Tuổi Trẻ đã trao đổi với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan về quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy các phường, xã cũng như các chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư.
Giảm 39 phường
* Thưa ông, TP.HCM đã trải qua nhiều cuộc sáp nhập, chia tách địa giới hành chính. Năm 1997, TP giải thể huyện Thủ Đức để thành lập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Đến năm 2020, TP sáp nhập ba quận này thành TP Thủ Đức. Vậy ý nghĩa của những cuộc sắp xếp đơn vị hành chính này là gì?
- Trong mỗi giai đoạn, xuất phát từ yêu cầu và thực tiễn phát triển mà các thế hệ lãnh đạo TP đã chủ động kiến nghị trung ương cho phép sắp xếp các đơn vị hành chính. Việc này nhằm mục tiêu quản trị, điều hành các đơn vị hành chính phù hợp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời tạo điều kiện để các địa phương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thực tế các đơn vị hành chính sau chia tách đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Thời gian qua, thực hiện nghị quyết 35 UBND TP.HCM tổ chức rà soát thực tiễn, xem xét các yếu tố đặc thù của từng địa phương và thực hiện sắp xếp theo hướng linh hoạt, bao gồm cả các đơn vị không thuộc diện sắp xếp.
Ngược lại, có những đơn vị thuộc diện sắp xếp nhưng do nhiều yếu tố không thuận lợi, TP cũng mạnh dạn đề nghị chưa sắp xếp giai đoạn này, chuyển sang giai đoạn sau.
Tuy nhiên có thể khẳng định rằng mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn này là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm khắc phục tình trạng một số đơn vị chưa đảm bảo tiêu chí, phân tán nguồn lực, không khai thác hết tiềm năng của địa phương, cản trở công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn.
* Như vậy việc sắp xếp các phường hiện nay của TP.HCM để vừa tinh gọn bộ máy vừa đảm bảo ổn định?
- Nếu xét các yếu tố thì TP.HCM hiện có 120 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Tuy nhiên, giai đoạn 2023-2025 TP.HCM chỉ sắp xếp 80 phường thành 41 phường, giảm 39 phường. Sau khi sắp xếp các phường, TP.HCM sẽ giảm từ 322 phường, xã, thị trấn xuống còn 273 phường, xã, thị trấn.
Những đơn vị không sắp xếp thuộc diện có yếu tố đặc thù. Các đơn vị này đều có vị trí biệt lập, bị ngăn cách bởi các tuyến đường lớn, một số địa bàn là trọng điểm quốc phòng, có đặc thù về văn hóa dân tộc như phường Nguyễn Thái Bình, Phạm Ngũ Lão, Cô Giang của quận 1.
Hay phường 4, phường 9, phường 14 của quận 5 có văn hóa, tiếng nói, phong tục riêng biệt hoàn toàn khác biệt với các phường còn lại.
Trong 80 phường thuộc diện sắp xếp, thực tiễn TP rất khó đáp ứng ba tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Các phường của TP.HCM có diện tích nhỏ nhưng dân số đông.
Do đó TP đề xuất sắp xếp các đơn vị hành chính đảm bảo ít nhất hai tiêu chí là trình độ phát triển kinh tế - xã hội và quy mô dân số. Bên cạnh đó cố gắng sắp xếp để mỗi quận có ít nhất 10 phường trở lên. Giai đoạn 2023-2025, TP.HCM không đề xuất sắp xếp các quận huyện.
Tinh gọn bộ máy, tái cấu trúc đô thị
* Với những phường thuộc diện sắp xếp, lãnh đạo TP.HCM đã có những chỉ đạo gì để sớm tái cấu trúc bộ máy, ổn định đời sống người dân?
- Hiện nay 80 phường thuộc 10 quận đang tiến hành quá trình sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, chỉ định ban chấp hành, bí thư, phó bí thư cấp ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường mới.
Bên cạnh đó các địa phương cũng tổ chức thống kê, rà soát cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, các dự án đầu tư… Những công việc này lãnh đạo TP.HCM yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 12-2024, để từ ngày 1-1-2025 các phường mới chính thức hoạt động.
Sau đó các đơn vị mới tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức. Sau sắp xếp sẽ có 1.022 nhân sự dôi dư. Bên cạnh những chính sách chung của trung ương, TP đã xây dựng các chính sách hỗ trợ cho nhân sự dôi dư.
* Việc sắp xếp bộ máy cơ sở góp phần thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy của trung ương nhưng với đô thị lớn như TP.HCM, nên chăng cần có những chính sách tái cấu trúc đô thị, mở ra thêm các không gian, động lực phát triển mới?
- Trong giai đoạn 2023-2025, TP.HCM không đề xuất sắp xếp các quận huyện vì TP.HCM đang thực hiện đề án phát triển các huyện thành quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM.
Định hướng của lãnh đạo TP.HCM là đến năm 2030, TP.HCM vẫn giữ nguyên 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức. Trong giai đoạn này, TP củng cố, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật các địa phương, phát triển đô thị đa trung tâm, kết nối bằng hệ thống đường sắt đô thị, khắc phục tình trạng phát triển đô thị theo "vết dầu loang".
Giai đoạn 2030-2040, TP.HCM sẽ hình thành các vùng đô thị gồm đô thị trung tâm, TP Thủ Đức nằm ở phía đông, các thành phố phía nam, tây bắc, tây nam...
* Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy của trung ương, hiện nay kế hoạch của TP.HCM như thế nào, thưa ông?
- TP đang khẩn trương thực hiện các kết luận chỉ đạo của trung ương và sẽ hoàn thiện các đề án để trình cấp có thẩm quyền kết luận trong tháng 12-2024 để thực hiện.
Ngoài chế độ của trung ương, TP.HCM sẽ trợ cấp thêm
Theo phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm, đến 1-1-2025 phải hoàn tất bố trí bí thư, chủ tịch UBND phường mới.
Số lượng nhân sự dôi dư sẽ được sắp xếp theo phương án nhân sự của từng quận. Số nhân sự dôi dư này có thể được điều động đến vị trí khác, về các phòng, ban của quận còn thiếu nhân sự hoặc tiếp nhận để làm công chức.
Tại kỳ họp cuối năm, HĐND TP.HCM đã thông qua các chính sách hỗ trợ các nhân sự bị dôi dư.
Cán bộ, công chức phường phải nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính, ngoài chế độ của trung ương thì TP.HCM sẽ trợ cấp thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác và từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm công tác sẽ được cấp thêm nửa tháng lương.
Ngoài ra HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về đổi tên 283/634 khu phố; giao 2.732 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại 41 phường mới.
Cơ bản giấy tờ của dân không bị ảnh hưởng
Đến 1-1-2025, 41 phường mới tại TP.HCM sẽ hoạt động. Hiện các phường đang tất bật rà soát, tái cấu trúc bộ máy. Tại quận Phú Nhuận, phường 3 và phường 4 sẽ sáp nhập thành phường 4.
Theo Chủ tịch UBND phường 4 Huỳnh Văn Vũ, hiện nay cơ bản giấy tờ của người dân sẽ không ảnh hưởng. Bởi khi hai phường sáp nhập thì giữ tên một phường, hạn chế thấp nhất sự xáo trộn của người dân.
Theo phương án sắp xếp, quận 8 sẽ thành lập hai phường mới trên cơ sở sáp nhập 5 phường. Phường Rạch Ông sẽ được thành lập từ việc sáp nhập phường 1, phường 2 và phường 3.
Bí thư Quận ủy quận 8 Trần Thanh Tùng cho biết sau sắp xếp quận 8 sẽ giảm từ 16 phường xuống còn 10 phường. Dự kiến đến cuối tháng 12 sẽ tổ chức lễ công bố các phường mới và chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 1-1-2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận