21/07/2016 12:26 GMT+7

Minh bạch mới chống được tham nhũng

CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)
CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)

TTO - Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng mới đây, một trong những hạn chế, yếu kém ở nước ta đã được dẫn ra là việc công khai, minh bạch còn hạn chế.

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định thực tế tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu đề ra  - Ảnh: An Đăng
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định thực tế tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu đề ra - Ảnh: An Đăng

Để phòng chống căn bệnh tham nhũng, cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc tiến hành mở thật rộng các cửa, tạo ra môi trường thông thoáng, minh bạch. Tuy nhiên, việc mở cửa không hề đơn giản vì luôn gặp phải lực cản không hề nhỏ từ số người có quyền, có chức đã quen sống trong bóng tối để thu vén, trục lợi từ lâu nay

CÙ TẤT DŨNG

Theo một số học giả quốc tế thì tham nhũng được đo bằng công thức: tham nhũng = độc quyền + cửa quyền - minh bạch thông tin - trách nhiệm giải trình.

Điều này đồng nghĩa với việc trong một xã hội, nếu độc quyền càng lớn, thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình, thì xã hội đó càng diễn ra nhiều hành vi tham nhũng.

Đối với những công việc có liên quan tới lợi ích của đa số người dân, ai ai cũng muốn mọi thứ đều được công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, một số người được Nhà nước trao quyền đại diện quản lý, điều hành, thực hiện các chính sách, dự án... tự cho phép mình nhân danh lợi ích chung không công khai hoặc thiếu công khai, hoặc có công khai song thiếu minh bạch, hoặc không minh bạch về những chính sách, dự án này.

Họ sẽ tìm đủ mọi cách để đưa ra những quyết định có lợi cho một bộ phận, một nhóm lợi ích, từ đó thu lợi cho bản thân.

Thực tế cho thấy người dân thường bị mù mờ với những thông tin về ngân sách; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương; về quản lý, sử dụng, mua sắm tài sản công; các thông tin về tuyển dụng và đặc biệt người dân khó biết được con số thực của “nợ xấu” hiện nay là bao nhiêu?

Bên cạnh đó là thái độ không thiện chí trong cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức, của cán bộ, công chức khi mà những thông tin được yêu cầu cung cấp có thể gây bất lợi cho đơn vị, địa phương.

Những thông tin đó có thể dễ dàng được quy là thông tin mật và bị nhốt chặt đằng sau những cánh tủ.

Khi chúng ta đẩy mạnh công tác cải cách thể chế, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, rất nhiều những quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Cụ thể, khi triển khai, áp dụng đăng ký thủ tục hải quan điện tử, kê khai thuế qua mạng; thực hiện chế độ “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp thì chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS) tăng lên đáng kể, tệ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó dễ đã giảm hẳn.

Có thể khẳng định chỗ nào có ánh sáng của sự minh bạch thì chỗ đó căn bệnh tham nhũng không có điều kiện phát sinh và phát triển.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng thực chất là cuộc chiến “ta với ta”, là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và trong chính bản thân mỗi người.

Do vậy, phải thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, nhất là trong những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Những nội dung bí mật thì thôi, còn những gì công khai được thì phải công khai hết.

Bởi công khai và minh bạch là yếu tố cần thiết để tạo đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa người dân và chính quyền, tạo lòng tin của dân vào Đảng, Nhà nước, mà còn giám sát hoạt động của Nhà nước.

Bên cạnh đó, công khai và minh bạch là giải pháp cốt lõi để phòng chống tham nhũng, hướng tới một xã hội thật sự dân chủ, công bằng, văn minh. Thực tế đã cho thấy những quốc gia có tính minh bạch cao thường là những quốc gia, dân tộc xếp hàng đầu về tự do và thu nhập.

Trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400ha đất.

Đến nay, số tiền đã thu hồi cho Nhà nước là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200ha đất. Qua 10 năm, tỉ lệ kê khai tài sản đạt 99,5%, đã xác minh được gần 5.000 trường hợp trong đó đã phát hiện xử lý, kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.

(Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng)

CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên