24/05/2012 18:56 GMT+7

Đề án tái cơ cấu kinh tế: chưa rõ định hướng

  L.KIÊN - V.V.THÀNH - V.SỰ
  L.KIÊN - V.V.THÀNH - V.SỰ

TTO - Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra với nhiều băn khoăn tại phiên thảo luận ở tổ về đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ vừa trình lên Quốc hội.

Nb7JD4vY.jpgPhóng to
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thảo luận tại tổ về đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế - Ảnh: TRẦN VIỆT DŨNG

Chưa có định hướng

Góp ý sâu chi tiết nội dung đề án, nhiều đại biểu băn khoăn khi nội dung đề án hướng đến nhiều chỉ tiêu nhưng không đề ra phương hướng thực hiện cụ thể và nhiều mục tiêu đó chưa thực tế trong một bối cảnh kinh tế khó khăn.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng muốn tái cơ cấu được như đề án thay đổi toàn diện, từ việc tuyển dụng nhân lực, từ cơ chế cho người đứng đầu. Ông Hòa băn khoăn khi một đề án kinh tế rất lớn nhưng không thấy nói sẽ cần bao nhiêu tiền đề thực hiện và sẽ phân bổ như thế nào.

W90h0rJH.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa thảo luận tại tổ về đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế - Ảnh: TRẦN VIỆT DŨNG

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thì cho rằng vì nền kinh tế đang lâm bệnh nên chúng ta mới tái cơ cấu. Đó là một sự tái cơ cấu không bình thường, nói đúng hơn là chữa bệnh, nên cần bắt bệnh cho đúng thì mới chữa được. Con người nào, cơ chế nào không tốt, không phù hợp thì phải thay đổi, chứ không thể để chạy vòng vòng, từ nơi này chuyển qua nơi kia.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng không nên tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng quá thiên về xuất khẩu. Bởi lẽ chúng ta có nền kinh tế nội địa 88 triệu dân, đó là thị trường chủ lực nhất chứ không phải là phụ thuộc vào xuất khẩu, để khi kinh tế thế giới có vấn đề thì chúng ta cũng lâm bệnh theo.

Cũng chung nhận định trên, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) thẳng thắn: “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có phải là cứ tách cái này nhập với cái kia?”. Ông Thanh cảnh báo tiếp: “Nguy hiểm nhất là Quốc hội không có thông tin chính xác về doanh nghiệp. Nội cái chuyện tàu thủy thôi tôi thấy đã đổ xuống không biết bao nhiêu tiền”.

Bởi thế theo ông Thanh, bây giờ đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu là khó có cơ sở. Và trước khi nói tái cơ cấu, hãy xem có kiểm soát được các DNNN hay không. Nếu không có cơ chế kiểm soát được thì những nơi đang nắm nhiều vốn, nhiều tài nguyên, nhiều cơ chế ưu đãi này của nền kinh tế sẽ lại là tác nhân khiến tái cơ cấu không thành công.

Không tái cơ cấu kiểu “lặt vặt”

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thì cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế phải có tính tổng thể, không nên để mỗi địa phương như một nền kinh tế. Chỗ nào cũng có sân bay, cảng biển, nhà máy… như hiện tại đang đua nhau thì sẽ không có cái gì là “tổng thể” chung của cả nước để mà cơ cấu.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Võ Kim Cự cũng cho rằng cần có sự đồng bộ giữa tái cơ cấu kinh tế và tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở. Ông Cư băn khoăn: “Hiện nhiều tỉnh có lợi thế về biển thì không có sở thủy sản, tỉnh có lợi thế về rừng không có sở lâm nghiệp”. Đó là một sự lãng phí khi cơ sở hạ tầng, tổ chức bộ máy không phù hợp với lợi thế địa phương.

pTQEasHH.jpgPhóng to
Đại biểu Trương Thị Ánh thảo luận tại tổ về đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế - Ảnh: TRẦN VIỆT DŨNG

Minh họa cho nhận định của chủ tịch UBND tỉnh Hà Tỉnh, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn ra một câu chuyện của ngay chính tỉnh này. Ông kể mới đây đi tiếp xúc cử tri tại Hà Tĩnh, Đức Thọ, phát hiện nhiều trường tiểu học chỉ có khoảng 70-80 học sinh cho cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Lý do trường bé như vậy là vì nhiều xã mới được hình thành ở Đức Thọ từ một làng (!). Và như vậy vấn đề cốt lõi ở đây không chỉ là chuyện trường mà còn là chuyện số lượng bộ máy cấp xã bị tăng lên.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ nhấn mạnh: để thực hiện tái cơ cấu cần tổng rà soát lại các nguồn lực của đất nước như tài nguyên khoáng sản, dầu khí,... để làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển. Đặc biệt các số liệu thống kê có liên quan khi thực hiện tổng rà soát cần theo tiêu chí quốc tế.

Chưa xứng tầm đề án

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) băn khoăn: “Tôi nghĩ không nên gọi là đề án, bởi không đưa ra quyết sách gì, không có gì trình để Quốc hội phải ra nghị quyết thì không thể gọi là đề án”. Đồng tình, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cũng nhận định đề án mới chỉ có cái khung, còn cốt lõi bên trong là giải pháp, cơ chế và nguồn lực để triển khai thì chưa nêu được.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng “đây chỉ mới là dự án tiền khả thi, đọc thú vị nhưng làm thì không biết phải làm như thế nào”. Đề án nói chung chung như vậy, hỏi có tán thành không thì tôi cũng tán thành thôi, chứ thật sự tôi muốn nghe cái cụ thể, đã ra Quốc hội thì phải có nghị quyết.

  L.KIÊN - V.V.THÀNH - V.SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên