10/10/2015 09:33 GMT+7

Trải nghiệm sinh thái, thêm ý tưởng cho môi trường

LÊ MY
LÊ MY

TT - 30 sinh viên từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và TP.HCM vừa tham gia chuyến “Truy tìm sinh thái” tại Hội An do Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường (C&E) tổ chức.

Thực hành làm thuốc thảo mộc từ tỏi để xua đuổi côn trùng - Ảnh: Lê My
Thực hành làm thuốc thảo mộc từ tỏi để xua đuổi côn trùng - Ảnh: Lê My

Tại chương trình tập huấn, các sinh viên được trải nghiệm “dấu chân sinh thái”. Bằng một khảo sát đơn giản, các học viên đã tự tính dấu chân sinh thái của mình, được đo bằng lượng hecta đất (và nước) dùng của mỗi người.

Các bạn hiểu rằng để diện tích Trái đất đủ dùng cho tất cả mọi người, mỗi chúng ta chỉ nên sử dụng tối đa 1,8ha đất. Một điều thú vị là trong 30 sinh viên chỉ có duy nhất một bạn không vượt ngưỡng 1,8ha!

Trần Thị Khánh Linh (khoa du lịch ĐH Hoa Sen) nhận xét: “Mình nhận ra những hành động nhỏ trong cuộc sống hằng ngày cũng có tác động lớn đến môi trường nếu chúng ta không chú ý”.

Các bạn đã đến vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, Hội An) nghe về nông nghiệp hữu cơ rồi cùng các nông dân tự tay làm cỏ, làm thuốc thảo mộc.

Sau khi tham quan, Nguyễn Nhật Hoàng Giang (khoa sinh học ĐH Khoa học Huế) nói điều mà bạn có thể làm ngay: “Mình muốn đưa các địa điểm vườn rau hữu cơ vào bản đồ du lịch ở Hội An. Ban tổ chức đã góp ý là mình nên làm một bản đồ sinh thái cho Hội An luôn”.

Trong chuyến thực địa đến Trường tiểu học Lý Tự Trọng, học viên được giao lưu với dự án “Vườn trường” của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị và “Sân chơi từ vật liệu tái chế” của Câu lạc bộ Kiến trúc vì cộng đồng (ĐH Kiến trúc Đà Nẵng).

Bạn Võ Chiến Hữu (khoa QTKD du lịch ĐH Đông Á Đà Nẵng) cho biết: “Đầu tháng 12 tới, mình hi vọng có thể triển khai dự án “Tái tạo khuôn viên, trồng rau bằng phương pháp hữu cơ” tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng”.

Sau bốn ngày tập huấn, “Chiếc hộp ý tưởng” của chương trình đã nhận được gần 10 bản thảo dự án.

“Mình đang nghĩ đến một loại thùng rác tự động nhận diện rác vô cơ và trả cho người bỏ rác một phần thưởng tương xứng. Khi ta tuyên truyền tập trung vào rác vô cơ thì tự khắc rác hữu cơ được phân ra”, Trần Thanh Long (khoa kỹ thuật điều khiển và tự động hóa ĐH Bách khoa Đà Nẵng) nói.

Trung tâm C&E cam kết sẽ sẵn sàng tư vấn và giúp tìm kiếm nhà tài trợ cho những sinh viên muốn triển khai dự án. 30 sinh viên được chia nhóm theo tỉnh thành, phác thảo một dự án có thể triển khai ở địa phương.

Đó là ý tưởng trồng cây ở các khu nhà cao tầng Hà Nội, khuyến khích tiểu thương ở Huế sử dụng túi sinh thái; ngày hội Sống xanh của Đà Nẵng, cải tạo hàng rào xanh ở Quảng Nam hay TP.HCM có giải thưởng ý tưởng sinh viên khi áp dụng mẹo sống xanh...

LÊ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên