27/06/2008 08:18 GMT+7

100 năm sự kiện "Hà thành đầu độc" - Kỳ 4: Cô hàng cơm dũng cảm

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Trong tấm ảnh những người yêu nước tham gia sự kiện "Hà thành đầu độc" bị gông cùm ngồi thành hàng dài, có một phụ nữ nhỏ nhắn, nét mặt của cô trông thật xinh đẹp, dịu dàng với mái tóc vấn khăn theo kiểu xưa. Người phụ nữ đó là ai?

z0wxO2xa.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Ba, tức Nhiêu Sáu, bị gông cùm sau sự kiện “Hà thành đầu độc”

Trong sự kiện nổi dậy này còn có ít nhất hai phụ nữ cũng bị án là vợ đầu bếp Hai Hiên và cô Đồng Đa, đầu mối liên lạc giữa nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và những người yêu nước thực hiện vụ "Hà thành đầu độc", nên càng khó tìm ra ai là người phụ nữ trong ảnh.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 3: Lễ tế sống Kỳ 2: Xử chém người anh hùng Kỳ 1: Quyết không lùi bước

Điểm hẹn của những người yêu nước

Suốt mấy tuần lễ đi tìm trong các kho ảnh ở thư viện, nhà sách cũ và cả trên mạng Internet, tôi không thể tìm được dấu vết về người phụ nữ trong tấm ảnh. Tình cờ được gặp nhà sử học Nguyễn Trọng Hậu ở Hà Nội, thì ra ông cũng là một trong những người đã bỏ nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu sự kiện lịch sử bi hùng này. Ông Hậu cho biết những thông tin về quán cơm ở số nhà 20 phố Cửa Nam, nơi đã từng là điểm hẹn bí mật của những người yêu nước tham gia sự kiện "Hà thành đầu độc". Một số thông tin ghi rằng quán cơm này là của Nguyễn Thị Ba. Nghe nói vài chục năm trước đây, hậu duệ bà Nhiêu Sáu vẫn sống ở đây nhưng bây giờ không rõ thế nào.

Đến căn nhà số 20 phố Cửa Nam, cả người ở đây lẫn hàng xóm xung quanh đều không có thông tin gì. Mày mò mãi, cuối cùng tôi phát hiện được quê hương của bà Nhiêu Sáu ở làng Tương Mai (bây giờ là phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại đây, người viết sử làng là ông Nguyễn Văn Quy, nguyên chuyên viên Bộ Giáo dục, đã bật khóc khi nghe hỏi chuyện cô gái duy nhất trong bức ảnh các nghĩa quân đang bị gông cùm. "Người phụ nữ trẻ đẹp trong ảnh đó chính là bà Nguyễn Thị Ba, còn có tên Nhiêu Sáu. Người đã sinh ra và đang yên nghỉ ngay trên mảnh đất làng này!", ông Quy nghẹn ngào.

Ông Quy kể sở dĩ bà Nhiêu Sáu khi chụp tấm ảnh trong lao tù này vẫn còn trẻ đẹp là do bà lập gia đình sớm. Đó là đặc trưng của phụ nữ VN xưa. Hơn nữa, làng Tương Mai của bà Nhiêu Sáu nằm trên đường cái quan nổi tiếng có nhiều hàng cơm, xôi lúa phục vụ khách qua đường, nên các cô gái làng thường lập gia đình sớm để có chồng con phụ giúp chuyện hàng quán.

Về sau, nhiều cô đã vào nội thành Hà Nội mở mang quán xá. Trong đó, cô Nguyễn Thị Ba, tức bà Nhiêu Sáu, đã tậu ngôi nhà 20 phố Cửa Nam để mở quán cơm và nơi ấy trở thành điểm hẹn của những người yêu nước. Ông Quy còn cho biết thêm hậu duệ của bà Nhiêu Sáu trước vẫn sống ở nhà 20 phố Cửa Nam, nhưng về sau đã chuyển về nhà 187 Trương Định.

Tại số nhà 187 Trương Định, ông Đỗ Đình Hướng năm nay 78 tuổi, là cháu đời thứ tư của bà Nhiêu Sáu. Ông nội Đỗ Thuyết của ông Hướng chính là con trai của người phụ nữ anh hùng này. Khi bà Nhiêu Sáu còn sống, con dâu bà, tức vợ ông Đỗ Thuyết, là người trực tiếp phụ quán cơm cho mẹ chồng nên hiểu chuyện những người yêu nước. Đặc biệt, ông Đỗ Văn Sáu, chồng bà Nhiêu Sáu, kịp trốn thoát sau sự kiện "Hà thành đầu độc", nên về sau đã lưu truyền lại chuyện bi hùng cho con cháu ghi nhớ.

Thà chết không khai

ddLEwXNZ.jpgPhóng to

Ông Đỗ Đình Hướng - cháu đời thứ tư của bà Nhiêu Sáu.

Thắp nén nhang cúi lạy tiền nhân xong, ông Hướng kể về những ký ức truyền đời từ ông cha. Bà Nguyễn Thị Ba được gọi tên Nhiêu Sáu là do ghép tên Sáu với chức "nhiêu" của chồng, một chức nhỏ ở làng. Từ nhỏ bà đã không thích quân Pháp vì chúng hay bắt nạt người Việt, nhất là các cô gái xinh đẹp.

Khi lên mở quán cơm ở nhà 20 phố Cửa Nam, bà có dịp tiếp xúc nhiều với cả quân Pháp lẫn các người Việt đang hoạt động công khai hoặc bí mật chống Pháp. Tinh thần yêu nước của cô hàng cơm xinh đẹp ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn khi được trực tiếp trò chuyện với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và các binh lính, đầu bếp, thầy đồ ái quốc...

Bà Nguyễn Thị Tuệ, con dâu bà Nhiêu Sáu, sau này thường kể con cháu nghe ngày xưa tầng hai của quán cơm nhà 20 phố Cửa Nam chính là nơi những người yêu nước thường tụ họp ăn uống và ở trọ để bàn mưu đánh giặc. Trong đó có cả tướng tá của phong trào Đề Thám như đội Hổ, chánh Tỉnh và một số nhà nho, thầy dạy tiếng Pháp được các binh lính Việt tín nhiệm như ông Đỗ Văn Đàm, ông Quang, ông Đông Châu...

Mặc dù không được mẹ chồng cho tham gia, nhưng chính mắt bà Tuệ đã thấy bà Nhiêu Sáu cùng các nghĩa quân cắt máu pha rượu uống thề dựng nghiệp lớn. Kế hoạch "Hà thành đầu độc" thất bại, quân Pháp vừa truy sát nghĩa quân vừa nhanh chóng ập đến nhà này để bắt cô hàng cơm đã tham gia nổi dậy. Bà Nhiêu Sáu bị bắt nhưng chồng kịp thoát về Hải Phòng. Về sau, ông chết vì tai nạn đắm tàu.

9PYWjcSM.jpgPhóng to
Nhà số 20 phố Cửa Nam từng là điểm hẹn của những người yêu nước

Pháp tuy bắt được bà Nhiêu Sáu nhưng không lấy được lời khai gì để đánh phá nghĩa quân. Chính người chồng cùng con trai, con dâu bà Nhiêu Sáu và các tài liệu Phan Bội Châu toàn tập, Việt Nam nghĩa liệt sử, Lịch sử thủ đô Hà Nội... đã kể rõ tinh thần dũng cảm của bà Nhiêu Sáu. Mật thám Pháp đóng đinh nhọn vào thùng gỗ, rồi nhét bà vào đó và lăn từ phố Cửa Nam về ngục Hỏa Lò.

Ngoài mục đích tra tấn dã man bà để lấy lời khai, chúng còn muốn đe dọa tinh thần yêu nước của những người khác. Cuối cùng, bà Nhiêu Sáu đã chết vì bị tra tấn và bệnh tật trong ngục Hỏa Lò. Một người cùng quê bán quán gần nhà giam đã phải mua chuộc cai ngục cho tráo xác, đưa thi hài bà về quê. Ngay trong đêm, hậu duệ bà và hàng xóm đã âm thầm nuốt nước mắt tiếc thương tiễn đưa người phụ nữ dũng cảm yên nghỉ trong một nấm mồ đất không dám khắc bia chí ở cánh đồng làng Tương Mai bây giờ.

----------------------------------------

Ở nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội) bây giờ có một nấm mộ đặc biệt: chỉ chôn cất mỗi thủ cấp người anh hùng Đặng Đình Nhân. 100 năm đã qua, có một lời hứa vẫn chưa thể thực hiện được...

Kỳ tới:Người trung với nước

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên