28/08/2017 09:27 GMT+7

2 tỉnh tranh cãi vì 1 cây cầu

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Dự án cầu Mã Đà nối hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai có chủ trương xây dựng từ hơn 10 năm trước, nhưng Bình Phước thì muốn làm, còn Đồng Nai lại không khiến dự án dùng dằng mãi.

Do dự án làm cầu Mã Đà bị ngưng lại nên người dân địa phương phải di chuyển bằng những chiếc phà tự chế, kéo bằng dây thừng - Ảnh: Đ.TRONG
Do dự án làm cầu Mã Đà bị ngưng lại nên người dân địa phương phải di chuyển bằng những chiếc phà tự chế, kéo bằng dây thừng - Ảnh: Đ.TRONG

Cầu Mã Đà làm “tốn nhiều giấy mực” bởi có vị trí chiến lược khi được kỳ vọng sẽ giúp các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước rút ngắn khoảng cách tới quốc lộ 1, sân bay Long Thành và các cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đường xong, chờ cầu

Cầu Mã Đà dự kiến được bắc ngang con sông tiếp giáp giữa hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, nối vào khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia Cát Tiên.

Trong trường hợp cầu được xây dựng, xe cộ có thể đi tới các tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang, nối ĐT761 rồi tới thẳng quốc lộ 1, thay vì phải đi vòng qua tỉnh Bình Dương như hiện nay.

Việc xây dựng cầu Mã Đà nằm trong dự án làm đường từ trung tâm thị xã Đồng Xoài tới sông Mã Đà bằng ngân sách, có tổng mức đầu tư 173 tỉ đồng (trong đó riêng hạng mục cầu là 10 tỉ đồng).

Từ năm 2013, tỉnh Bình Phước bắt đầu triển khai dự án. Tới khi toàn bộ đường (khoảng 29,5km) được làm xong, Sở GTVT Bình Phước gửi công văn cho Sở GTVT Đồng Nai đề nghị phối hợp để triển khai làm cầu thì mới “té ngửa” khi được Đồng Nai trả lời không đồng ý làm cầu nối giữa hai tỉnh.

Kể từ đó tới nay, các cơ quan chức năng Bình Phước gửi nhiều văn bản, họp nhiều lần với Đồng Nai, thậm chí “cầu cứu” Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ nhưng vẫn không thuyết phục được để xây cầu.

Vị trí cầu Mã Đà kết nối Bình Phước và Đồng Nai - Đồ họa: N.KH.
Vị trí cầu Mã Đà kết nối Bình Phước và Đồng Nai - Đồ họa: N.KH.

Sợ ảnh hưởng tới khu bảo tồn

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ năm 2002, Tỉnh ủy Đồng Nai có văn bản thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, trong đó chấp thuận chủ trương về việc xây dựng cầu nối giữa Bình Phước - Đồng Nai.

Thế nhưng phải tới 11 năm sau (tháng 8-2013), UBND tỉnh Bình Phước mới phê duyệt dự án làm đường và cầu.

Tại thời điểm đó, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã được thành lập nên Đồng Nai đổi ý.

Đại diện Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết khu bảo tồn này có diện tích hơn 100ha, giáp Vườn quốc gia Cát Tiên và hồ Trị An, sông Đồng Nai nên phạm vi bảo tồn có ý nghĩa rất quan trọng.

Năm 2011, UNESCO đã công nhận khu vực này là khu dự trữ sinh quyển cần được bảo tồn.

Vì vậy, việc làm cầu Mã Đà nối thẳng vào tuyến đường đi xuyên qua khu bảo tồn sẽ có nguy cơ phá rừng và đe dọa nơi cư trú của các loài động vật quý hiếm.

Trong một văn bản gửi Sở GTVT và UBND huyện Vĩnh Cửu do ông Trần Văn Vĩnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ký, có nêu: việc làm cầu trong giai đoạn hiện nay là “chưa phù hợp” với quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (2013-2020).

Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở GTVT tỉnh này thông báo để Bình Phước “thông cảm”.

UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng ngay cả nếu có làm cầu Mã Đà thì mục tiêu kết nối để rút ngắn khoảng cách cũng không thực hiện được.

Lý do vì tỉnh Đồng Nai hiện đang có chủ trương đóng cửa tuyến đường ĐT761 đi xuyên qua khu bảo tồn, đồng thời di dân cư trú trong khu bảo tồn ra ngoài để hạn chế sự tác động của con người tới khu rừng bảo tồn.

Trong tương lai, Đồng Nai dự kiến làm một con đường khác men theo hồ Trị An để thay thế con đường đi xuyên qua khu bảo tồn sẽ bị đóng cửa.

Đề nghị kết nối vào đường Vành đai 4 TP.HCM

Theo Sở GTVT Bình Phước, vị trí đề xuất xây dựng cầu Mã Đà trước đây vốn dĩ đã có cầu cũ nhưng do chiến tranh nên cầu bị đánh sập.

Cầu mới được quy hoạch rộng 11m, dài hơn 90m, bằng bêtông cốt thép kiên cố.

Hiện Bình Phước đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn để làm cầu Mã Đà nhưng do không nhận được sự đồng thuận của Đồng Nai nên nguồn vốn này vẫn đang bị “treo”.

Để tháo gỡ, trong một cuộc họp gần đây nhất, đại diện Sở GTVT Đồng Nai cho rằng theo quy hoạch kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… sẽ được kết nối qua dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.

Vì vậy, Đồng Nai đề nghị Bình Phước nghiên cứu phương án kết nối với quốc lộ 1, sân bay Long Thành bằng cách đấu nối vào tuyến đường vành đai này.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên