29/10/2011 09:18 GMT+7

Từ chuyện lũ lụt ở Bangkok...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Hình ảnh người dân Bangkok chạy lụt những ngày này khiến chúng ta nhớ về câu chuyện ngập úng do mưa lớn ở Hà Nội vừa tròn đúng ba năm về trước, kể từ ngày 30-10-2008.

Câu chuyện ở một thành phố xứ người cách xa ta cả ngàn cây số song vẫn khiến nhiều người Việt quan tâm một cách thích đáng, bởi tình trạng ấy hoàn toàn có thể sẽ xảy ra với Hà Nội hay TP.HCM vào một ngày nào đó!

Cùng với việc đối phó với ngập lụt chưa từng có trong lịch sử thủ đô, người Thái cũng đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồi tệ này. Những lý do mà họ đưa ra cũng là lý do chung mà chúng ta vẫn đề cập mỗi ngày: do phá rừng, do môi trường xuống cấp, khả năng ứng biến chậm chạp của chính quyền, quản lý đập nước... Một chuyên gia thủy lợi của Thái Lan, ông Suphat Vongvisessomjai đã nói: “Chắc chắn nếu nước từ các đập được xả ra đúng cách, trận lũ sẽ đỡ thảm khốc hơn, nhưng họ cứ giữ nước lại với suy nghĩ để dùng vào mùa khô.

Đó là vấn đề chính”.

Tình trạng tương tự cũng từng xảy ra ở các tỉnh miền Trung trong mấy năm gần đây khi các hồ chứa thủy điện đã tích nước để “dành dụm” cho mùa khô, thế rồi khi mưa lớn, nước hồ dâng cao, có nguy cơ vỡ đập liền ồ ạt xả nước khiến hàng vạn hộ dân điêu đứng. “Thủy điện xả lũ, dân lãnh đủ” đã trở thành một thành ngữ trong đời sống hôm nay và có thể thay thế từ “dân” bằng tên của một địa phương nào đó như từng có: “Thủy điện xả lũ, Tuy Hòa lãnh đủ”, “A Vương xả lũ, Quảng Nam lãnh đủ...”. Chắc chắn tít những bài báo như vậy sẽ còn tiếp tục dài dài trên các trang báo, đến hẹn lại lên khi mùa mưa lũ đến.

Chuyện này có thể xảy ra với chúng ta không? Không ai dám chắc chắn trả lời là không. Bài học năm 2008 với Hà Nội ngập úng gần một tuần đã được tính toán như thế nào với việc quy hoạch thành phố? Hệ thống thoát nước nhờ vào các ao hồ thì ao hồ đã được san lấp biến thành nền nhà. Đường sá bêtông chèn ép các cống rãnh, sự chậm chạp trong xử lý, đối phó, nhất là công tác dự báo khi sự cố xảy ra vẫn còn nguyên những bài học đau xót.

Trong khi đó, mối an nguy của cả một hệ thống thủy điện dày đặc trên khắp đất nước ta không chỉ ở việc ảnh hưởng tới công tác bảo tồn thiên nhiên, rừng già... mà còn liên quan mật thiết đến cuộc sống của hàng triệu người dân. Hàng ngàn hồ đập thủy điện đã, đang và sẽ xây dựng tràn lan trên đất nước ta hiện nay với phong trào “nhà nhà - người người” thì hậu quả đã là nhãn tiền. Sông Đồng Nai đang cõng trên lưng nó một hệ thống thủy điện khiến nhiều nhà khoa học phải lo ngại. Bình Định với 40km của dòng sông Côn cũng phải cõng đến 14 nhà máy thủy điện. Lào Cai, một tỉnh với diện tích không lớn nhưng đã có 110 dự án thủy điện vừa và nhỏ, Quảng Nam 61 dự án, Kon Tum 68 dự án, Gia Lai 78 dự án, Lâm Đồng 71 dự án...

Tình trạng lũ lụt của Bangkok hôm nay được lý giải một phần bởi chính việc “ôm nước và xả nước” trong hoàn cảnh năm nay lượng mưa lớn một cách bất thường. Thiên nhiên thì vốn bất thường và hàng vạn hồ đập thủy điện đang mọc lên vô tội vạ trong những cánh rừng ở nước ta chắc chắn đủ sức cảnh báo những người có trách nhiệm về chuyện “ôm nước - xả nước”!

Cái cách ghép âm rất ngẫu hứng để tạo ra những “thành ngữ sành điệu” của một cuốn sách đang “hot” với đủ lời khen chê chộn rộn trong những ngày qua thì câu chuyện thủy điện của xứ mình chắc sẽ góp cho kho tàng “thành ngữ sành điệu” này ít nhất là hai câu: ngoài câu “xả lũ dân lãnh đủ” có lẽ còn có thêm câu “tùy tiện như... thủy điện”!

Và vì thế, câu chuyện Bangkok những ngày này tuy cách xa nhưng thật ra cũng rất gần!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Thái Lan lũ lụt Bangkok