Không dám đến nhà ai vì hiếm muộn
Có mặt tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong lễ công bố quyết định trao tặng 15 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% ngày 23-6, gia đình anh Phan Đình Thắng (34 tuổi, Hà Tĩnh) và chị B Nướch Thị Tron (36 tuổi) không giấu được xúc động khi kể về hành trình 12 năm tìm kiếm con yêu của mình.
Chị Tron chia sẻ chị là người dân tộc Cơ Tu, quê tại Quảng Nam, còn anh Thắng là người dân tộc Kinh. Năm 2012, sau thời gian dài tìm hiểu, hai anh chị quyết định về chung một nhà. Chỉ sau 1 năm, chị Tron có thai tự nhiên, thế nhưng niềm vui ấy đã kết thúc khi chị không may sẩy thai ở tuần thứ 8.
"Sau đó, hai vợ chồng dành dụm cả năm mới đủ tiền ra Hà Nội thăm khám, lúc ấy các bác sĩ nói không có vấn đề gì. Nghĩ vậy đã an tâm, hai vợ chồng tôi về nhà để tiếp tục chờ đợi tin vui. Thế nhưng, suốt thời gian ấy, càng chờ đợi mong mỏi, càng không thấy con yêu tìm đến", chị Tron kể lại.
Chị Tron nói do sinh sống ở xã miền núi huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh nên người dân còn rất nhiều hủ tục. Nhiều người trong xã nói vợ chồng chị bị ma ám, quỷ theo nên không có con. Nghe thấy vậy, vợ chồng chị Tron cũng mời thầy cúng làm lễ, tốn bao tiền của cũng chẳng thấy tin vui.
Chị Tron kể lúc ấy ai mách ở đâu có thầy nọ, thuốc kia vợ chồng anh chị cũng cố gắng thử, thế nhưng suốt 12 năm đằng đẵng vẫn không có gì thay đổi.
"Vợ chồng tôi sáng đi lên rẫy làm thuê cho người ta, tối về nhà không dám đi đâu. Chồng tôi nói, thôi vợ chồng mình đừng đi đâu, rồi người ta nói nọ, nói kia lại buồn lòng thêm", chị Tron nói.
Mới đây, tình cờ một người thân trong họ cũng hiếm muộn và làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thành công, lúc ấy chị Tron mới biết đến có phương pháp này. Quyết tâm ra Hà Nội lần nữa, vợ chồng chị Tron đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám.
Thấy hoàn cảnh gia đình anh chị khó khăn, bệnh viện hướng dẫn làm hồ sơ để tham gia chương trình IVF miễn phí.
May mắn đã đến với anh chị khi trở thành một trong 15 gia đình được nhận hỗ trợ năm nay.
Anh Thắng chia sẻ không tưởng tượng được may mắn ấy lại đến với gia đình. Cho đến khi nhận quyết định hỗ trợ, nhìn những cặp vợ chồng hiếm muộn khác đã thành công, anh chị tiếp tục thắp lên hy vọng tìm kiếm con yêu của mình.
"Trái ngọt" của cặp đôi mang gene bệnh
Cũng có mặt tại chương trình, anh Dũng (33 tuổi) và chị Ngọc (24 tuổi) quê ở huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình giờ đây đã ngập tràn hạnh phúc khi đã đón được con yêu.
Chia sẻ về hành trình 6 năm đằng đẵng tìm con của mình, anh Dũng kể hai anh chị kết hôn năm 2018. Trong 5 năm, cặp vợ chồng có thai tự nhiên 3 lần. Thế nhưng, cả 3 lần đều không giữ được thai.
Chị Ngọc chia sẻ đã có lúc chị muốn dừng lại bởi chị sợ rằng mình sẽ lại mất con, không thể gặp con, không có duyên phận để được làm mẹ.
"Cả ba lần tôi không thể nghe được tiếng khóc của con, lần mang thai lâu nhất là 2 tháng rồi con cũng bỏ mình đi. Tôi đã rơi vào trầm cảm, tự trách bản thân không thể giữ được con. Cả hai vợ chồng lúc ấy đều rơi vào tuyệt vọng", chị Ngọc nhớ lại.
Cho đến năm 2022, chị Ngọc quyết định thử thêm một lần nữa, đến bệnh viện kiểm tra. Lúc này bác sĩ nói cả hai vợ chồng đều mang gene bệnh thalassemia và đây cũng là nguyên nhân khiến chị sẩy thai 3 lần.
Anh Dũng nói lúc ấy bác sĩ tư vấn chỉ có 25% cơ hội sinh con không mang gene và có thể thực hiện IVF kết hợp sàng lọc phôi để tạo ra phôi thai khỏe mạnh. Khi ấy, một hy vọng được thắp lên cho cặp vợ chồng nhưng chi phí quá lớn, hai vợ chồng không đủ tài chính.
May mắn mỉm cười, năm 2023 anh chị nhận được gói hỗ trợ IVF miễn phí và đã thành công mang thai trong lần đầu tiên. Tháng 8-2023, cặp vợ chồng đã đón được con yêu.
"Con đã sắp tròn 1 tuổi, nhưng tôi không thể quên được niềm hạnh phúc khi nghe được tiếng khóc khi con chào đời. Các cặp vợ chồng hiếm muộn hãy cứ hy vọng, đặt niềm tin vào y học hiện đại, con yêu không đến thì mình tìm con", anh Dũng nhắn nhủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận