11/10/2012 07:23 GMT+7

Lắm chiêu ma quỷ

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Muốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), cửa nào cũng phải qua công ty hoặc tổ chức làm dịch vụ này. Cò - vì thế - có ăn của ai, bao nhiêu cũng quỵ lụy cửa trên. “Biết điều” nên cò sống được.

Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam Kỳ 1: Những đường dây bạch tuộc

BUBAXE1d.jpgPhóng to
Lao động tìm hiểu thông tin về thị trường Hàn Quốc tại một điểm thi tiếng Hàn ở Hà Nội - Ảnh: Phong Cầm

Cò sống được vì lĩnh vực này còn quá nhiều thông tin bị bưng bít bởi bưng bít có lợi cho một nhóm người. Chỉ cần minh bạch tiêu chuẩn, chế độ và rao tuyển lao động công khai, ắt cò và những công ty làm dịch vụ XKLĐ không đàng hoàng không còn đất sống.

Cỡ nào cũng qua mặt

Một lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) cho biết có một loại cò... ăn may: khi lao động dự tuyển đi XKLĐ (nhất là các thị trường hấp dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc), các cò tiếp cận và ra giá “đi chắc ăn, không đi trả lại tiền”, thu mỗi người 3.000-5.000 USD. Trong 10 người thế nào cũng có người đậu người rớt. Người đậu tưởng mình được bảo kê, trả tiền mà hả hê. Kẻ rớt nghĩ mình xui, tiền lót tay được hoàn lại. Coi như cò “rất uy tín”. Nhiều người vì thế mà mất tiền oan uổng. Nhưng đó là loại cò vặt, cò ăn may!

Như cò P. ở Bình Định mới là cao thủ (và trong làng cò XKLĐ đều đẳng cấp đó). Lao động đủ tiêu chuẩn đi đã đành, loại dưới chuẩn các cò móc nối với công ty làm XKLĐ cũng đưa đi được tuốt.

Theo cò P., người Nhật có ba cách tuyển dụng: tuyển trực tiếp, tuyển trực tuyến và ủy quyền cho các công ty tuyển dụng.

Cách thứ nhất khó can thiệp vì người Nhật trực tiếp phỏng vấn. Tuy nhiên, các cò và công ty XKLĐ qua mặt tuốt: chi tiền cho phiên dịch và yêu cầu họ dịch đúng ý muốn của người tuyển dụng dù lao động nói ấm ớ gì cũng mặc. Cách thứ hai, tuyển trực tuyến qua máy tính có màn hình webcam. Cách này thì cử một người của công ty ngồi tránh webcam, tha hồ chỉ bảo. Riêng cách ủy quyền cho doanh nghiệp tuyển thì dễ nhất. Cách này nếu người lao động chịu đóng giá cao từ 30-40 triệu đồng (tiền ngoài quy định) là đương nhiên trúng tuyển. “Tôi làm gần 20 năm mới nghiên cứu được ba cách tuyển này. Dĩ nhiên nhiều công ty làm XKLĐ cũng biết các cách này nhưng họ giấu vì mánh lới làm ăn mà” - cò P. chia sẻ.

Thời thế khác xưa. Giám đốc một công ty XKLĐ thuộc Bộ LĐ-TB&XH đã nghỉ hưu hồi tưởng: những năm 1990-2005 là thời điểm đỉnh cao của XKLĐ. Thời ấy các công ty chỉ ngồi nhà chờ cò dắt lao động tới “cúng” để nhận hoa hồng. Nay các công ty phải ngược xuôi lên rừng, xuống biển để mua lao động qua cò. Dù khan hiếm lao động là vậy nhưng thông tin về XKLĐ vẫn cứ nửa kín nửa hở, bởi công khai minh bạch thu theo giá nhà nước quy định thì “có mà ăn cám”. Đến độ như thị trường Malaysia, dù không tìm ra lao động để đưa đi nhưng những người được đi vẫn cứ phải đóng những khoản mù mờ ngoài sổ sách.

Liên danh hắc ám

Cò có tài thánh cũng không qua mặt công ty làm XKLĐ và cũng không dám qua mặt bởi đó là nồi cơm của họ. Những cò XKLĐ mà chúng tôi gặp phân trần: phận cò cũng khổ lắm, công ty chỉ có biên nhận với những khoản tiền đóng theo quy định, còn “tiền đi đêm” giao hẳn tự thu vén, khi xảy ra sự cố thì ráng mà xoay xở. Tài năng và đẳng cấp là ở chỗ này.

Một nguyên tắc không bao giờ được vi phạm mà các cò lao động tiết lộ là mỗi một công ty đều có nhiều đường dây riêng. Sếp ăn đường sếp, lính ăn đường của lính, nước sông không phạm nước giếng. Các cò theo đó làm ăn với ai thì phải trung thành, không được bắt cá hai tay.

Ngoài liên danh ma quỷ cò - công ty XKLĐ, tệ hại hơn là tình trạng nhiều công ty làm XKLĐ qua thị trường Đài Loan, Macau đã bán tư cách pháp nhân hoặc cho các công ty môi giới Đài Loan thuê giấy phép, khiến từ tuyển dụng đến ký hợp đồng, thu tiền đều do các công ty Đài Loan lũng đoạn. Các công ty XKLĐ Việt Nam chỉ việc đóng dấu trên mỗi hồ sơ lao động và được thù lao với giá 100-200 USD/người. Vì lũng đoạn thị trường, các công ty Đài Loan đã thu tiền của người lao động từ 5.000-10.000 USD/người dù quy định của Dolab là không quá 4.500 USD/người. Và tiền cứ thế chảy vào túi các cò nước ngoài.

Đồng tiền dễ kiếm tới mức ngay cả cán bộ của Trung tâm Lao động ngoài nước (OWC) cũng nhào vô. Tháng 5-2010, Công an Hà Nội đã bắt Đỗ Lê Hoàng, kế toán trưởng OWC, vì bắt tay với người ngoài tuồn bài thi vào cho thí sinh trong kỳ sát hạch tiếng Hàn ngày 25-4-2010. Khi mở rộng điều tra, công an phát hiện đường dây này thu hàng trăm triệu đồng của thí sinh để tổ chức thi hộ, tuồn bài giải. Gần đây, một cán bộ nữ khác cũng bị đuổi việc vì dính dáng đến tiêu cực tiền bạc của thí sinh học giáo dục định hướng tại OWC...

Giấy phép con và đủ thứ phí

Nhiều công ty XKLĐ cho biết tình trạng giấy phép con trong XKLĐ cũng khiến các doanh nghiệp khổ sở. Một công ty muốn về địa phương nào đó tuyển dụng thì phải có giấy giới thiệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab). Khi về địa phương lại phải xin thêm giấy giới thiệu của sở LĐ-TB&XH địa phương đó để về cấp huyện, cấp xã.

Chưa hết, khi tuyển quân cũng phải trả “phí tạo nguồn” cho từng cấp địa phương, tỉnh - huyện - xã có mức khác nhau. “Vì vậy cứ làm ăn với cò cho gọn, vừa dễ tuyển quân lại vừa có ăn” - giám đốc một công ty XKLĐ cho biết.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên