08/01/2016 12:24 GMT+7

Học sinh béo phì tăng vọt, đừng tưởng trẻ không tăng huyết áp

MINH HUYỀN - MỸ DUNG
MINH HUYỀN - MỸ DUNG

TTO - Nhiều người cứ nghĩ trẻ em thì không bị tăng huyết áp. Nhưng giờ đây, con số 15% học sinh từ tiểu học tới trung học phổ thông trên địa bàn TP.HCM bị tăng huyết áp đã cho thấy một thực tế đáng báo động.

Những món ăn béo ngậy, nhiều phô mai là sở thích của trẻ em - Ảnh: Minh Huyền

Đây là phát biểu của bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp trong hội thảo “Đánh giá phần mềm dinh dưỡng học sinh” do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM tổ chức.

Theo báo cáo của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, tỷ lệ học sinh tiểu học, THCS, THPT bị tăng huyết áp lần lượt là 13,4%, 16,9%, 19,1%. Trong đó, nam sinh chiếm tỷ lệ cao hơn nữ sinh, nội thành chiếm tỷ lệ cao hơn ngoại thành và vùng ven.

Béo phì là nguyên nhân tăng huyết áp

Học sinh bị thừa cân, béo phì tăng "nhảy vọt"

Từ năm 2009 đến năm 2014, học sinh phổ thông các bậc học bị thừa cân, béo phì đã “nhảy vọt” từ 18,6% lên 41,1%.

Ở trẻ dưới 5 tuổi, thừa cân, béo phì chiếm 21,9%; lứa tuổi tiểu học, con số này lên đến 51,8%; độ tuổi THCS là 33,5% và THPT có 19,5% học sinh bị thừa cân, béo phí.

Xét theo giới thì tình trạng thừa cân, béo phì ở nam sinh nhiều hơn nữ sinh, với tỉ lệ 48,9% ở nam và 33,8% ở nữ.

Việc tăng huyết áp ở học sinh phổ thông sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe học đường, nhất là ảnh hưởng lên sức khỏe tim mạch. Sự tăng bất thường về huyết áp trong giới học sinh phổ thông TP.HCM  được cho là hậu quả của thừa cân, béo phì.

Trong khi đó, thừa cân, béo phì lại liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống và tập luyện của các em học sinh. Cụ thể là việc ăn uống không đúng giờ và làm dụng thức ăn nhanh.

“Nếu quan sát kĩ sẽ thấy cửa hàng thức ăn nhanh đông nhất là vào giờ tan học hoặc ngày nghỉ. Đó là lúc phụ huynh mua thức ăn nhanh cho con em họ ăn để nạp năng lượng tiếp tục đi học thêm. Có những cháu ăn cả tuần đến nỗi tôi quen mặt. Hoặc có cháu thì bác xe ôm được gửi tiền sẵn để mua gà rán, bánh mì, khoai tây chiên rồi chở cháu đi học luôn. Đứng trên sân thượng thì tôi cũng thấy được quang cảnh thức ăn nhanh bủa vây trường học”, bà T.M.T (65 tuổi, ngụ quận 10) cho biết.

Một phụ huynh đang đón con trước cổng trường THPT Nguyễn Du (quận 10) than phiền: “Trước cổng trường thôi cũng là có hai cửa hàng tiện lợi và vô số các quán ăn vặt nên tôi không thể kiểm soát được việc con mình đã ăn những gì. Như mọi người đều thấy qua cửa kính, thức ăn mà các cháu chọn mua là mì gói, bánh kẹo, kem, nước ngọt, xúc xích, trà sữa. Tôi đứng nãy giờ có thấy cháu nào mua trái cây hay sữa đâu. Toàn những thứ có chất bảo quản và dễ làm tăng cân”.

“Sáng em ăn xôi hoặc bánh mì. Trưa thì ăn cơm ở trường nhưng phần cơm chỉ có mấy cọng rau, canh thì nhiều nước hơn cái, tráng miệng là một lát dưa hấu hoặc nửa quả chuối. Em ăn khỏe nên xin rất nhiều cơm trắng ăn thêm. Chiều ăn nhanh bánh ngọt hoặc mì xào. Tối muộn đi học thêm về em mới ăn cơm tối. Ăn nhanh, học nhanh để còn đi ngủ. Em nghĩ việc ăn uống không giờ giấc, ăn quá nhiều tinh bột do nhu cầu năng lượng, uống ít nước và không ăn rau là nguyên nhân làm em bị tăng cân, dễ mệt mỏi”, em Trần Phú T. (học sinh lớp 11, ngụ quận 5) chia sẻ.

Ngoài chế độ dinh dưỡng thì giờ giấc sinh hoạt cũng là vấn đề khiến các em bị béo phì. “Do ôn thi lớp 12 nên em học khuya, ăn khuya rồi đi ngủ luôn nên có thể em tăng cân là vì lí do đó. Nặng bụng thì rất khó ngủ nhưng còn hơn là đói run tay. Sáng dậy cũng mệt mỏi và bụng vẫn đầy thì em lại bỏ bữa sáng. Nói chung khi nào đói thì em ăn. Em nghĩ không chỉ mình em mà nhiều bạn khác cũng có thời gian ăn uống như vậy”, V.T.L (lớp 12, ngụ quận 10) phân tích.

Nhiều trẻ em lạm dụng thức ăn nhanh để giải quyết những cơn đói trong ngày thay cho bữa ăn chính - Ảnh: Minh Huyền
Nhiều trẻ em lạm dụng thức ăn nhanh để giải quyết những cơn đói trong ngày thay cho bữa ăn chính - Ảnh: Minh Huyền

Béo phì rất nhanh mệt mỏi

Do cơ thể nặng nề, đồ sộ nên việc di chuyển lên xuống của trẻ em béo phì rất khó khăn, chỉ cần hoạt động trong thời gian ngắn đã mệt vã mồ hôi. Chính vì thế mà việc luyện tập thể thao để kiểm soát cân nặng lại càng khó thực hiện các động tác.

“Nếu để có một giờ giấc luyện tập thể thao ổn định thường xuyên với em thì rất khó. Thời gian học chính và học thêm đã chiếm hết từ thứ 2 đến thứ 7, từ sáng tới tối muộn. Chủ nhật thì ngồi làm bài tập về nhà cho cả tuần. Thời gian rảnh em muốn “ngủ bù” hơn là vận động”, Trần Quốc Bảo (16 tuổi, ngụ quận 5) cho biết.

Hằng ngày, chị Bùi Nguyễn Thạch Thảo (47 tuổi, ngụ quận 10) đều dắt con trai nặng 81 kg, cao 160 cm đi tập thể dục ở công viên Lê Thị Riêng (quận 10) cho biết: “Với những cháu béo phì hoặc có nguy cơ béo phì thì đó là bệnh rồi. Các cháu thường xuyên mệt mỏi, buồn ngủ. Thậm chí, cháu thức dậy cũng không thấy sảng khoái mà luôn trong tình trạng uể oải, thèm ngủ nướng. Vậy nên, trong lớp cũng dễ lờ đờ, mất tập trung”.

“Nếu để ý kĩ thì những người đi tập thể dục ở công viên đa phần là ông bà già, người trung niên, trẻ em thì rất ít hoặc đã bị béo phì nên mới phải đi bộ. Tuy nhiên, một khi đã béo phì tới rụt cổ, híp mắt và đi nệ khệ thì đáng báo động thật rồi. Nhìn cháu nào cũng như gà công nghiệp, đi vài bước lại mỏi mệt rồi đứng thở”, một bác bảo vệ trong công việc Lê Thị Riêng nhận xét.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, những vấn đề sức khỏe trong lứa tuổi học sinh phổ thông nói trên đều có nguyên nhân bắt nguồn từ dinh dưỡng.

“Học sinh TP.HCM ăn ít rau quá. Chúng ta phải cho mỗi đứa trẻ ăn ít nhất 2 phần rau/ngày, tương đương với việc ăn mỗi chén rau/bữa. Cha mẹ cũng phải từ bỏ, thay đổi các thói quen vận động, dinh dưỡng thiếu hợp lý ở gia đình như: xu hướng ngồi nhiều, dán mắt vào tivi, smartphone, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh…”, bác sĩ Diệp khuyên.

Cũng theo bác sĩ Diệp, học sinh còn thiếu điều kiện thực hành dinh dưỡng, vận động hợp lý nơi trường học như đi học suốt ngày, ngồi nhiều và nguồn lực chăm sóc sức khỏe học đường còn thiếu như thiếu nơi tập thể dục thể thao. Phải giao chỉ tiêu kiểm soát thừa cân, béo phì ở học sinh. Hướng dẫn học sinh tăng cường vận động, giảm hoạt động tĩnh tại, chuẩn hóa thực đơn bữa ăn học đường và triển khai căn tin lành mạnh trong trường học. Những giải pháp đó cần triển khai nhanh, đồng bộ để đạt hiệu quả.

Học sinh
Học sinh "dán mắt" vào trò chơi điện tử hoặc điện thoại thông minh - Ảnh: Minh Huyền

 

MINH HUYỀN - MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên