08/11/2019 10:06 GMT+7

1 tấn mía, Brazil tốn 16 USD, Úc 18 USD, Thái Lan 30 USD, còn VN 40-50 USD

GS VÕ TÒNG XUÂN (cố vấn nông nghiệp, Tập đoàn mía đường Thành Thành Công)
GS VÕ TÒNG XUÂN (cố vấn nông nghiệp, Tập đoàn mía đường Thành Thành Công)

TTO - Để được 1 tấn mía, nông dân Việt Nam phải tốn từ 40 đến 50 USD, trong khi nông dân Brazil chỉ tốn 16 USD, Úc tốn 18 USD, và Thái Lan chỉ tốn 30 USD. Vậy nên mới có 800 ngàn tấn đường nhập lậu...

1 tấn mía, Brazil tốn 16 USD, Úc 18 USD, Thái Lan 30 USD, còn VN 40-50 USD - Ảnh 1.

Thu hoạch mía kiểu thủ công, vận chuyển bằng ghe xuồng. Trong ảnh: bán mía ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), người trồng mía buồn xo vì không lời - Ảnh: CHÍ CÔNG

Hai năm qua, sản lượng đường trong nước dư, bán không hết. Nông dân đang tiếp tục bỏ cây mía trồng cây khác. Và khó khăn cho mía đường chưa dừng lại nếu không khẩn trương thay đổi…

Ngành mía đường của Việt Nam phải làm sao để cạnh tranh được với đường ngoại nhập? Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu ý kiến của GS Võ Tòng Xuân về vấn đề này.

Bao cái khó "bó" cây mía

Để được 1 tấn mía, nông dân Việt Nam phải tốn từ 40 đến 50 USD, trong khi nông dân Brazil chỉ tốn 16 USD, Úc tốn 18 USD, và Thái Lan chỉ tốn 30 USD. Việt Nam đã có Nông trường Thành Long từng sản xuất mía giá thấp tương đương với mía Thái Lan do trồng đúng kỹ thuật tiên tiến. Nhưng cách trồng này chưa được nhân rộng. Nông dân Việt Nam vẫn trồng mía theo tập quán đã lỗi thời trên hàng chục ngàn mảnh đất nhỏ.

Giá mía nguyên liệu đã cao, máy móc thiết bị của phần lớn các nhà máy đường lại cũ kỹ. Giá đường của chúng ta cao hơn các nước do nhiều nguyên nhân: sản lượng và chất lượng cây mía thấp, giá thành sản xuất mía cao, công nghệ nhà máy luyện đường phần lớn cũ kỹ, hiệu suất thấp...

Kỹ thuật trồng mía hầu hết theo kinh nghiệm "cổ truyền". Hiếm thấy báo cáo khoa học của ngành mía đường Việt Nam tại các hội nghị quốc tế về cây mía. Trong 6 trường đại học vùng có ngành nông nghiệp ở nước ta, không trường nào đào tạo ngành kỹ thuật mía đường trong khi các quốc gia sản xuất đường mía đều đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này.

Ngoại trừ một số rất ít nông trường có từ vài trăm đến hàng ngàn hecta đã chuyển sang trồng mía cơ giới hóa, hầu hết phần diện tích mía trồng đan xen với nông sản khác. Địa phương đành "nhắm mắt" cho dân phá quy hoạch vì không nỡ bắt dân phải chịu lợi tức thấp vì trồng mía. Và chuyện thiếu nước tưới cho mía vào mùa khô (mùa trồng mía) là hệ lụy trước tiên của sự phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng cây mía.

1 tấn mía, Brazil tốn 16 USD, Úc 18 USD, Thái Lan 30 USD, còn VN 40-50 USD - Ảnh 2.

Người dân đang thu hoạch mía đường - Ảnh: TTO

Giống mía hiện cũng không ổn định. Việc du nhập không chính thức giống mía không qua kiểm dịch thực vật nên làm lây lan mầm bệnh. Hầu hết nông dân không biết xử lý hom giống bằng nước nóng hoặc thuốc diệt khuẩn trước khi trồng, khi nguồn giống đã nhiễm bệnh thì trở tay không kịp. Phần lớn đất mía do dịch vụ máy cày thực hiện, chỉ cày khoảng 20cm, rễ mía khó phát triển tối hảo, phân bón không được giữ sâu trong vùng rễ.

Diện tích trồng mía manh mún như hiện nay gây khó cho cơ giới hóa. Chăm sóc mía trên từng ruộng nhỏ rất phí công vẫn không chu toàn được. Việc bón dư phân đạm khuyến khích chồi non phát triển nhưng lượng đường trong cây bị chuyển hóa, làm giảm chữ đường.

Nạn thu hoạch mía non để chạy lũ thường xuyên xảy ra tại các vùng lấy đất lúa làm đất mía. Thu hoạch mía kiểu thủ công, nhân công chặt mía thường không chặt sát gốc, họ bỏ lại khoảng 10cm phần gốc là phần chứa nhiều đường nhất, nên lãng phí khoảng 1 tấn đường/ha.

Khẩn trương tổ chức lại ngành mía đường

Cần khẩn trương tổ chức lại ngành mía đường Việt Nam với những đầu tư đích đáng. Nông dân trồng mía Việt Nam cần khắc phục nguyên nhân kỹ thuật để cây mía đạt chữ đường cao hơn. Cần được hướng dẫn chính xác liều lượng và loại phân bón cùng thời gian bón phân (sau khi phân tích mẫu đất). 

Đất trồng phải được cày sâu đúng kỹ thuật, tưới nước đủ và tuyệt đối không bón phân sau ngày thứ 150 kể từ khi chồi gốc đã vươn lên. Có thể gieo hạt trồng đậu nành xen giữa hai hàng mía để tăng chất hữu cơ và dưỡng chất cho mía, tăng lợi tức cho nông dân và giúp Việt Nam tiết kiệm ngoại tệ nhờ giảm lượng đậu nành nhập khẩu.

Công tác nghiên cứu khoa học cho cây mía Việt Nam phải được đẩy mạnh từ việc nghiên cứu giống mía, loại bỏ giống nhiễm bệnh, xác định nhu cầu phân bón của các giống, nghiên cứu chế độ bón phân kết hợp thời gian trồng và thời điểm thu hoạch.

Bây giờ, ngay cả nhân công chặt mía cũng rất hiếm, cây mía Việt Nam cũng phải được cơ giới hóa. Chúng ta cần có những cánh đồng lớn hàng trăm hecta. Người trồng mía bắt buộc phải dồn điền, đây là điều kiện tối cần để cho cơ giới hóa cây mía. Cơ giới hóa cây mía đòi hỏi phải quy hoạch lại vùng mía với kỹ thuật tiến bộ hơn. Tốt nhất, nông dân nên tổ chức thành hợp tác xã, xã viên dồn điền để cơ giới hóa. Cây mía đủ sức cạnh tranh của Việt Nam phải là mía trồng diện tích lớn, nông dân sẽ hưởng lợi cao hơn trồng mía thủ công manh mún và nông dân trồng mía mới có đời sống sung túc lâu dài.

1 tấn mía, Brazil tốn 16 USD, Úc 18 USD, Thái Lan 30 USD, còn VN 40-50 USD - Ảnh 3.

Người dân thu hoạch mía theo hình thức đơn sơ - Ảnh: TTO

Đối với ngành mía đường, cần tập trung đầu tư đổi mới công nghệ cho các nhà máy, nghiên cứu và ứng dụng triệt để các kết quả nghiên cứu khoa học trên các vùng quy hoạch mía, tăng năng suất và chất lượng mía mới tăng sức cạnh tranh cho ngành đường.

Chính sách cần cho ngành đường

Nhiều quốc gia sản xuất đường mía cũng từng điêu đứng sau cơn bão sụt giá của đường cát trắng. Nhiều thời điểm, giá đường quốc tế chỉ xê xích từ 6.800-8.500 đồng/kg, giá đường buôn lậu từ Thái Lan chỉ có 8.000 đồng/kg, những người buôn lậu mang sang Việt Nam tiêu thụ ở vùng nông thôn với giá 10.000 đồng/kg, trong khi đường trắng "mới ra lò" của các nhà máy đường Việt Nam giá thành đã trên 12.500 đồng/kg.

Lượng đường tồn kho cả nước Việt Nam lên đến hơn 0,5 triệu tấn vào cuối năm 2018. Đến cuối năm 2019, giá chính thức của đường ngoại nhập chắc chắn còn rẻ hơn đường Việt Nam. Trước thực tế này, cần thành lập một tổ chức chuyên biệt của Nhà nước điều hành đường mía.

Chính sách đối với cây mía Việt Nam cần được làm rõ để giải quyết: cần có trọng tài về chia thu nhập giữa người trồng mía và nhà máy đường, trợ vốn cho cơ giới hóa, dồn điền cơ giới hóa sản xuất lớn. Cần có tiêu chuẩn chuyên chở mía đến nhà máy, xác định chữ đường, xác định khối lượng đường lưu thông nội địa và giá đường trong từng thời điểm.

Doanh nghiệp mía đường Việt mở rộng thị trường Đông Dương Doanh nghiệp mía đường Việt mở rộng thị trường Đông Dương

TTO - Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar; HoSE: SBT) cho hay vừa ký hợp đồng quản lý, bảo dưỡng và khai thác tài sản.

GS VÕ TÒNG XUÂN (cố vấn nông nghiệp, Tập đoàn mía đường Thành Thành Công)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên