05/12/2018 11:43 GMT+7

20 năm một lớp học làm người

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Chỉ với mục tiêu xóa mù chữ, trang bị cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn những kiến thức phổ thông tối thiểu để tự tin sống giữa cộng đồng, một lớp học như vậy đã tồn tại giữa lòng TP Tân An, tỉnh Long An 20 năm qua.

20 năm một lớp học làm người - Ảnh 1.

Cô Liêm và thầy Hoàng cùng đứng lớp, dạy cho các em những kiến thức cơ bản để sống với đời - Ảnh: S.LÂM

20 năm, lớp học này đã giúp không biết bao nhiêu mảnh đời biết chữ, biết số, biết được cảm giác vui thích khi đi học. Nhiều học sinh trưởng thành từ lớp học nay có cuộc sống ổn định đã thường xuyên quay lại gửi dăm cuốn vở, vài cây bút cho đàn em đang học.

Bắt đầu bằng yêu thương...

Lớp học năm nay có 15 học sinh, cả thầy Nguyễn Hoàng và cô Phạm Thị Liêm cùng đứng lớp dạy. "15 em nhưng học các chương trình khác nhau từ lớp 1 đến lớp 5, do đó chia nhóm ra và cả hai người cùng dạy. 

Cô Liêm tập trung cho các em theo chương trình lớp 1, lớp 2 biết đọc chữ, tính toán cơ bản. Còn tôi phụ trách các em nâng cao kiến thức theo các chương trình lớp 3, lớp 4, lớp 5" - thầy Hoàng cho biết.

Cô Liêm chính là người khai sinh lớp học này từ 20 năm trước. Lúc bấy giờ, đang công tác tại Hội Chữ thập đỏ, cô Liêm đã bắt gặp rất nhiều ánh mắt trẻ thông minh, lanh lẹ sinh nhai giữa phố nhưng không biết đánh vần một bảng hiệu trên đường. 

Cô đã bàn với thầy phụ trách phổ cập ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu (P.1, TP Tân An) cho mượn một lớp học vào ban đêm với mục đích ban đầu là "dạy cho vài em biết chữ". 

"Nhưng dạy học không phải là điều đơn giản. Tui phải năn nỉ luôn thầy ở Trường Võ Thị Sáu dạy cho các em, còn mình ngồi cùng để... học phương pháp sư phạm. Phải qua hai năm, mình mới đủ tự tin để dạy chương trình lớp 1" - cô Liêm nhớ lại.

Được sự giúp đỡ của các giáo viên trong trường, lớp học đêm tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu cứ thế sáng đèn từ năm này qua năm khác. Có năm chỉ 4, 5 học sinh, cô Liêm vẫn kiên trì miệt mài dạy cho các em ê a tập đọc, rèn cho các em biết cầm bút viết con chữ cho tròn trịa. 

Thấm thoát, người cán bộ Hội Chữ thập đỏ về hưu, nay đã 65 tuổi vẫn hằng đêm đến lớp.

Còn thầy Hoàng từng làm giáo viên qua nhiều trường, lớp ở vùng Đồng Tháp Mười. Vốn từng dạy qua rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn ở vùng xa, khi chuyển về Trường tiểu học Võ Thị Sáu giữa lòng TP từ 5 năm trước, thầy Hoàng "dính" luôn với lớp của cô Liêm. 

Được nhà trường khích lệ, thầy Hoàng đi tìm, "lôi kéo" thêm nhiều học sinh về với lớp và phân bổ lại chương trình bài bản, khoa học hơn. Những học sinh của lớp sau khi được thầy Hoàng và cô Liêm hoàn tất một chương trình, sẽ được giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu xuống cho bài kiểm tra, thi cử. Đủ điểm, các em mới được học lên chương trình lớp cao hơn.

"Đó là một trong những mục tiêu để khích lệ các em. Bởi mục tiêu quan trọng nhất mà chúng tôi đặt ra vẫn là các em phải thông thạo phần ngữ văn, đủ để có thể đọc sách, báo, tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó là những kiến thức toán cơ bản, những khả năng tính toán làm sao để các em có thể cơ bản ứng dụng được vào đời" - thầy Hoàng cho hay.

...Để thay đổi nhiều số phận

Kể về những học trò của mình, thầy Hoàng nhớ Lê Văn Khang. Cha mẹ Khang phận nghèo, đều không biết chữ nên Khang chẳng có khai sinh. Thậm chí Khang từng được ẵm ra khỏi bệnh viện sau khi sinh vì cha mẹ... không có tiền.

Hai năm sau, Khang có thêm hai đứa em trai lần lượt ra đời. Cha mẹ Khang cũng chắt chiu được chút đỉnh, đủ dựng cái nhà cấp 4 trên mảnh đất ven sông Bảo Định, TP Tân An mà mẹ Khang được cho làm của hồi môn từ đâu mấy mươi năm trước. Lên bờ nhưng ba thằng con trai cũng như mẹ, không có một mảnh giấy khai sinh.

"Thằng Khang đến tuổi đi học, tụi tui đưa nó đi xin học thì mới biết phải có khai sinh mới được nhận học. Lên phường xin làm giấy khai sinh, mấy anh ở phường nói tui phải chạy về tuốt đâu dưới Tiền Giang chỗ tui sinh ra xác định lại giấy tờ cho tui thì mới được. Mà hai vợ chồng một chữ cũng không biết, giờ nói tui sinh ra chỗ nào tui cũng thật tình là không biết..." - mẹ Khang kể. 

Khai sinh không có, Khang cũng lăn lóc luôn ở nhà phụ mẹ ẵm em. Cho đến mùa hè vừa qua, mẹ Khang nghe nói đến lớp học này và cứ thế mỗi chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu lại quày quả chở Khang đi 7 cây số để đứa con trai 8 tuổi của mình hơn cha mẹ của nó là biết đọc chữ.

Lớp học còn có hai anh em sinh đôi Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Dương. Cả hai đứa đều điển trai, lanh lẹ và được cha chở đến lớp sau một ngày lội bộ khắp ngõ TP Tân An để bán vé số. 

Ông Nguyễn Hùng, cha của Bình và Dương, sau một ngày mệt lả phụ hồ vẫn luôn nhắc và chở hai đứa con trai đi học. Con vào lớp, ông đứng ngoài chờ đến tận lúc hai con học xong rồi chở về. 

Bình và Dương đến lớp này khi được thầy Nguyễn Hoàng gặp hai đứa đi bán vé số, thầy bảo chúng về nói với cha cho đến lớp thầy mà học. Ban đầu cả hai đứa được thầy kiểm tra kiến thức. Đủ điều kiện, thầy Hoàng cho vào lớp học tiếp chương trình lớp 3. Đến nay, cả hai đã học được chương trình lớp 5.

Thầy cô như cha mẹ

Năm nay, lớp học được chuyển từ trường qua Trung tâm văn hóa liên phường. Thầy Hoàng cũng được "đặc cách" chỉ cần giảng dạy lớp này, không phải đứng tiết những lớp khác dù vẫn là giáo viên biên chế của Trường tiểu học Võ Thị Sáu.

Một buổi học chỉ kéo dài hai giờ, cả thầy Hoàng, cô Liêm đều đứng lớp, tận tụy rèn kỹ cho từng nhóm học trò của mình. Các em trong lớp luôn tin tưởng gọi cô Liêm, thầy Hoàng một cách thoải mái khi quên một vần chữ, khi không biết làm một bài toán, hay thắc mắc bất cứ vấn đề gì nảy sinh trong đầu, thậm chí... than đói bụng. Bao giờ nghe thấy, cả cô Liêm và thầy Hoàng đều đáp lại như người mẹ, người cha lo lắng cho con.

Nhớ mãi thầy Liêm và "món quà ngoài sức tưởng tượng" Nhớ mãi thầy Liêm và 'món quà ngoài sức tưởng tượng'

TTO - Tin thầy Dương Thanh Liêm - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - qua đời tối 1-12 đã để lại niềm tiếc thương trong lòng bao thế hệ học trò về người thầy tài năng, đức độ và 'một đời thanh liêm'.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên