World Bank Vietnam đã thực hiện một cuộc khảo sát 6.000 người trên toàn quốc mang tên Điều tra quốc gia về sử dụng thời gian năm 2022.
Kết quả khảo sát này đã cho thấy sự chênh lệch rõ rệt về việc phân bổ thời gian giữa công việc trả lương và không trả lương giữa hai giới.
Kết quả sơ bộ cho thấy hầu hết nữ giới phải dành thời gian hằng ngày cho công việc nhà. Trong khi đó, tỉ lệ này ở nam giới chỉ là 55%.
Đáng chú ý, mỗi ngày nữ giới phải dành nhiều thời gian hơn (3 giờ) so với nam giới (1 giờ 42 phút) để làm việc nhà.
Ngoài ra, 45% nữ giới tham gia công việc chăm sóc gia đình, trong khi chỉ có 24% nam giới tham gia.
Trong khi đó, trung bình gần 1/3 phụ nữ ở Việt Nam không có thời gian giải trí trong ngày.
Tài khoản Facebook Hang Tran nhận xét: "Quan trọng không phải bao nhiêu thời gian mỗi giới làm việc nhà, mà quan trọng là thái độ của hai phái đối với việc nhà".
"Rất mong có nhiều thêm cuộc khảo sát như vậy để có căn cứ, số liệu, từ đó đưa ra lời khuyên, chính sách phù hợp và nâng cao chất lượng cuộc sống của cả hai phái", tài khoản Hương Lan chia sẻ.
"Tại các khu vực thành thị, khu vực dân trí cao thông qua phổ cập kiến thức, tuyên truyền, nhận thức về xã hội, về bình đẳng giới tiến bộ hơn so với các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Ở mặt bằng chung, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng cuộc sống cho cả hai phái.
Điều đầu tiên cần đấu tranh loại bỏ là bạo lực gia đình dù là hình thức nào, lý do nào.
Cả hai phái cần có cuộc sống ổn định, an toàn, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, trước khi hướng dẫn cuộc sống tận hưởng, vì chính bản thân", chị Nguyễn Thị Ngọc Minh (33 tuổi, TP.HCM) cho biết.
"Trước khi có các chính sách hoàn thiện về mặt vĩ mô, chúng ta có thể cải thiện trên diện vi mô, ngay trong chính gia đình. Phụ nữ đầu tiên phải có nền tảng tri thức cơ bản, có việc làm ổn định và độc lập tài chính.
Đó là cơ sở để họ tự tin làm tốt những việc mình muốn làm và cả những sứ mệnh, trách nhiệm trong cuộc sống.
Họ cần năng động, chủ động bước ra ngoài xã hội, phát huy tài năng, gặp gỡ nhiều người và chăm sóc cho riêng bản thân mình", anh Vũ Thiện Nhân (55 tuổi, TP.HCM) bày tỏ.
Những kết quả từ cuộc khảo sát này hỗ trợ thiết kế các chính sách nhằm đảm bảo bình đẳng giới. Cuộc khảo sát này do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự tài trợ từ Tổng lãnh sự quán Úc tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận