12/06/2014 09:28 GMT+7

10 ngày trải nghiệm ở Trường Sa

TRẦN DIỄM ÁI VI
TRẦN DIỄM ÁI VI

TTO - "Nếu hỏi tôi sẽ thu hoạch gì sau chuyến đi này, có lẽ tôi chỉ có thể nói rằng: tôi sẽ sống tích cực và say mê hơn, cống hiến nhiều hơn. Lòng yêu nước được đắp bồi mạnh mẽ từ sau hành trình này, ắt sẽ không dừng lại..."

Cuộc thi viết “Hướng về biển đảo quê hương”

tvzBHZ6W.jpgPhóng to
Hoa khôi Trần Diễm Ái Vi - Ảnh: NVCC

Trên đây là những dòng trích từ nhật ký 10 ngày ở Trường Sa của Trần Diễm Ái Vi, hoa khôi cuộc thi “Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng 2013”.

Trở về từ hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2014", người đẹp Trần Diễm Ái Vi đã có những cảm nhận về vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc mà người đẹp này lần đầu tiên đặt chân đến.

TTO xin giới thiệu bài viết của cô:

Sáng sớm 28-5, tôi cùng đoàn công tác số 14 trên con tàu HQ 571 rời cảng Cát Lái. Khi đứng trên boong tàu, tôi mới dám tin rằng mình thật sự đang trên đường ra đảo lớn, thật sự bắt đầu cuộc hành trình mà biết bao sinh viên Việt Nam mơ ước.

Kết thúc hành trình, tôi mang về đất liền những món quà lớn. Nào là huy hiệu chiến sĩ Trường Sa, nào là giấy khen của chuẩn đô đốc về những thành tích tôi đã cống hiến trong suốt hải trình, những tấm ảnh với vùng biển, vùng trời của Tổ quốc cùng các chiến sĩ hải đảo... Đặc biệt là MV "Tổ quốc nhìn từ biển" được hoàn thành bằng sự đoàn kết của gần 200 thành viên trên tàu. Danh bạ điện thoại của tôi lại có thêm những người bạn trên khắp mọi miền, và một tình yêu thiêng liêng, khát vọng được cống hiến dành cho đất nước.

“571 là số hiệu con tàu đưa tôi đến với Trường Sa. Đến với Trường Sa là một trong những món quà lớn, là vinh dự và cơ hội để một người trẻ như tôi được sống và có những trải nghiệm riêng về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chứ không chỉ là xem trên sách báo hay nhìn thấy qua những thước phim.

Đoàn công tác của chúng tôi gần 200 người, cùng đến thăm và làm việc tại 8 đảo, điểm đảo là: Đá Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Phan Vinh, Đá Tây, Trường Sa và nhà giàn DK1.

Sau mấy ngày lênh đênh sóng nước, cảm giác của tôi khi đặt chân đến mỗi đảo thật bình yên, gần gũi. Các đảo chìm (Đá Lớn, Đá Tây…) có kiến trúc tương tự nhau. Nhưng so với các đảo nổi và nhà giàn thì cuộc sống của các chiến sĩ ở đảo chìm có phần khó khăn hơn. Tôi được gặp và trò chuyện với các chiến sĩ, đa số là người cùng quê - tỉnh Phú Yên. Chúng tôi đã gửi những phần quà và lời ca, tiếng hát của mình đến các anh. Sau đó là những cuộc trò chuyện thân tình, từ chuyện đi gác, gửi thư về nhà đến các cuộc điện thoại cho người thân, những ngày đợi mưa, đợi tàu trên đảo… Tuổi đời còn rất trẻ nhưng các anh chiến sĩ nơi đây đã gác lại tình cảm cá nhân để tình nguyện trở thành những người lính đảo, xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, quyết tâm bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Việt Nam.

Mỗi ngày tàu lại nhổ neo 2-3 bận, lần lượt đưa chúng tôi đến các đảo, đến gần hơn với cuộc sống của những chiến sĩ nơi đây. Mỗi nơi đi qua đều để lại trong tôi những kỷ niệm không thể phai mờ... Ở đảo nào chúng tôi đến cũng có rau xanh đủ loại, từ cải, rau muống, mồng tơi đến cả ớt và húng chó. Những luống rau xanh mướt là kết quả của biết bao nhiêu công sức và tình cảm các anh chiến sĩ đã gửi vào, chăm bón. Các đảo nổi (Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông…) nhìn từ xa như một dải lụa xanh nổi trên mặt biển và cả những rặng dừa như thách thức nắng gió khơi xa. Đứng ở nơi này, lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác rất mãnh liệt rằng: bất chấp thời tiết khắc nghiệt, vượt lên khó khăn, gian khổ, những chiến sĩ của chúng ta vẫn kiên định một lòng bám biển, bảo vệ chủ uyền quốc gia.

Những ký ức về chuyến đi này cứ chảy mãi trong lòng tôi. Đó là cuộc gặp gỡ với những người bạn cũ cùng trường cấp III mà tôi đã gọi là "Anh" thay cho lòng kính trọng. Anh tặng tôi con ốc thật đẹp với dòng chữ "kỷ niệm Sơn Ca" và số điện thoại sau cuộc trò chuyện vội ở hội trường. Đó là những lần gặp gỡ các anh đồng hương nghe họ nói về công việc, về cuộc sống hằng ngày, tuy vất vả nhưng đầy hiên ngang và kiêu hãnh. Có những tối, chúng tôi ngồi trò chuyện cùng các anh trong tổ phục vụ của lữ đoàn 146, nghe để hiểu thêm về cuộc sống, gia đình của các anh và những khó khăn, thử thách mà các anh đã kiên trì vượt qua.

Tôi nhớ đêm chia tay bịn rịn với các chiến sĩ đảo Trường Sa lớn, tôi tặng vội chiếc áo trắng của đoàn cho một chiễn sĩ trẻ mới quen, nghe vội cuộc điện thoại của một anh sĩ quan đang đứng trong hàng người vẫy tay chào đoàn khách... Thu vào tầm mắt những hình ảnh thân thương ấy, tôi trở về.

Tổ quốc đang bão giông từ biển... Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo, suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn... Một trong điều làm nên tuổi trẻ của tôi chính là hành trình này, hành trình lớn lao mang theo tâm tư, tình cảm của biết bao sinh viên trên khắp cả nước gửi đến những chiến sĩ đảo xa. Nếu hỏi tôi sẽ làm gì sau chuyến đi này, có lẽ tôi chỉ có thể trả lời rằng, tôi sẽ sống tích cực và say mê hơn, cống hiến nhiều hơn và lan truyền lòng yêu nước được đắp bồi mạnh mẽ từ sau hành trình ấy đến mọi người.

Những câu chuyện của 10 ngày ở Trường Sa, tôi sẽ còn kể lại với rất nhiều người...

TRẦN DIỄM ÁI VI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên