31/10/2019 12:09 GMT+7

800.000 tấn đường lậu về Việt Nam một năm, cây mía Việt 'chết đứng'

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Trong năm 2019, ước tính lượng đường lậu về Việt Nam lên tới 800.000 tấn. Giá mía xuống thấp, nông dân thua lỗ nặng buộc phải bỏ trồng cây mía, chuyển sang các loại cây khác.

800.000 tấn đường lậu về Việt Nam một năm, cây mía Việt chết đứng  - Ảnh 1.

Nhiều nhà máy sản xuất đường trong nước cho biết đã gặp nhiều khó khăn do đường lậu được nhập và bán tràn lan - Ảnh: TR.MẠNH

Giá mua mía của các nhà máy đường liên tục giảm trong những năm qua khiến người trồng thua lỗ nặng. Nguyên nhân chính là do lượng đường nhập lậu về quá nhiều nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang bất lực trong việc kiểm soát.

Trong năm 2019, ước tính lượng đường lậu về Việt Nam lên tới 800.000 tấn nhưng từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng mới chỉ bắt được vỏn vẹn 3.000 tấn.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam, do Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tổ chức ngày 30-10.

Nhà máy chết, nông dân cũng tiêu

Ông Lê Văn Quang, phó tổng giám đốc Công ty Mía đường Lam Sơn, cho biết niên vụ 2015-2016, khi đường lậu về Việt Nam không nhiều, giá bán đường của các nhà máy ở mức 15.000-16.000 đồng/kg, công ty cũng mua mía của nông dân với giá 1.150.000 đồng/tấn.

Thế nhưng các năm qua đường lậu về nhiều, giá bán đường của các nhà máy giảm liên tục, giá mua mía của nông dân cũng giảm theo.

Giá mía giảm còn 1 triệu đồng/tấn, 900.000 đồng/tấn, rồi 800.000 đồng/tấn như niên vụ vừa qua. "Các nhà máy đường đã chuẩn bị cho cạnh tranh hơn 10 năm qua bằng đổi mới công nghệ, đầu tư vùng nguyên liệu, tận dụng bã mía phát điện, làm phân bón... để giảm giá thành. Đến nay, giá thành đường của Việt Nam không cao hơn so với Thái Lan nhiều, nhưng chúng tôi không thể cạnh tranh với đường lậu được", ông Quang cho biết.

Đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. Bằng chứng là trong hơn 2 năm nay, 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ. Tổng diện tích mía nguyên liệu đã giảm 30-60% so với các năm trước.

Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư trồng mía 70 triệu đồng/ha nhưng thu được 30-40 triệu/ha khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng trồng càng lỗ. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

Theo các chuyên gia mía đường, từ 1-1-2020, thuế nhập khẩu đường từ khu vực ASEAN sẽ được bãi bỏ sẽ càng tạo thêm gánh nặng cho ngành mía đường trong nước để cạnh tranh.

Đường nhập lậu sẽ giảm đi nhưng vẫn còn và tiếp tục đe dọa khoảng 1 triệu nông dân trồng mía trong cả nước, nếu như công tác phòng chống buôn lậu không có những giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn so với hiện nay.

Sẽ truy bắt các trùm buôn lậu đường

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho biết tình hình buôn lậu ngày càng diễn biến phức tạp và mở rộng về quy mô cũng như địa bàn hoạt động. Trong đó, đối tượng buôn lậu ngày càng trở nên manh động, không sợ lực lượng chức năng, thậm chí còn chống lại lực lượng thi hành công vụ để đòi người, đòi hàng khi bị bắt.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho rằng lượng đường nhập lậu rất lớn trong khi số vụ bắt giữ và xử lý chưa tương xứng với thực tế. Nhiều vụ bắt giữ xong thả ra, các đối tượng buôn lậu lại núp bóng để buôn lậu tiếp. Bên cạnh đó là việc thực thi trách nhiệm của một số cơ quan chức năng ở địa phương thiếu nghiêm túc, thậm chí có tình trạng tiếp tay cho buôn lậu đường.

"Vẫn có một số hiện tượng buông lỏng quản lý, có sự tiếp tay của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, đặc biệt trên các tuyến An Giang, Long An, Tây Ninh, một phần Quảng Trị", ông Cẩn nói. Đồng thời cho biết trong thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 sẽ có các kế hoạch chuyên đề, chuyên án làm mẫu xử lý trách nhiệm từng khâu, từng cấp.

Theo đó, công an các địa phương sẽ xác lập chuyên án đấu tranh, lực lượng hải quan, biên phòng tăng cường kiểm tra, nội địa là công an. Khi phát hiện đường lậu lọt vào nội địa sẽ truy xuất để xem đường lậu vào qua ngả nào, thuộc trách nhiệm của hải quan hay biên phòng để có biện pháp xử lý. Để buôn bán đường lậu ở nội địa là trách nhiệm của quản lý thị trường, công an các quận huyện, tỉnh, thành phố.

Theo đại diện của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), tình trạng buôn lậu đường thời gian qua không giảm là do các vụ bắt đường lậu chỉ dừng lại ở các đối tượng mang vác nhỏ lẻ ở các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Đây đơn thuần chỉ là người dân địa phương vì miếng cơm manh áo phải đi làm thuê cho các đầu nậu để kiếm sống.

"Mỗi tỉnh ở biên giới phía Nam có một hoặc một số trùm buôn lậu đường quy mô lớn nhưng chưa bị điều tra, xử lý. Phải tổ chức các chuyên án điều tra các trùm đường lậu này mới có hiệu quả trong công tác chống đường lậu", vị này nói.

Nhiều thủ đoạn buôn lậu đường

Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói sau công đoạn đóng bao mới đường lậu thành đường nội địa đem đi tiêu thụ. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu đang dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác.

Do đó, các đối tượng này sẵn sàng đưa ra giá đấu thầu rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn đưa bao bì in trong nước sang bao ở nước ngoài (Campuchia), sau đó cho đường lậu khoác bao bì Việt Nam rồi ung dung nhập về.

Nếu không bị bắt quả tang, cơ quan chức năng rất khó chứng minh là đường lậu khi đã vào nội địa. Một khi hàng qua hết biên giới, có hóa đơn là hợp pháp, các cơ quan chức năng rơi vào hoàn cảnh "biết mà không làm gì được".

Đồng Nai: thua lỗ liên tục, nông dân giã từ cây mía

Sau khi kết thúc niên vụ mía đường 2018-2019, Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An tạm dừng hoạt động, nông dân trồng mía tại huyện Vĩnh Cửu buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác.

"Trước đây toàn xã Trị An có 56ha mía nhưng sau khi kết thúc niên vụ vừa rồi, nhà máy đường thông báo dừng hoạt động nên người dân trồng mía đã chuyển đổi sang cây trồng khác" - ông Nguyễn Thúc Quân, lãnh đạo UBND xã Trị An, cho biết.

Tương tự, diện tích mía tại huyện Định Quán - vùng nguyên liệu chính cho Công ty CP Mía đường La Ngà - cũng giảm mạnh. Ông Ngô Tấn Tài, phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, thừa nhận diện tích trồng mía thực tế toàn huyện chỉ từ 300-400ha, thấp hơn rất nhiều so với quy hoạch và diện tích đất được giao.

"Nhiều hộ dân ký kết hợp đồng thuê đất để trồng mía nhưng lại chuyển đổi cây trồng khác, địa phương đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm cam kết. Công ty mía đường vừa khởi kiện 4 hộ trồng mía ra tòa án do làm không đúng với cam kết" - ông Tài nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Hải - phó tổng giám đốc Công ty CP Mía đường La Ngà - cho biết công ty được UBND tỉnh Đồng Nai cấp hơn 3.000ha đất để xây dựng vùng nguyên liệu nhưng do dân chưa kịp trồng nên xảy ra tình trạng thiếu hụt. Do đó, công ty đang có kế hoạch gom những ruộng mía nhỏ hợp thành các cánh đồng lớn.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, diện tích mía trên địa bàn liên tục giảm trong nhiều năm qua, trong đó niên vụ 2019 -2020 chỉ còn 6.739ha, giảm hơn 2.600ha so với niên vụ 2015-2016, do giá bán mía thấp hơn giá thành sản xuất.

"Chi cục có khuyến khích người dân trồng mía chuyển đổi sang giống cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn", một cán bộ của cơ quan này cho biết. (A LỘC)

Bình Định: "phá sản" kế hoạch trồng 6.000ha mía

Ông Đào Văn Hùng, phó giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Bình Định, cho biết diện tích mía trên địa bàn liên tục sụt giảm trong 4 năm gần đây, chỉ còn khoảng 400ha trong niên vụ 2019-2020, giảm đến 60% so với niên vụ 2018-2019. Nguyên nhân do giá mía xuống quá thấp, việc tiêu thụ khó khăn và đặc biệt là Nhà máy đường tỉnh Bình Định đã ngưng hoạt động từ năm 2017 đến nay.

"Nhà máy đường Bình Định ngừng hoạt động nên Nhà máy đường tỉnh Gia Lai đã xuống thu mua mía, nhưng thêm phí vận chuyển 200.000 đồng/tấn. Giá bán đã thấp nay lại phải thêm phí vận chuyển nên bà con chán nản, chuyển đổi qua cây trồng khác có thu nhập cao hơn" - ông Hùng nói. Đồng thời cho biết đề án quy hoạch vùng nguyên liệu mía thâm canh của tỉnh đến năm 2020, với diện tích toàn địa bàn lên tới 6.000ha, đang đứng trước nguy cơ phá sản. (THÁI THỊNH)

Nông dân trồng mía điêu đứng vì đường lậu hoành hành Nông dân trồng mía điêu đứng vì đường lậu hoành hành

TTO - Trong khi các doanh nghiệp ngành đường cùng hàng chục ngàn hộ nông dân trồng mía khốn đốn vì hàng tồn kho kỷ lục, nạn đường lậu cứ mãi hoành hành suốt tuyến biên giới Tây Nam. Cơ quan chức năng biết rõ nhưng... "rất khó xử lý". Vì sao?

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên