10 năm gieo mầm sáng tạo cho trẻ đặc biệt

Không từng lên kế hoạch, mọi thứ đều đến một cách tình cờ song thoáng nhìn lại, cô cựu sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM Nguyễn Thu Cúc đã có hành trình cả chục năm làm bạn với trẻ đặc biệt.

trẻ đặc biệt - Ảnh 1.

Nguyễn Thu Cúc (trái) tại chương trình “Thương nhiều” tổ chức ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6 mới đây - Ảnh: NVCC

Thời điểm ấy, cảm giác mông lung về tương lai và hướng đi cho bản thân, cô gái 9X này dần nhận ra con đường cho mình sau lần tình cờ xem bộ phim Like Stars on Earth. Đó là câu chuyện về cậu bé có năng khiếu hội họa nhưng bị cho là kém cỏi mãi đến khi gặp được người thầy đặc biệt giúp em khai phá khả năng.

"Tôi đồng cảm với hình ảnh ấy vì bản thân cũng yêu thích hội họa đặc biệt nên quyết định chuyển hướng từ mùa hè năm 2014", Thu Cúc nhớ lại.

Cảm hứng sáng tạo với trẻ đặc biệt

Từng làm công việc bưng bê, phục vụ mà Cúc bảo đến một lúc thấy chán và muốn làm điều có ý nghĩa cho cộng đồng. Ý tưởng làm giáo viên dạy vẽ và truyền cảm hứng cho những học trò đặc biệt phát triển theo khả năng riêng của mỗi bạn càng lớn dần sau khi Cúc xem hết bộ phim ấy.

Cúc lần tìm những nơi phù hợp rồi gửi email cho họ. Và Trường giáo dục chuyên biệt Hy Vọng (quận Gò Vấp cũ) đã cầu thị chào đón cô với sự cởi mở dù chỉ mới lần đầu kết nối. Cúc nhớ cô hiệu trưởng đã mời bạn đến gặp, lắng nghe chia sẻ và cho bạn đứng lớp ngay sau khi biết Cúc có kinh nghiệm hội họa.

Ở nơi hầu hết đều là trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, mắc hội chứng Down, bại não..., Thu Cúc muốn tạo ra môi trường sáng tạo dành cho những bạn nhỏ đặc biệt này. 

Mỗi tiết học, cô giáo luôn chuẩn bị đầy đủ mẫu vẽ, đạo cụ và không gian lớp vì tin rằng dù khuyết tật các bạn nhỏ vẫn luôn có nhận thức, khả năng quan sát và tiềm năng sáng tạo lớn.

Những chương trình đầu tiên chỉ có một mình Cúc. Rồi nhiều bạn trẻ biết, thấy công việc ý nghĩa nên đăng ký làm tình nguyện viên. Mỗi buổi học chừng 20-30 bé và khoảng 4-5 người hỗ trợ sao cho theo sát từng bạn dù không phải bạn nào cũng cần kèm cặp.

Khác với nhận định trẻ khuyết tật chỉ có thể vẽ những hình đơn giản, nhiều bạn trong lớp cho thấy năng lực vượt xa mong đợi. Có bạn vẽ tốt hình khối, tạo hình 3D, tỉ lệ nhân vật chính xác, sử dụng màu sắc và họa tiết tinh tế dù chưa từng học vẽ trước đó. "Vẽ tranh trở thành phương tiện giúp các bạn bộc lộ cảm xúc, giải tỏa căng thẳng và tạo không gian để các bé được thể hiện mình", Thu Cúc nói.

Dạy học là tiếng gọi từ trái tim

Những ngày đầu lớp học vẽ của cô Cúc chỉ ưu tiên cho bạn nào tiếp thu tốt. Nhưng các buổi học ấy khiến nhiều bạn khác tò mò, muốn được tham gia nên sĩ số cứ thế tăng dần. Cô giáo cũng đặt kỳ vọng phù hợp theo từng nhóm học sinh.

Như trẻ tự kỷ, chậm phát triển chỉ cần làm quen với màu sắc, dán giấy và bước vào không gian để tự do sáng tạo những gì mình thích. Bạn nào có khả năng tiếp thu tốt sẽ được thử thách với bài phức tạp hơn. Dù chuẩn bị sẵn bài mẫu ở nhà nhưng cô giáo luôn háo hức chờ đợi ý tưởng từ các bạn nhỏ. Không ít tác phẩm khiến cô giáo ngạc nhiên bởi sự sáng tạo của trẻ khiếm khuyết.

"Thường khi yêu cầu vẽ ngôi nhà, nhiều bạn sẽ vẽ mái nhà hình tam giác cùng vài chiếc cửa sổ. Nhưng có bạn trong lớp đã vẽ thêm cả nông trại, có bạn vẽ ba mẹ ở ngoài sân. Dường như chỉ cần có đề bài và sự khơi gợi là thế giới muôn màu trong đầu mỗi bạn sẽ tung tẩy sáng tạo", Cúc chia sẻ.

Cô Trần Thị Kim Trâm, hiệu trưởng Trường giáo dục chuyên biệt Hy Vọng, kể cứ chiều thứ sáu hằng tuần, các bạn lại náo nức đến lớp học vẽ của cô Thu Cúc. "Trẻ đã có những tác phẩm độc đáo, sinh động mà mỗi tác phẩm đều thể hiện ý tưởng sáng tạo, ước mơ, khát vọng khám phá thế giới xung quanh", cô Trâm nói.

Những đứa trẻ của tôi mà nhiều người nghĩ không thể hoặc chỉ vẽ được những bức tranh đơn giản lại hoàn toàn có thể tạo ra những ý tưởng độc đáo. Đây như câu đố mà tôi rất muốn giải.

NGUYỄN THU CÚC

Càng gắn bó, Thu Cúc càng nhận ra học sinh của lớp nhạy bén và rất tình cảm. Có hôm không khỏe, Cúc nhờ người em gái sinh đôi đến dạy. Trong khi những giáo viên khác không nhận ra nhưng các bạn nhỏ trong lớp liền lập tức dùng ngôn ngữ ký hiệu hỏi: "Cô Cúc đâu?".

Ba mẹ không phản đối song từng hỏi "Bộ định đi dạy hoài vậy sao?" bởi mong con gái theo ngành kinh tế, làm việc văn phòng cho ổn định. Nhưng Cúc vẫn lặng lẽ xây dựng, có thu nhập cho bản thân và đội nhóm để gia đình thấy tin tưởng và ủng hộ nhiều hơn.

Cúc khoe những ngày đầu đi dạy đã tình cờ đọc được câu "Teaching is not a job, it's a calling" (tạm dịch: Dạy học không phải là một công việc, mà là một tiếng gọi). Câu ấy như chạm đến trái tim cô gái trẻ nên bạn không làm công việc này cho vui mà muốn theo đuổi hành trình một cách bền bỉ.

"Tôi thấy chục năm qua với mình là xứng đáng khi có thể mang thêm sắc màu cho cuộc đời của các bạn nhỏ kém may mắn", Cúc chia sẻ.

"Thương nhiều" đến với bệnh nhi

Chương trình "Thương nhiều" được Cúc phối hợp cùng Quỹ Mặt Trời thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6 mới đây đã thu hút trên 1.000 lượt người tham gia. Chương trình trải nghiệm nghệ thuật chủ đề "Dân gian Việt Nam" qua việc vẽ túi vải, trang trí quạt giấy, vẽ tranh... là các vật phẩm khá đơn giản để trẻ dù sức khỏe hạn chế cũng dễ dàng tham gia.

Các bạn đang tính toán tổ chức Trung thu dành riêng cho các bé mắc bệnh xương thủy tinh cùng các chương trình dịp Noel và Tết Nguyên đán. Nhóm đã tổ chức làm ly giấy tái chế, workshop làm lồng đèn từ chai nhựa thu hút nhiều người tham gia lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

10 năm gieo mầm sáng tạo cho trẻ đặc biệt - Ảnh 2.'Tâm hồn đẹp' của chuyên gia Google giúp bạn trẻ vượt qua rối loạn lo âu

Cô gái từng nhiều năm chiến đấu với rối loạn lo âu đã thành lập Tổ chức phi lợi nhuận Beautiful Mind VN hỗ trợ các bạn trẻ cũng gặp vấn đề như mình, hỗ trợ nâng cao nhận thức cộng đồng về tâm lý học lâm sàng và sức khỏe tâm thần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên