07/11/2016 20:17 GMT+7

10 năm, xử lý 918 lãnh đạo đơn vị để xảy ra tham nhũng

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Ông Trần Đức Lượng, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ nêu thực trạng như vậy khi phân tích nguyên nhân vì sao việc tự phát hiện tham nhũng và phát hiện thông qua công tác thanh tra chưa hiệu quả.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị sáng 7-11 - Ảnh: THANH VŨ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị sáng 7-11 - Ảnh: THANH VŨ

Ngày 7-11, tại TP.HCM diễn ra Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chủ trì hội nghị là ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, trưởng ban chỉ đạo tổng kết và ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo tổng kết.

Đại diện 38 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương từ Thanh Hóa trở vào, các chuyên gia, nhà khoa học dự hội nghị để góp ý hoàn thiện dự thảo đề án trình Bộ Chính trị.

Chuyển đổi vị trí công tác hơn 310.000 lượt cán bộ

Việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng không có cơ chế kiểm soát và bảo đảm thực hiện dẫn đến hình thức, thậm chí phản tác dụng… Nhiều quy định, giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp nhưng cũng chậm được sửa đổi.

Đó là những đánh giá thẳng thắn về những hạn chế của công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua được ghi nhận trong báo cáo.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Hòa Bình nói, phòng chống tham nhũng lãng phí là công việc hết sức khó khăn phức tạp.

Qua 10 năm thực hiện nghị quyết trung ương 3 khóa X, công tác này đã đạt sự chuyển biến tích cực trong việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nhưng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp nhiều ngành. Yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được.

Công khai dân chủ trong công tác cán bộ ở không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Công tác tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn nhiều bất cập. Dư luận băn khoăn nhiều về những biểu hiện thiếu minh bạch trong công tác cán bộ. Vẫn còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai minh bạch.

Trong 10 năm qua, cả nước đã có 918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác hơn 310.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Phân tích nguyên nhân vì sao việc tự phát hiện tham nhũng và phát hiện thông qua công tác thanh tra chưa hiệu quả, ông Trần Đức Lượng, nguyên Phó tổng thanh tra Chính phủ nêu thực trạng, hiện nay nhiều trường hợp đối tượng bị thanh tra có địa vị pháp lý và chính trị cao hơn cơ quan thanh tra.

Người đứng đầu không muốn xử lý tham nhũng triệt để theo kiến nghị của cơ quan thanh tra vì sẽ liên quan đến trách nhiệm quản lý của người đứng đầu.

Theo ông Lượng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tự phát hiện tham nhũng còn nhiều hạn chế. 

Ông Trần Du Lịch, người có nhiều năm đảm nhận vai trò đại biểu quốc hội thì cho rằng trong lãng phí chứa đựng tham nhũng. Muốn chống lãng phí phải đảm bảo kỷ cương ngân sách, để nếu chi một đồng không đúng quy định, không theo dự trù trước thì không thể chi được. Còn như hiện nay, đồng tiền nhà nước chung chung, không ai chịu trách nhiệm thì không thể chống lãng phí được.

Xây dựng văn hóa phi tham nhũng, bảo vệ người đấu tranh

Từ những phân tích trên, dự thảo báo cáo cho rằng cần xây dựng văn hóa phi tham nhũng trong xã hội. Về nội dung này, ông Đinh Văn Quế ví von làm sao để toàn dân ghét tham nhũng như ghét… kẻ trộm chó.

Các cơ quan truyền thông cần khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc suy diễn, quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử. Đặc biệt, phải bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo tích cực, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt, gây hậu quả xấu.

Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết này cũng nêu giải pháp mở rộng thi tuyển công khai các chức danh cán bộ quản lý cấp phòng, cấp vụ. Đồng thời xây dựng quy định để thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.

Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng Lê Văn Lân dẫn kinh nghiệm của Hàn Quốc là xác minh ngẫu nhiên khoảng 15-20% tổng số người kê khai. Đối tượng kê khai cũng chỉ nên tập trung vào nhóm có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có quyền lực lớn trong hệ thống chính trị, công khai rộng rãi các bảng kê khai này…

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên