Một tiết mục của xiếc Làng tôi vừa mới báo công với tổ nghề tại lễ giỗ tổ sân khấu 2015 - Ảnh: Đ.Triết |
Sự việc gây xôn xao vì chỉ vừa mới đây, đúng ngày giỗ tổ sân khấu (12-8 âm lịch) tại rạp Đại Nam, Hà Nội, dù chỉ mới “khoe” một trích đoạn nho nhỏ nhưng nhóm xiếc Làng tôi đã khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ đến dự phải trầm trồ.
GS.NSND Trần Bảng còn nói rằng: “Các bạn trẻ, nhất là nghệ thuật xiếc, bây giờ biểu diễn rất hiện đại và ấn tượng. Thật mừng cho sân khấu nước nhà!”. Thế mà...
Ra đi không hẳn vì nỗi lo cơm áo
Nhiều lý do đã được đưa ra như chuyện cơm, áo, gạo, tiền; chuyện không tìm được tiếng nói chung giữa nhà quản lý và nghệ sĩ; hay nghệ sĩ nghỉ vì chủ động hưởng ứng chủ trương tinh giản biên chế của đơn vị...
Nhưng khi quan niệm “viên chức” vẫn bám chặt lấy nhiều người như một đặc quyền đặc lợi khó từ bỏ, có lẽ lý do sâu thẳm hơn cả để nghệ sĩ dám bật ra tiếng nói khác biệt ấy lại là nỗi trăn trở muốn tìm cho ra con đường “sống” của những tác phẩm nghệ thuật giá trị như xiếc Làng tôi.
Có 15 năm theo nghề - trong đó đến 10 năm gắn bó với Làng tôi - mà giờ tự nguyện ra đi, nghệ sĩ Nguyễn Quang Thọ nói không thể khác được: “Chúng tôi làm sao chịu nổi khi hai năm qua ngày ngày vẫn đổ mồ hôi trên sàn tập để rồi mỏi mòn chờ đợi những đêm được ra sân khấu? Chúng tôi có nhu cầu được biểu diễn. Được biểu diễn thì nghệ thuật mới “sống” và nghệ sĩ cũng mới sống”.
Nghệ sĩ Trần Kim Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi thấy đầu tư của Nhà nước không thật sự hiệu quả, không chỉ cho lĩnh vực nghệ thuật mà trong nhiều lĩnh vực khác. Thế nên tinh thần khi xin nghỉ việc của mọi người là vì không thích ăn bám, mà muốn được làm nghệ thuật một cách nghiêm túc, muốn xây dựng con đường nghệ thuật của riêng mình cho lâu dài chứ không hẳn là chuyện miếng cơm manh áo...”.
Nghệ thuật không chỉ để vui liên hoan
Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn cho rằng xã hội cần ủng hộ việc này khi Bộ VH-TT&DL đang tinh giản biên chế mà các nghệ sĩ lại chủ động hưởng ứng.
Anh giải thích: “Chúng tôi không bỏ nghề, mà chỉ là lựa chọn nơi phù hợp để làm việc, để phát triển. Theo tôi, trong xã hội hiện đại thì không quan trọng làm việc ở đâu, chỉ cần chúng tôi cống hiến như thế nào cho đất nước bằng những sản phẩm có giá trị hay không.
Đến giờ, chúng tôi đều có niềm đam mê rất lớn và luôn hiểu giá trị việc làm của mình. Chúng tôi vẫn đang nuôi giấc mơ và tiếp tục biến giấc mơ thành hiện thực, nhưng bằng cách khác”.
Chọn cách khác, nghệ sĩ Quang Thọ theo học tại chức ở Đại học Kinh tế để tính chuyện làm kinh doanh có liên quan đến nghệ thuật. Nghệ sĩ Lan Hương hiện nay đi dạy yoga nhưng không tắt niềm tin:
“Bất cứ lúc nào nếu ở đâu đó mời, chúng tôi vẫn có thể tập hợp nhau lại để cùng biểu diễn, có thể là Làng tôi hoặc những dự án nghệ thuật khác theo cách cùng sáng tạo như thế”.
Các nghệ sĩ Kim Ngọc và Anh Tuấn đang lập những dự án về nghệ thuật của riêng mình. “Với riêng tôi có nhiều dự án đang được triển khai - vẫn làm việc với tre, với âm nhạc mà không phải trông chờ vào cơ quan nào cả.
Chúng tôi tự tập hợp nhau lại, tự làm, tự chia sẻ công việc. Kết quả cuối cùng là bán sản phẩm gì để công chúng muốn mua để từ đó tự nuôi được bản thân, nuôi được nghệ thuật, chứ nghệ thuật không chỉ để giao lưu, vui liên hoan...” - nghệ sĩ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Không nghĩ theo “lệ” cũ
Khát vọng một chương trình, vở diễn chất lượng ra đời không bị “xếp kho” không phải là chuyện mới. Chẳng riêng gì với Làng tôi, những năm gần đây sân khấu nước nhà có nhiều thể nghiệm mới mẻ với những chương trình, vở diễn độc đáo, sáng tạo tràn đầy công sức của nghệ sĩ.
Chẳng hạn như chương trình rối cạn Nhịp điệu quê hương với chất liệu rối mây, tre của Nhà hát Múa rối Việt Nam tưng bừng ở các festival quốc tế, thế nhưng ở Việt Nam ngoài việc biểu diễn phục vụ ngoại giao thì cũng không có được những lịch diễn cố định hằng tuần tại rạp 361 Trường Chinh.
Hoặc như Nhà hát Múa rối Thăng Long có những chương trình rối nước đầy kỳ công, giàu bản sắc dân tộc như Linh thiêng hai tiếng đồng bào, Huyền thoại tiên rồng gần như cũng không có dịp trở lại với khán giả sau các kỳ liên hoan.
Còn Nhà hát Chèo Hà Nội dựng vở được đầu tư lớn về chất lượng nghệ thuật cũng như hiện đại hóa sân khấu đến tiền tỉ như Oan khuất một thời, Vương nữ Mê Linh, nhưng sau vài đêm công diễn hay biểu diễn nhân dịp kỷ niệm thành lập nhà hát thì lại “ngủ yên”...
Vấn đề đáng bàn ở đây là, theo “lệ” suy nghĩ cũ, nhiều người vẫn có thể nhắc nhớ lại để thấy tiếc, thấy lãng phí nhưng vẫn chấp nhận vì... quen rồi. Cũng vì ai cũng thấy, cũng biết từ xưa đến nay vở dựng thì cứ dựng, xếp kho thì cứ xếp - không phải tiền túi mình bỏ ra nên cũng chẳng có gì phải đắn đo, tiếc nuối.
Ngoài ra, công tác tổ chức biểu diễn được lập ra cũng theo kiểu công chức nên “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” chứ không mấy quan tâm tìm kiếm thị trường, khảo sát nhu cầu khán giả, tiếp thị, quảng bá cho vở diễn, chương trình... Tất cả bó lại, loanh quanh để sân khấu vẫn chìm lắng, ế ẩm...
Thế nhưng lần này các nghệ sĩ của Làng tôi lừng lẫy một thời, sau mấy trăm ngày mòn mỏi cuối cùng đã lên tiếng bằng sự dứt khoát ra đi, chọn một đường sống khác dù đầy sóng gió.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận