31/10/2014 09:05 GMT+7

​Nơi đây, Huỳnh Khương An đã sống

HẢI LINH
HẢI LINH

TT -  Ngày 24-10, thành phố Paris làm lễ tưởng nhớ và dựng bia kỷ niệm liệt sĩ Huỳnh Khương An tại nhà ông ở trước đây, số 6 đường Porte de Brancion thuộc quận 15.

Quang cảnh lễ tưởng niệm Huỳnh Khương An tại Paris - Ảnh: L.P.TÂN
Quang cảnh lễ tưởng niệm Huỳnh Khương An tại Paris - Ảnh: L.P.TÂN

73 năm trước, ngày 22-10-1941, tại mỏ đá Sablière thuộc thị xã Chateaubriant miền tây nước Pháp, quân đội Đức quốc xã xử bắn 27 người kháng chiến cộng sản, trong đó có một người Việt Nam tên Huỳnh Khương An,  29 tuổi, nhà giáo. 

Thay mặt thị trưởng Paris Anne Hidalgo, phó thị trưởng phụ trách về ký ức lịch sử và cựu chiến binh Catherine Vieu-Charier, các đại diện của thị trưởng quận 15, của Hội Ái hữu Chateaubriant cùng với đại sứ Dương Chí Dũng, đại diện Nhà nước Việt Nam và gia đình của Huỳnh Khương An, đã khánh thành bia đá có ghi khắc:

Nơi đây, Huỳnh Khương An, bí danh Luisne (1912-1941), đã sống. Nhà giáo và kháng chiến cộng sản, ông bị bắt giam vào trại Choisel ở Chateaubriant và bị xử bắn cùng với 26 con tin khác ngày 22-10-1941.

Sinh ở Sài Gòn năm 1912, Huỳnh Khương An là con út của nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh (1890-1950), quê ở làng Thắng Tam, Vũng Tàu (hiện cả TP.HCM lẫn Vũng Tàu đều có đường mang tên Huỳnh Khương An). Được gia đình đưa sang Pháp du học lúc 12 tuổi, Huỳnh Khương An là học sinh nội trú trường trung học Lycée du Parc ở thành phố Lyon.

Tốt nghiệp cử nhân văn khoa Trường đại học Toulouse, Huỳnh Khương An lên Paris năm 1938 để chuẩn bị kỳ thi thạc sĩ, cùng lúc ông được bổ nhiệm làm giáo sư thực tập ở Trường trung học Carnot ở Versailles.

Sớm dấn thân vào phong trào cộng sản, Huỳnh Khương An từng làm bí thư Đoàn sinh viên cộng sản Lyon và tổ chức phong trào sinh viên hỗ trợ cuộc đình công của công nhân nhà máy xe Berliet.

Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, các tổ chức cộng sản bị giải thể, ông bước vào hoạt động bí mật ở Paris cho đến tháng 6-1941 thì bị bắt. Sau vụ ám sát sĩ quan Đức tháng 10 ở Nantes, quân đội Đức trả đũa bằng cách hành quyết 27 người cộng sản đang bị giam giữ ở Chateaubriant.

Tấm bia ghi khắc: Nơi đây, Huỳnh Khương An, bí danh Luisne (1912-1941), đã sống ... - Ảnh: L.P.Tân
Tấm bia ghi khắc: Nơi đây, Huỳnh Khương An, bí danh Luisne (1912-1941), đã sống ... - Ảnh: L.P.Tân

Đại sứ Việt Nam Dương Chí Dũng cho rằng: “Sự hi sinh của Huỳnh Khương An biểu tượng cho ý chí bất khuất của kháng chiến Pháp, cho khát vọng chung về hòa bình và tự do của các dân tộc. Đó là biểu tượng của đoàn kết quốc tế”.

Còn theo bà Anne Hidalgo: “Đấu tranh của Huỳnh Khương An vẫn là đấu tranh của chúng ta. Chức năng của ký ức lịch sử và tưởng niệm chính là huy động các nghị lực trong các cuộc chiến đấu hiện tại và tương lai nhằm chống lại tất cả những gì làm nhân phẩm bị tổn thương”.

Cần rất nhiều dũng cảm để sống

Trong bức thư tuyệt mệnh gửi người bạn đời Germaine Barjon, cũng là người cộng sản và bị bắt cùng lúc với ông, Huỳnh Khương An có viết: “Hãy can đảm lên, em yêu của anh. Đây chắc là lần cuối cùng anh viết cho em.

Ngày hôm nay, anh sẽ lìa đời. Anh và các bạn, khoảng hai mươi đồng chí, đang bị tạm giam trong một gian nhà trống, sẵn sàng hi sinh trong tư thế dũng cảm và nhân cách. Em sẽ không hổ thẹn vì anh. Em sẽ cần rất nhiều dũng cảm để sống, nhiều hơn là anh cần để chết.

Nhưng nhất định em phải sống. Bởi vì con, đứa con trai bé nhỏ của chúng ta; khi nào gặp lại con, em hãy hôn nó cho anh, thật chặt. Từ nay, em phải sống bằng kỷ niệm, những kỷ niệm tươi đẹp của chúng ta, năm năm trời hạnh phúc ta đã sống với nhau. Vĩnh biệt, em yêu”.

HẢI LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên