Hãng Disney tròn 100 năm thành lập vào ngày 16-10 vừa qua. Người sáng lập lừng danh của hãng là Walt Disney, tên đầy đủ Walter Elias Disney. Ông sinh ngày 5-12-1901 tại Chicago (Mỹ).
Ngoài việc là cha đẻ của chuột Mickey và “xứ sở kỳ diệu nhất thế giới” Disneyland, ông còn là một trong những người tiên phong trong việc phát triển công nghệ làm phim hoạt hình.
Điểm khởi đầu của ông chính là Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Snow White and the Seven Dwarfs) vào năm 1937 - bộ phim hoạt hình dài đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Bạch Tuyết và tầm nhìn thế kỷ của Walt Disney
Được biết, thời điểm ra mắt năm 1937, nước Mỹ cho rằng làm một phim hoạt hình dài 1 tiếng 90 phút là “điên rồ”.
Theo một bài báo năm 1937 trong kho lưu trữ của “nhà chuột”, dư luận nói rằng: “Xem hoạt hình dài thế sẽ khiến khán giả chảy máu mắt".
Walt Disney - nhà sản xuất của bộ phim - bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, ông cho xây dựng một camera cao 3 mét, cần đến 4 người vận hành và có thể tạo ra hoạt ảnh ba chiều, tạo chiều sâu cho khung hình.
Đồng thời, camera này có khả năng lia, zoom khiến cho bộ phim hoạt hình có chất “điện ảnh” hơn.
Đây cũng là bước đột phá cho ngành làm phim hoạt hình thời điểm bấy giờ, vì hầu hết tác phẩm đều có phông nền cố định, chỉ có nhân vật chuyển động.
Walt Disney đã “khoe” với tạp chí Time về chiếc máy quay của mình: “Chỉ cần nhìn thành viên đoàn phim vận hành nó là tôi đã thấy choáng váng rồi".
Tuy nhiên, tất cả công sức của đoàn làm phim không uổng phí. Bạch Tuyết trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất đương thời, đặt nền móng cho một loại hình điện ảnh hoàn toàn mới.
Quan trọng nhất, thành công của nó đã đưa Disney từ một “canh bạc” của nhà sáng lập trở thành hãng phim hoạt hình thành công và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến văn hóa đại chúng thế kỷ 20.
Trong cuốn tiểu sử về Walt Disney, tác giả Neal Gabler khẳng định rằng Disney đã “định hình lại văn hóa và ý thức người Mỹ” bằng cách sáng lập nên đế chế truyền thông hiện đại đầu tiên, xây dựng dựa trên niềm tin rằng ai cũng có thể trở nên vĩ đại hơn nhờ không ngừng thách thức giới hạn của mình.
“Tôi không bao giờ có thể đứng yên. Tôi phải khám phá và thử nghiệm. Tôi không bao giờ cho phép bản thân hài lòng. Sự giới hạn trong trí tưởng tượng là thứ làm tôi khó chịu nhất” - trích lời Walt Disney trong tiểu sử của nhà báo Neal Gabler.
Di sản của một thiên tài
Trước khi Walt Disney qua đời vào năm 1966, ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sĩ sáng tạo không ngừng để tạo nên những giấc mơ.
Pixar - hãng phim huyền thoại với những bộ phim hoạt hình kinh điển như Toys Story, Wall-E, Cars... - vốn được thành lập những năm 1990 bởi những họa sĩ trẻ tốt nghiệp CalArts - xưởng đào tạo do Walt Disney xây dựng để ươm mầm tài năng.
Theo bước chân Disney, hãng phim non trẻ này bắt đầu thử nghiệm hoạt hình 3D làm bởi đồ họa máy tính. Họ thành công với Toy Story năm 1995, bộ phim hoạt hình hoàn toàn bằng máy tính đầu tiên, giúp tái định hình xu hướng làm phim hoạt hình.
Có thể nói chính Walt Disney đã gián tiếp cách mạng hóa ngành nghệ thuật, gần 25 năm sau khi ông qua đời vào năm 1966.
Tháng 11 này, Walt Disney Animation Studios sẽ gửi cho khán giả thế giới “bức thư tình” kỷ niệm hành trình 100 năm của công ty với Wish, bộ phim hoạt hình thứ 62 của hãng.
Bằng cách sử dụng hài hòa phong cách vẽ màu nước và công nghệ đồ họa 3D, các nhà làm phim muốn tôn vinh dấu ấn của 2 cột mốc cách mạng Snow White và Toy Story.
Đồng thời, họ tạo ra hiệu ứng phân lớp gần giống với chiếc máy quay Walt Disney đã sử dụng để làm nên Snow White 86 năm về trước.
Nửa thế kỷ qua, một tin đồn kỳ quái cho rằng Walt Disney đang được ướp xác trong một căn hầm bí mật để chờ ngày được khoa học tái sinh được khá nhiều người Mỹ tin vào.
Nhưng theo Los Angeles Times, giấy chứng tử của Disney cho thấy ông đã được hỏa táng vào năm 2003. Người thân của ông cũng đã lên tiếng bác bỏ tin đồn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận