em đăng ký dự thi vào ngành A được 16 điểm và rớt nguyện vọng 1. Tại những trường có tuyển NV1B, các em được phép đăng ký vào những ngành khác của trường có điểm chuẩn thấp hơn phù hợp với nguyện vọng của em. Việc này không bắt buộc mà chỉ mở rộng cơ hội cho các em. Em vẫn có thể học ngành khác ở trường em yêu thích.

* Ngành thiết kế thời trang hiện nay cơ hội việc làm như thế nào?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngành thiết kế thời trang tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thi toán, lý, vẽ (màu nước, điểm nhân hệ số 2). Ngành này ở thành phố thì việc làm cao hơn, vì nếu về các vùng quê là may thời trang chứ không phải thiết kế thời trang. Nếu ở TP.HCM thì cơ hội việc làm của em rất cao.

* Ngành ngữ văn Pháp của Trường ĐH KHXH và NV, cho em hỏi cơ hội nghề nghiệp của ngành này vì em thấy tiếng Pháp không phổ biến hiện nay? Môn ngoại ngữ nhân hệ số 2 có phải không? Cho em biết mức học phí và cơ hội học bổng của trường. Khi vào trường thì được chia lớp như thế nào? Cơ hội học cao học ở nước ngoài như thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Cơ hội việc làm của SV ngành này không nhiều so với các ngôn ngữ khác. Đa số SV chọn ngành này để ra trường làm công việc, cơ quan sử dụng tiếng Pháp hoặc định hướng sẽ du học Pháp. Môn này nhân hệ số để kiểm tra khả năng ngoại ngữ của bạn. Mức học phí trường công hiện nay khoảng 3,6 triệu. Học bổng dành cho SV học lực khá trở lên, có hoàn cảnh khó khăn. Cơ hội học tập ở nước ngoài khá nhiều.

* Thực chất ngành công nghệ thực phẩm học những gì và làm ở đâu?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngành này đào tạo cho em tất cả kiến thức liên quan đến thức ăn (lúa, gạo, thịt, cá...), thức uống (trà, cà phê, sữa...) trong đời sống con người. Em có thể làm việc tại các nhà máy, công ty chế biến thực phẩm, nước uống. Ngoài ra, em cũng có thể làm việc trong lĩnh vực đông lạnh để tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu.

* Ngành kinh tế xây dựng học chuyên môn gì, tỉ lệ việc làm có cao? Ngành học này có khó khăn gì đối với một học sinh nữ?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Ngành này hiện có nhiều trường đào tạo: ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM… Các em sẽ được đào tạo các kiến thức về lập dự toán các công trình xây dựng. Học ngành này các em sẽ ra làm việc tại các dự án, công trình xây dựng. Hiện nay cơ hội việc làm ngành này rất cao. Ngành này không phân biệt nam nữ, các em yên tâm.

* Ngành quản trị kinh doanh đào tạo những kiến thức gì và cần đòi hỏi tố chất gì không?

- ThS Lâm Tường Thoại: Mục tiêu đào tạo ngành quản trị kinh doanh là đào tạo những người làm lãnh đạo. Cụ thể là đào tạo ra những người chuyên tổ chức điều hành quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh. Các em cần có tố chất có khả năng đặt vấn đề, có khả năng lãnh đạo… Tuy nhiên, không phải các em có tố chất này mới có thể học ngành quản trị kinh doanh vì trong quá trình học ngành này các em sẽ được trang bị các kỹ năng này.

* Ngành báo chí truyền thông của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nghe nói học báo chí rất khổ, nhất là nữ, em nghe nói 90% không theo được nghề sau khi ra trường, thường phải làm trái ngành, có đúng không ạ?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nhiều năm trường đào tạo ngành này, sinh viên báo chí hiện nay không chỉ ra trường đi làm báo mà còn có nhiều lựa chọn khác. Có người đi làm PR, quảng cáo, làm nhiều ngành nghề liên quan chứ không hẳn chỉ là đi viết báo. Ngành này đào tạo cho các bạn những kỹ năng, kiến thức, ngoại ngữ, khả năng tổ chức, viết lách… để có thể làm tất cả các công việc liên quan đến quan hệ công chúng, truyền thông… Nếu các bạn yêu thích ngành này thì sẽ không sợ khổ. Chúc các bạn đạt được ước mơ của mình.

* Nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thông tin như thế nào?

- TS Nguyễn Kim Quang: Ngành công nghệ thông tin hiện nay ứng dụng nhiều trong nhiều ngành. Tóm lại, nhu cầu công nghệ thông tin là rất rộng nên đào tạo chia thành nhiều ngành. Tại ngành như máy tính đào tạo về lập trình, hệ thống thông tin máy tính... Riêng bạn quan tâm về lập trình là ngành có nhu cầu nhân lực rất cao.

Chúng ta đang phát triển mạnh về công nghệ thông tin. Nhà nước xác định vai trò và nhu cầu phát triển ngành công nghệ thông tin là rất lớn. Trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều cần đến công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin giúp công việc hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực khác. Người ta yêu cầu nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao và ứng dụng chuyên sâu chứ không phải chỉ biết công nghệ thông tin. Nếu học tốt, cơ hội đóng góp và việc làm của chúng ta khá lớn. Bạn chưa biết phù hợp với chuyên ngành nào của ngành công nghệ thông tin thì các bạn cứ mạnh dạn thi vào. Khi học xong giai đoạn đại cương, các bạn sẽ được chọn các chuyên ngành như lập trình, phần cứng, phần mềm, kỹ thuật máy tính... để theo học.

* Hiện nay có 150 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi, các trường này xét tuyển ra sao?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Các trường không tổ chức thi chỉ xét tuyển. Nếu các em muốn dự thi vào các trường này sẽ đăng ký dự thi một trường nào đó có cùng khối thi để thi nhờ và lấy kết quả xét tuyển vào trường em có nguyện vọng 1. Các em cần lưu ý khi làm hồ sơ đăng ký dự thi cho chính xác. Em có thể tham khảo cách làm hồ sơ chi tiết trên báo Tuổi Trẻ.

* Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa đào tạo những gì?

- ThS Trần Đắc Lạc: Tiền thân của Trường CĐ Công nghiệp Tuy Hòa đào tạo chuyên về địa chất, trắc địa, hóa và một số ngành công nghệ thông tin, hóa dầu, công nghệ kỹ thuật điện tử, cơ khí... Các em có thể lựa chọn ngành phù hợp với mình. Hiện nay có nhiều ngành tại trường có thể vừa học, vừa làm và ra trường cơ hội việc làm tăng. Hiện tại ở trường có nhiều em học lực khá, giỏi cũng theo học. Nhiều sinh viên trường sau khi tốt nghiệp đã được liên thông lên ĐH.

* Ngành quản trị luật học gì, ra trường làm gì? Những năm trước điểm chuẩn của trường rất cao, trên 20 điểm, nhưng năm vừa rồi xuống chỉ còn 18,5 điểm, vậy năm nay có biến đổi nhiều về điểm chuẩn không?

- ThS Lê Văn Hiển: Ngành quản trị luật: bạn vừa được học về quản trị kinh doanh vừa học luật. Như vậy ra trường bạn có thể làm việc ở cả hai lĩnh vực: làm quản lý kinh doanh hoặc trở thành luật sư…

Điểm chuẩn tùy thuộc vào đề thi từng năm. Năm nay điểm chuẩn thế nào phụ thuộc vào đề thi năm nay và nhiều yếu tố khác. Có một quan điểm thường nói đó là điểm chuẩn tuân theo hình sin, năm trước cao, năm sau giảm đi và ngược lại. Mặt khác đề thi của từng năm cũng có mức khó dễ khác nhau.

* Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp trường công lập và tư thục như thế nào?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Cơ hội việc làm đối với một sinh viên sau khi ra trường đều như nhau đối với các loại hình trường dân lập, tư thục hay công lập. Điều quan trọng là chính năng lực của người sinh viên. Trong quá trình học, ngoài việc đầu tư học tập chuyên môn thật tốt, các em cần chú ý về việc học thêm các kỹ năng mềm, trang bị ngoại ngữ, tin học để có cơ hội việc làm cao hơn.

* Ngành khoa học môi trường và kỹ thuật môi trường khác nhau như thế nào?

- TS Nguyễn Kim Quang: Khoa học môi trường là ngành nghiên cứu về môi trường xung quang chúng ta để làm sao kiểm soát môi trường và đề xuất những chiến lược phát triển bền vững. Kỹ thuật môi trường là ngành “công nghệ xanh”, giữ cho môi trường trong sạch. Gắn với ngành này là xử lý những ô nhiễm do con người gây ra. Nếu học hóa môi trường, bạn sẽ học về xử lý những vấn đề về môi trường. Học kỹ thuật thiên về công nghệ, xử lý như nước, chất thải, trong một môi trường cụ thể. Tóm lại, khoa học môi trường là xử lý những vấn đề do con người gây ra. Các bạn có thể làm việc tại các nhà máy, cơ quan, sở ban ngành, khu công nghiệp, khu du lịch... Trong tương lai, các cấp phường, xã đều có cán bộ về môi trường.

* Hiện nay nhân lực của ngành tài chính đang bão hòa, trong khi em đang rất muốn học ngành này. Xin cho em lời khuyên.

- ThS Hứa Minh Tuấn: Bất cứ ngành nào cũng đến lúc bão hòa về nhu cầu nguồn nhân lực. Cơ hội việc làm sẽ đến với những người giỏi chuyên môn, giỏi kỹ năng, ngoại ngữ… Các em cần chú ý không phải học ngành nào ra trường thì buộc phải làm đúng ngành nghề đó.

BannerVincom.png

NHÓM PV GD
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên