Những nghệ sĩ có mặt trong chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đêm 30-3 tại sân vận động Hoa Lư (TP.HCM) - Ảnh: GIA TIẾN
Khi ca sĩ Đức Tuấn đang hát bài Ta thấy gì đêm nay, sát cạnh tôi, trên khán đài chen kín chỗ, nép vào một góc lối đi, một cô gái tuổi đôi mươi và một phụ nữ tóc bạc cùng vỗ tay nhịp hai hát to, "Những ngón tay thơm nối tật nguyền. Nối cuộc tình nối lòng đổ nát. Bàn tay đi nối anh em [...]. Cùng xương khô lên tiếng nói. Đời sống ấm êm nhân danh con người".
Có vẻ 18 năm từ khi mất, 80 năm ra đời, Trịnh Công Sơn vẫn ở đó, bằng ca khúc của mình, nắm tay những con người.
Sân vận động Hoa Lư (TP.HCM) đêm 30-3 không còn một chỗ trống dù là khán đài, sân cỏ hay đường bao quanh sân. Những con người với độ tuổi khác nhau, ăn mặc tuềnh toàng hay sang trọng, cả màu da vàng, trắng hay đen... cùng ngồi sát nhau, như trong một cuộc hành hương "người đi một mình, đồi dốc nghiêng xuống".
Không có gì để chiêm bái trong cuộc hành hương ấy, ngoài việc đi về phía âm nhạc, ngôn ngữ, đi về phía con người, về phía nhau. Đồi núi nghiêng xuống để người ta gần với nhau trong không gian ấy.
Ca sĩ Đức Tuấn hát Xin cho tôi với ánh sáng được thắp lên bởi hàng ngàn khán giả - Video: GIA TIẾN
Bãi cỏ sân Hoa Lư chật người ngồi gợi nhớ đến ngày Trịnh ôm đàn hát trước sinh viên thập niên 1960, ngày đầu tiên một nhạc sĩ trình hiện.
Không có ngày cuối cùng, những người ngồi trên bãi cỏ hôm nay cho thấy tiếng ngân từ giai điệu và ca từ hướng về con người của Trịnh sẽ còn tiếp tục lan đi bằng nhiều cách khác nhau nhưng chung một mục đích - nhân danh con người sống đời người.
Ngồi cạnh tôi trên khán đài, trong đêm hát ấy là Thành Duy, em học lớp 6. Duy đến đêm nhạc cùng mẹ và em gái, mẹ đã chở hai em từ Thủ Đức đến từ sớm. "Ở nhà, mẹ con toàn mở nhạc Trịnh, con nghe luôn. Con thích nhất bài Cát bụi".
Cát bụi sao? Một em bé 12 tuổi sao lại thích bài hát ấy? "Con không hiểu lắm bài hát đâu, nhưng bài hát ấy có vẻ buồn, và khi nghe con thương ba mẹ hơn" - Duy nói, xen giữa những phút chuyển tiết mục.
Chắc em không thể lý giải kỹ hơn cảm xúc của mình nhưng lời qua nhạc, đã bằng cách nào đó, tác động đến sâu thẳm trong em, nỗi lo ngại mất mát, sự tiếc nuối đã khiến em yêu hơn giây phút hạnh phúc trong tay ba mẹ hôm nay.
Ca khúc của Trịnh Công Sơn đã được nuôi dưỡng, thay đổi, khác biệt qua từng thế hệ theo cách đó. Và như thế bài hát đã bắc cầu cho những thế hệ đứng gần nhau hơn, bày tỏ cho nhau dễ dàng hơn.
Ca sĩ Lệ Quyên hát Sóng về đâu - Video: GIA TIẾN
Trịnh Công Sơn viết "Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống".
Ca khúc của Trịnh đã gồm cả tiếng nói, chữ viết, nhiều phương tiện diễn đạt, để thay con người diễn đạt mình, bày tỏ mình, xoa dịu, an ủi người khác. Những ca khúc yêu thêm những đồng bào "người đi như nước qua đê" khát khao sống.
Những ca khúc tôn vinh "Người ngồi xuống mây ngang đầu" mà người yêu nhau hát cho nhau nghe nhiều nhất. Những ca khúc kêu gọi đứng sát gần nhau trong giá trị con người "Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi. Dù mai nơi này người có xa người".
Trong một thời đoạn mà bạo lực đang đầy rẫy, những thiện lương thua thiệt, các giá trị đang nhòa dần dấu vết; các ca khúc ngợi ca con người được hàng ngàn tiếng hát ngân lên, được hàng ngàn cánh tay hưởng ứng và sẽ tiếp tục lan tỏa. Đó chính là điều đáng để hi vọng.
Nỗi hi vọng những con người sẽ nhân danh con người mà sống khi còn biết yêu một đời sống tràn đầy những tấm lòng ấy như hàng ngàn ánh sáng của chiếc điện thoại rọi lung linh đêm diễn.
Trong ánh sáng ấy, trong chính khung giờ của "Giờ trái đất", cậu con trai tôi đã thầm thì: "Như một hòn bi xanh. Trái đất này quay tròn. Căn nhà ta nằm nhỏ. Trong một lòng quê hương. Này em trong mỗi con tim. Nhớ mang quê hương của mình. Như một hòn bi xanh, trái đất này quay tròn. Đất già cho đời trẻ. Nên đời được yêu luôn [...] Vô tình ta cùng chọn. Nơi này làm quê chung".
Con người có quê hương, quê hương có con người, bằng âm nhạc, bằng văn hóa, bằng nghệ thuật, bằng tất cả, những điều tốt đẹp sẽ lớn lên, lưu truyền, đó là cách chúng ta sống, phải không?
18 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Khán giả Sài Gòn tiếp tục có dịp hội ngộ với âm nhạc của vị nhạc sĩ tài hoa này với đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn diễn ra tại Đường sách TP.HCM lúc 16h30 hôm nay 1-4.
Chương trình do gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng bạn bè, nghệ sĩ trong và ngoài nước cùng cộng đồng người yêu nhạc Trịnh tại Việt Nam đồng tổ chức.
Theo truyền thống của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chương trình sẽ hoàn toàn miễn phí để những ai mến mộ ông có thể đến và thưởng thức trọn vẹn những ca khúc nhạc Trịnh qua tiếng hát của các tên tuổi gắn liền một phần sự nghiệp với nhạc Trịnh như Hồng Nhung, Quang Dũng, Đức Tuấn, Lân Nhã, Đồng Lan, Tấn Sơn, Mai Quốc Việt... cùng các nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, An Trần Saxophone, Tuấn Mạnh Piano.
LAM ĐIỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận