08/04/2015 13:40 GMT+7

​10 tiêu chuẩn để trường ĐH đạt chuẩn quốc gia

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Theo dự thảo thông tư (lần 3) của Bộ GD-ĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục ĐH, các đơn vị này phải đủ 10 tiêu chuẩn để đạt chứng nhận chuẩn quốc gia.

ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh minh họa: tư liệu
ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh minh họa: tư liệu

Theo dự thảo, có 10 tiêu chuẩn để xác định cơ sở giáo dục ĐH đạt chuẩn quốc gia bao gồm: sứ mạng mục tiêu, tổ chức quản lý, cơ sở vật chất thiết bị, đội ngũ giảng viên - nghiên cứu viên, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, tài chính, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả xếp hạng và sự hài lòng của sinh viên và cơ quan sử dụng lao động.

Thông tư này không áp dụng cho các cơ sở giáo dục ĐH có 100% vốn nước ngoài.

Đối với tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị, diện tích đất tối thiểu 25m2/sinh viên, diện tích xây dựng bình quân tối thiểu 9m²/sinh viên, trong đó diện tích phục vụ học tập ít nhất là 6m²/sinh viên…

Về tiêu chuẩn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 75% khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo; tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu đảm bảo tối đa 8 sinh viên/giảng viên đối với nhóm ngành nghệ thuật, thể dục thể thao; 10 sinh viên/giảng viên  đối với nhóm ngành y-dược và 20 sinh viên/giảng viên đối với các nhóm ngành khác.

Tỉ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư trên tổng số giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 10% đối với trường đại học theo định hướng ứng dụng và 20% đối với trường đại học theo định hướng nghiên cứu.

Đối với tiêu chuẩn về hoạt động đào tạo, cơ sở giáo dục ĐH phải  tổ chức và quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với toàn bộ các chương trình đào tạo hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Số lượng chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo với các trường có uy tín của nước ngoài, chương trình phối hợp chuyển đổi tín chỉ hoặc cùng cấp bằng với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài được phép triển khai theo quy định pháp luật hiện hành chiếm ít nhất 10% tổng số chương trình đào tạo tại trường. Số sinh viên có việc làm đúng và phù hợp với ngành được đào tạo sau một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt ít nhất 75% tổng số sinh viên tốt nghiệp của khóa học đó…

Về tiêu chuẩn tài chính, phải đảm bảo tối thiểu 80% chi thường xuyên bằng nguồn thu theo quy định của cơ sở đào tạo. Đối với tiêu chuẩn về kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, cơ sở giáo dục ĐH đã được kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT với kết quả ít nhất 90% các tiêu chí đạt yêu cầu.

Có ít nhất 20% các chương trình đào tạo được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định của Việt Nam hoặc một tổ chức kiểm định quốc tế được Bộ GD-ĐT công nhận. Kết quả xếp hạng thuộc ba hạng đầu của khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại thời điểm xin công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Đối với tiêu chuẩn về sự hài lòng của sinh viên và cơ quan sử dụng lao động: có ít nhất 75% sinh viên, cựu sinh viên được hỏi hài lòng về chương trình đào tạo, kiến thức kỹ năng tích lũy, môi trường học tập nghiên cứu với số mẫu lấy ý kiến tối thiểu bằng số lượng sinh viên của một khóa đào tạo. Có ít nhất 80% cơ quan sử dụng lao động được hỏi hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp với số mẫu lấy ý kiến tối thiểu là 200.

Có hai phương án công nhận cơ sở giáo dục ĐH: tổ chức độc lập đánh giá và công nhận hoặc Bộ GD-ĐT đánh gía và công nhận. Chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia có giá trị trong vòng năm năm kể từ ngày cấp. Trong thời hạn năm năm, Bộ GD-ĐT thực hiện kiểm tra định kỳ để đảm bảo cơ sở giáo dục đại học duy trì được các điều kiện đáp ứng các tiêu chuẩn.

Chứng nhận cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia bị thu hồi nếu cơ sở giáo dục ĐH gian lận trong quá trình triển khai hoạt động đánh giá, không còn đáp ứng yêu cầu của một trong các tiêu chuẩn quy định.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên