04/04/2024 11:18 GMT+7

100 năm Nha Trang - hòn ngọc xinh đẹp trước biển - Kỳ 4: Miền quê hương cát trắng

Nha Trang có hẳn một khu xóm Mới được quy hoạch đường sá bài bản dành cho người dân di cư...

Đường Phan Bội Châu (Nha Trang) năm 1959 - Ảnh: NGUYỄN BÁ MẬU

Đường Phan Bội Châu (Nha Trang) năm 1959 - Ảnh: NGUYỄN BÁ MẬU

"Nha Trang là miền quê hương cát trắng...". Giai điệu câu hát của nhạc sĩ Minh Kỳ luôn dâng lên trong lòng người yêu Nha Trang con sóng thương mến, êm đềm về thành phố miền thùy dương một thuở.

Đất lành cho người di cư

Bài hát Nha Trang (nhạc Minh Kỳ, lời Hồ Đình Phương) được viết năm 1954 và được nhiều người yêu thích vào những năm sau đó khi nhịp độ phát triển đô thị ở Nha Trang có phần lắng xuống. Đô thị lúc này được quản lý theo yêu cầu của thời chiến hơn là theo nhu cầu đô thị hóa và quy mô dân cư.

Lần đầu tiên đô thị Nha Trang phân ra thành đơn vị hành chính nông thôn, khi chính quyền ông Ngô Đình Diệm ban hành nghị định vào ngày 27-1-1958 bãi bỏ quy chế thị xã, chia Nha Trang thành hai xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây, thuộc quận Vĩnh Xương. Mặc dù tồn tại hơn 10 năm sau đó, nhưng tên xã hầu như chỉ tồn tại trên giấy tờ hành chính, người dân và trên sách báo vẫn quen gọi thành phố Nha Trang.

Cũng như nhiều đô thị khác ở miền Nam, Nha Trang những năm sau năm 1954 đón nhiều đồng bào di cư từ Bắc vào, các vùng nông thôn trong tỉnh đổ về và nhiều người từ các tỉnh khác tản cư đến. Lượng người di cư đông, nhưng thành phố vẫn yên bình. Đất đai còn rộng rãi, tấm lòng rộng mở của người Nha Trang đã dung chứa tất cả.

Nha Trang có hẳn một khu xóm Mới được quy hoạch đường sá bài bản dành cho người dân di cư. 

Trong sách Non nước Khánh Hòa, do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư viết năm 1967, phần giới thiệu về phố phường Nha Trang có đoạn: "Đây là ngã sáu đi về các nẻo. Rẽ qua tay phải, theo đường Phước Hải, quý khách sẽ tới xóm Mới, một khu vực được hoàn toàn kiến lập sau ngày có phong trào di cư, nhà cửa san sát, đường trổ bàn cờ".

Thành phố Nha Trang nửa đầu thập niên 1970 - Ảnh TL

Thành phố Nha Trang nửa đầu thập niên 1970 - Ảnh TL

Gọi là xóm Mới nhưng thực chất đây là một khu phố rất lớn, đường sá và chợ búa được hình thành từng bước: "Năm 1954, người ta gọi khu xóm Mới là khu phố Kiến Thiết. Tuy gọi như vậy, nhưng sự kiến thiết chỉ mới ngập ngừng. Con đường Nguyễn Hoàng bò từng đoạn, từng đoạn. Trên bản đồ mới ghi con đường số 2, số 4, số 8, số 9... Nhà cửa mới cất đến đường số 2. Nhờ phong trào di cư, sự kiến thiết được đẩy mạnh. Năm 1955, trại tiếp cư được dỡ đi, để chỗ làm chợ Xóm Mới" - tác giả Ngọc Nữ trong bài "Khu xóm Mới Nha Trang" đăng trong đặc san của Trường bán công Lê Quý Đôn đã kể lại như vậy.

Cũng trong bài viết này, tác giả cho thấy khu xóm Mới đã góp phần mở rộng thành phố cho Nha Trang trong cùng thời gian: "Năm 1958, dãy nhà di cư san sát dựng lên bao quanh bến ô tô. Khu Đồng Dưa cũng tấp nập xây dựng. Năm 1959, sự kiến thiết xa đến xã Phước Hải. Bến xe ô tô trang bị hẳn hoi. Đầu năm 1960, các con đường chính được rải đá, tráng nhựa rộng thêm. Con đường Nguyễn Hoàng thẳng tắp trông rõ một đại lộ. Xe cộ chạy rầm rập, người đi chen chúc, phố xá tấp nập. Khu xóm Mới đã thành một khu phố quang đãng, tươi trẻ. Đường rộng, nhà mới, không khí sạch sẽ, gió thổi mát mẻ".

Bước chuyển êm đềm

Do ảnh hưởng chiến tranh, và dồn sức cho đồng bào an cư, về mặt kiến thiết, thành phố không có nhiều công trình lớn. Tuy vậy, đời sống thương mại ở Nha Trang lại có bước phát triển nhanh để phục vụ dân cư ngày càng đông và du khách. Các đường phố chính thời bấy giờ như Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt, Lê Thánh Tôn, Lý Thánh Tôn và sau này là Phước Hải, Nguyễn Hoàng... mọc lên nhiều nhà lầu, cửa hiệu buôn bán. Đặc biệt, trên tuyến trung tâm của thành phố là Độc Lập - Phan Bội Châu có nhiều hiệu buôn, rạp xi nê, về sau còn có cả siêu thị và khách sạn bảy tầng cao nhất thành phố.

Dân cư đông đúc, phố phường cũng nhộn nhịp hơn trước. Trong sách Non nước Khánh Hòa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tả lại: "Làm gì có thì giờ đi khắp ngả, du khách theo đường Nguyễn Hoàng rẽ ra đường Lê Thánh Tôn tới công viên có vòi phun nước trước mặt đại khách sạn Nha Trang. Lần theo đại lộ Duy Tân đi xuống, du khách đi tới phi cảng Nha Trang một nơi cảnh trí rất ngoạn mục. Hằng ngày, máy bay dân sự và quân sự lên xuống thường xuyên".

Dẫu vậy, so với các đô thị lớn ở miền Nam thời bấy giờ, đời sống thương mại Nha Trang còn rất êm đềm. Vì thế, sống ở Nha Trang trong những tháng năm này, khi viết Xứ trầm hương, nhà thơ Quách Tấn mới quả quyết rằng: "Nha Trang không phải là một thành phố thương mãi, mà là một thành phố du lịch, một thành phố thừa lương. Cho nên muốn thưởng thức cảnh thú của Nha Trang phải tìm nơi thiên nhiên chứ đừng tìm nơi nhân xảo".

Đường Duy Tân (nay là đường Trần Phú) bên bờ biển Nha Trang năm 1965 - Ảnh: NGUYỄN BÁ MẬU

Đường Duy Tân (nay là đường Trần Phú) bên bờ biển Nha Trang năm 1965 - Ảnh: NGUYỄN BÁ MẬU

"Bao năm du khách hằng chờ..."

Nha Trang là một trong hai thành phố nghỉ mát nổi tiếng miền Nam thời bấy giờ. Nếu như Đà Lạt là thành phố ngàn thông của xứ sở sương mù thì Nha Trang là thành phố của miền thùy dương cát trắng. "Nha Trang nổi tiếng là vùng "cát trắng dương xanh" trong toàn quốc". Đó là cách nói của nhà thơ Quách Tấn trong sách Xứ trầm hương. Đặc biệt, ông đề cao vẻ đẹp của bãi biển: "Bãi biển Nha Trang, theo lời du khách đã ra Bắc vào Nam, là một bãi biển đẹp nhất trong toàn quốc. Bãi biển vừa rộng vừa dài. Hình giống một lưỡi liềm bằng bạc, cán trở ra xóm Cồn, mũi day xuống Chụt, và lưỡi được sóng biển mài giũa sáng trưng" (Xứ trầm hương).

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư thì say sưa với vẻ đẹp của núi non: "Đứng trên núi Sinh Trung nhìn ra tứ phía du khách thấy cảnh đẹp lạ thường. Tất cả thành phố Nha Trang đã thu gọn vào trong tầm mắt của bạn, rồi biển cả nhấp nhô gợn sóng, cửa Cù Huân, xóm Cù Lao, Tháp Bà... Núi Sinh Trung đã kết hợp cùng Hòn Chồng, Tháp Bà tô điểm cho Nha Trang thêm phần quyến rũ" (Non nước Khánh Hòa).

Nữ sinh Nha Trang trên đường Độc Lập (nay là đường Thống Nhất), Nha Trang trước năm 1975 - Ảnh TL

Nữ sinh Nha Trang trên đường Độc Lập (nay là đường Thống Nhất), Nha Trang trước năm 1975 - Ảnh TL

Cùng với các khách sạn xây cất thời Pháp như Beau Rivage, Grand Hotel, Terminus, Bon Air, La Frégate..., trong những năm 1954 - 1975 Nha Trang có thêm nhiều khách sạn như Gia Long, Đa Lộc, Nha Trang, Khánh Hòa, Duy Tân, Hòa Bình 1, Hòa Bình 2, Khương Hải, Mạnh Tấn, Thiên Sơn... Rất nhiều du khách đến Nha Trang nghỉ mát, tắm biển, thưởng ngoạn phong cảnh và trở về trong luyến nhớ.

Chính vì thế mà những câu hát của nhạc sĩ Minh Kỳ đã du dương rất nhiều năm trong lòng du khách "Nha Trang cảnh đẹp nên thơ khiến nhớ - Bao năm du khách hằng chờ - Một ngày ghé đến Nha Trang... Nha Trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát - Ai qua không quên để lại - Một vài luyến tiếc xa xôi...".

Biến đổi đơn vị hành chính

1958: Ngày 27-1, chính quyền ông Ngô Đình Diệm ban hành nghị định 18-BNV bãi bỏ quy chế thị xã, chia Nha Trang thành hai xã Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương.

1970: Thị xã Nha Trang được tái lập, gồm hai quận: quận 1 và quận 2.

1971: Thị xã Nha Trang được chia thành 11 khu phố. Đến tháng 8-1972, các khu phố được đổi thành phường.

1975: Ngày 6-4, Ủy ban Quân quản Khánh Hòa chia Nha Trang thành ba đơn vị hành chính: quận 1, quận 2 và quận Vĩnh Xương. Đến tháng 9-1975 hợp nhất hai quận 1 và 2 thành thị xã Nha Trang.

1977: Ngày 30-3, thị xã Nha Trang được nâng lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh Phú Khánh. Sáp nhập vào Nha Trang thêm bảy xã của huyện Vĩnh Xương cũ.

_______________________________________

Thời bao cấp, Nha Trang gần như "ngủ đông", để rồi sau đó vùng dậy biến đổi như có phép lạ: đường Trần Phú chuyển mình, các khu du lịch biển ra đời, trung tâm thành phố mở rộng.

Kỳ tới: Con đường đẹp nhất Nha Trang

100 năm Nha Trang - hòn ngọc xinh đẹp trước biển - Kỳ 3: Vị công dân đặc biệt của Nha Trang100 năm Nha Trang - hòn ngọc xinh đẹp trước biển - Kỳ 3: Vị công dân đặc biệt của Nha Trang

Hơn cả toàn quyền Đông Dương ký quyết định khai sinh đô thị biển ở vùng Nam Trung Bộ, hơn cả công sứ Khánh Hòa thời đó vạch ra kế hoạch kiến thiết cho thành phố mới, bác sĩ Yersin là người có công lớn nhất tạo nên tên tuổi của Nha Trang.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên