26/06/2008 06:14 GMT+7

100 năm sự kiện "Hà thành đầu độc" - Kỳ 3: Lễ tế sống

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Sau những người tham gia vụ "Hà thành đầu độc", nhiều cụ già tóc bạc phơ nay đã đến đời thứ hai, thứ ba vẫn ghi trong lòng lời kể của cha ông. Họ thắp nén nhang lên bàn thờ người xưa, và không kìm được nước mắt khi tâm sự rằng: "Các bậc anh hùng tuy chưa thành đại nghiệp, nhưng đã dũng cảm xả thân cứu họ tộc, làng xóm mình!".

Sq1MaOqE.jpgPhóng to

Cháu gái Đỗ Thanh Hằng và hai người con của học trò ông đồ Đỗ Văn Đàm thắp hương tưởng nhớ ông ở làng Tạ Xá

TT - Sau những người tham gia vụ "Hà thành đầu độc", nhiều cụ già tóc bạc phơ nay đã đến đời thứ hai, thứ ba vẫn ghi trong lòng lời kể của cha ông. Họ thắp nén nhang lên bàn thờ người xưa, và không kìm được nước mắt khi tâm sự rằng: "Các bậc anh hùng tuy chưa thành đại nghiệp, nhưng đã dũng cảm xả thân cứu họ tộc, làng xóm mình!".

Kỳ 2: Xử chém người anh hùng Kỳ 1: Quyết không lùi bước

Những cuộc truy sát

Theo thống kê từ tài liệu do tiến sĩ Patrice Morlat sưu tầm, sau sự kiện "Hà thành đầu độc" có 13 người bị kết án tử hình (chém, bêu đầu), năm người bị án tử hình vắng mặt (không rõ về sau có bị bắt không), bốn người chịu khổ sai chung thân, năm người án tù khổ sai 20 năm, ba người án tù 15 năm, và còn nhiều án tù khác nhẹ hơn… Nguồn sử liệu của VN thì ghi có 16 người đã bị xử chém trong mấy đợt, sáu người bị xử tử vắng mặt, và bốn án chung thân. Quân Pháp cũng nhân cớ này thẳng tay đàn áp phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, tăng cường tiến đánh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Sau đó nhiều người bị bắt, bị xử chém và lưu đày ra nước ngoài…

Theo người cháu gái Đỗ Thanh Hằng của ông đồ Đỗ Văn Đàm bị xử chém sau sự kiện "Hà thành đầu độc", tôi về quê hương người yêu nước xưa. Nhìn cảnh xóm làng thanh bình ở Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Hoài Đức (Hà Tây) khó ai ngờ đây đã từng in dấu chân người thầy đồ cùng đồng đội làm quân Pháp một phen khiếp vía.

Tác giả Patrice Morlat đã khai thác được trong Tàng thư Bộ thuộc địa Pháp một bức thư đề ngày 28-6-1908 của viên quan toàn quyền Đông Dương gửi bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, ghi rõ sự kiện "Hà thành đầu độc" đêm 27-6 làm nhiều người Pháp hoảng sợ. Họ đã tụ tập trước tòa thống sứ Bắc kỳ để yêu cầu được vũ trang nhằm chống trả nghĩa quân An Nam.

Chính vì vậy, ngoài việc quân Pháp phải nhanh chóng xử chém, bêu đầu đội Nhân, đội Bình, đội Cốc để trấn an và răn đe tinh thần yêu nước người Việt, họ còn truy sát những người kịp trốn thoát. Tại đình làng Tạ Xá, nơi đang thờ ông đồ Đàm, ông Phạm Văn Quang (68 tuổi) nói rằng người cha Phạm Văn Đấu của ông chính là học trò của cụ đồ Đàm xưa và nếu còn sống thì năm nay đã 118 tuổi.

Ông Đấu thường kể con trai nghe chuyện sau khi vụ đầu độc thất bại, ông đồ Đàm đã được các học trò kéo xe tay đưa về quê. Sau đó, ông chạy lánh sang Hưng Yên để tiếp tục dạy học và bí mật liên lạc với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Không bắt được đồ Đàm, quân Pháp về đến tận làng tra khảo người dân và đe dọa nếu ông không ra chịu tội, chúng sẽ xóa sổ cả hai làng Tạ Xá và Văn Hội là quê nội, ngoại ông. Không thể để bà con dòng tộc và hàng xóm chết thay mình, ông đồ Đàm đành giã từ Hưng Yên trở lại quê hương chịu bị bắt.

Cùng thời điểm này, đầu bếp Nguyễn Văn Hiên cũng kịp chạy thoát. Nhưng viên quan công sứ Hà Đông Jules Bosc quyết liệt truy diệt bằng được người đầu bếp đã trực tiếp đầu độc thức ăn quân Pháp. Mượn luật "tạo phản" là trọng tội của triều đình An Nam, quân Pháp đe dọa sẽ "tru di ba họ” nhà Hai Hiên ở quê Đức Giang, huyện Hoài Đức (Hà Tây) nếu ông không về chịu tội. Ông Nguyễn Danh Tôn (76 tuổi) hiện đang sống ở làng của đầu bếp Hai Hiên không ngăn được nước mắt khi kể lại nghĩa tử của anh hùng xưa.

Ông Tôn đã được người cha Nguyễn Danh Thất, sống cùng thời, cùng làng với ông Hai Hiên, kể trước khi quân Pháp về đe dọa tiêu diệt dòng họ, đầu bếp Hai Hiên đã lánh sang tỉnh khác nên không biết tin dữ này. Người anh cả Nguyễn Văn Trù âm thầm đi báo cho em trai. Khi nghe anh kể, ông Hai Hiên đã quì xuống lạy anh và khí khái thưa rằng: "Em chỉ hận nợ nước chưa kịp đền! Việc em làm, em chịu! Quyết không để ai phải liên lụy!". Rồi ông trở về quê, chịu cho quân giặc bắt để cứu làng.

Trong trí nhớ lưu truyền của các cụ già và nguồn sử liệu, quân Pháp ngoài việc đe dọa để bắt đầu bếp Hai Hiên, ông đồ Đàm… còn truy sát nhiều người khác tham gia sự kiện "Hà thành đầu độc".

Nợ nước dở dang

l56JLvdy.jpgPhóng to
Xử trảm những người yêu nước tham gia sự kiện "Hà thành đầu độc"

Ở Tạ Xá, quê hương đồ Đàm, ông thủ từ đình làng Phạm Văn Tảo (74 tuổi) kể lại lời cha của ông (từng là học trò của thầy đồ Đàm) rằng: "Ngày ông đồ Đỗ Văn Đàm từ Hưng Yên trở về quê, học trò và dân làng đã ra đón ông". Biết đây là những ngày sống cuối cùng của người anh hùng, họ đã làm lễ tế sống ông trong ba ngày.

Trước cảnh các học trò vừa khóc vừa thắp hương, lạy tiễn biệt thầy, ông đồ Đàm vẫn khí khái nói: "Thầy ra đi lần này sẽ bị quân Pháp giết. Sự nghiệp đền nợ nước của thầy dở dang. Nhưng nếu ai hỏi, các con cứ nói thầy đã đi theo cụ Đề Thám để cứu dân, cứu nước".

Cô Đỗ Thanh Hằng kể ngày quân Pháp giải ông đồ Đàm từ Hà Đông về Hà Nội, vợ ông là bà Nguyễn Thị Luyện đang mang thai con gái thứ hai, còn con trai đầu của họ mới có ba tuổi. Ông đồ Đàm mang gông không viết tay được, đã dùng ngón chân cặp bút lông viết thư khuyên vợ nuôi con khôn lớn, và nhớ kể thù này để có ngày con sẽ tiếp nối cha đền nợ nước.

Trước khi lên pháp trường, ông đã cởi áo gửi về cho vợ để may áo cho con. Rồi búi tóc dài người thầy đồ anh hùng bất ngờ xõa tung, khiến đao phủ phải chém ông mấy nhát mới đầu lìa khỏi cổ.

Cùng lúc đó, ở Cao Chung, huyện Hoài Đức, dân làng và tộc họ cũng làm lễ tế sống đầu bếp dũng cảm Nguyễn Văn Hiên. Ông Nguyễn Huy Long, 79 tuổi, cháu ông Hai Hiên, kể lời cha rằng: "Ông Hai Hiên đã không khóc trong lễ tế sống mình. Ông khí khái nói tiếc là chưa kịp diệt được kẻ thù!". Sau đó, ông ra pháp trường chịu chết thay cho tộc họ. Nhưng vợ ông vẫn bị tra tấn đến chết. Người em Nguyễn Văn Hiu của ông cũng bị lưu đày. Người bà con làm quan tri phủ huyện Thanh Oai thì từ quan về làm ruộng. Nhiều người trong thân tộc đành phải đổi họ để tránh sự truy bắt dai dẳng của quân Pháp.

---------------------------------------

Trong bức ảnh những người yêu nước bị gông cùm sau sự kiện "Hà thành đầu độc" có một phụ nữ xinh đẹp ngồi ở giữa. Sau đó bà cũng bị tra tấn đến chết, nhưng đời nay không mấy ai biết đến người phụ nữ dũng cảm này…

Kỳ tới: Cô hàng cơm dũng cảm

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên