07/12/2017 11:46 GMT+7

10 năm Việt Nam mất 1,7 triệu ha rừng phòng hộ

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO -Trong 10 năm từ 2004 đến 2014, diện tích rừng phòng hộ ở Việt Nam đã giảm hơn 1,7 triệu ha, tương đương tốc độ suy giảm trung bình 23%/năm.

10 năm Việt Nam mất 1,7 triệu ha rừng phòng hộ - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hải Vân, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết từ năm 2004-2014 diện tích rừng phòng hộ đã giảm tới 1,7 triệu ha - Ảnh: XUÂN LONG

Sáng 7-12, hội thảo "Rừng phòng hộ tại Việt Nam: Giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi nhằm đảm bảo an ninh môi trường" do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp Vụ Quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức đã nhận được nhiều chia sẻ về thực trạng mất rừng.

118 lần giảm diện tích rừng phòng hộ

Bà Nguyễn Hải Vân, Trung tâm Con người và Thiên nhiên khẳng định rừng phòng hộ ở Việt Nam đang suy giảm mạnh cả về diện tích và chất lượng, tính riêng từ 2004-2014 diện tích rừng phòng hộ đã giảm 1,7 triệu ha.

Trong 10 năm từ 2004 đến 2014, diện tích rừng phòng hộ ở Việt Nam đã giảm hơn 1,7 triệu ha, tương đương tốc độ suy giảm trung bình 23%/năm. 

Trong đó rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giảm tới 1,43 triệu ha, chiếm tới 84,1% diện tích đất rừng phòng hộ bị suy giảm", bà Vân nêu.

Theo bà Vân, hiện nay chỉ còn hơn 4,5 triệu diện tích rừng phòng hộ, trong đó có hơn 60% là rừng tự nhiên. 

Ngược lại với tình trạng mất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, bà Vân nêu một nghịch lý, diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng có xu hướng tăng dần từ năm 2004 đến hết năm 2012, nhưng cũng bắt đầu giảm mạnh từ năm 2013.

Ông Mai Văn Đảm, phó Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành (Thanh Hóa) nêu thực tế phải trông giữ diện tích rừng lớn, lương thấp và không được trang bị công cụ hỗ trợ - Video: XUÂN LONG

Từ nghiên cứu, theo bà Vân, biến động diện tích rừng phòng hộ chủ yếu là thay đổi giảm, tần suất giảm ngày càng gia tăng từ giai đoạn sau 2006-2007 đến nay.

"Có tới 59 Ban quản lý rừng phòng hộ trong phạm vi đánh giá đã có tất cả 168 lần thay đổi diện tích, trong đó có 118 lần là thay đổi giảm diện tích. Lý do thay đổi diện tích do rà soát thay đổi quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác như làm thủy điện, khoáng sản...", bà Vân cho biết.

Theo bà Vân, chất lượng rừng phòng hộ hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phòng hộ.

Cây tốt, rừng tốt không còn

Theo bà Nguyễn Hải Vân, không những diện tích rừng phòng hộ bị suy giảm, thảm thực vật bị chia cắt, còn có tình trạng rừng phòng hộ bị phân mảnh dẫn tới chất lượng rừng suy giảm.

Vì chất lượng rừng suy giảm, tần suất lũ và mức độ khốc liệt của thiên tai gần gây gia tăng, trong đó có một phần nguyên nhân được xác định là do phá hoại và mất rừng đầu nguồn thời gian qua.  

Từ góc độ cơ quan được giao bảo vệ rừng, ông Mai Văn Đảm, phó Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành -Thanh Hóa, thừa nhận, đúng là rừng phòng hộ bị phân mảnh.

Nhiều lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ cũng kêu chế độ lực lượng bảo vệ rừng thấp hơn so với kiểm lâm, trong khi diện tích trông giữ lớn hơn, công cụ hỗ trợ không có.

"Diện tích rừng lớn nhưng lực lượng bảo vệ rừng ít, mỏng, trang bị công cụ hỗ trợ chưa có, thu nhập rất thấp. Một ban quản lý thường được giao bảo vệ 5000-10.000 ha nhưng biên chế chỉ 10 người, và phải hợp đồng thêm 10 người nữa trong khi nguồn của đơn vị sự nghiệp rất hạn chế nên lương chỉ 3 triệu, 2,5 triệu/người/tháng mà phải đi rừng, núi cao, đèo sâu", ông Đảm nêu.

Theo ông Đảm, muốn giữ được rừng phòng hộ, phải tạo được sinh kế cho người dân, mà phải là sinh kế bền vững.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên