09/07/2009 15:52 GMT+7

Người cựu binh và thư viện về Bác

THÂN HOÀNG - ANH NGỌC
THÂN HOÀNG - ANH NGỌC

TTO - Suốt gần 50 năm qua, ông Nguyễn Văn Mùi (khu đô thị Nam Cường, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cất công tìm giữ những tư liệu về Bác Hồ. Thời gian nghỉ hưu, ông tập hợp tư liệu thành những cuốn sách gửi tặng bảo tàng. Nhà ông đã từ lâu trở thành “thư viện” để mọi người tìm đến mỗi khi muốn đọc sách, xem phim, nghe kể chuyện về Bác…

IXQELrud.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Mùi giới thiệu các cuốn sách viết về Bác Hồ do ông biên soạn

Những kỷ vật cuộc đời

Sinh năm 1940, ông Mùi đã 2 lần tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. “Biết bao anh lính trẻ như tôi hồi ấy chỉ ao ước được gặp Bác một lần”, ông bộc bạch. Những ngày tháng phục vụ trong quân ngũ, hễ thấy tư liệu về Bác, anh lính Nguyễn Văn Mùi liền ghi chép, cắt dán và cất kĩ trong ba lô, mang đi khắp các chiến trường. Năm 1974, xuất ngũ và được giao nhiệm vụ phụ trách đội lái xe của Cục vận tải, có điều kiện được đọc nhiều sách báo nói về Hồ chủ tịch, ông tiếp tục sưu tầm được thêm nhiều tư liệu quý.

Cuốn tạp chí lí luận Học tập của Đảng Lao động Việt Nam số đặc biệt ra tháng 9-1969 với nội dung: “Vô cùng thương tiếc chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến” đã ố màu được ông Mùi quý nhất, cất giữ rất cẩn thận. Ông tự hào: “Đây là cuốn tạp chí duy nhất tập hợp đầy đủ những thông tin về lễ quốc tang Bác Hồ và 25 điện chia buồn của các quốc gia trên thế giới, hiện không mấy người giữ được".

Ngoài những tài liệu từ sách báo, kho tư liệu của ông Mùi còn có 200 cuộn phim, video nói về Đảng, nhà nước, và cuộc đời các đồng chí lãnh đạo, trong số ấy có tới 130 bộ phim nói về cuộc đời Bác. Ông Mùi khóc: “Xem phim “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ” mà thương Bác lắm! Cả cuộc đời Bác chịu bao khổ cực, đến lúc nhắm mắt mà Người vẫn canh cánh lo đất nước còn chia cắt 2 miền…Con người Bác, đến lúc từ giã cuộc đời, chỉ duy nhất một nỗi niềm dân nước!”

Biên soạn sách về Bác

Ông Mùi tâm sự: “Trong những năm tham gia quân ngũ, ba lô của tôi có thể thiếu khăn mặt, bàn chải đánh răng, thiếu ảnh người thân nhưng không bao giờ thiếu tư liệu về Bác. Với tôi những quyển sách, tấm ảnh, cuộn phim về Bác được xem như kỷ vật quý theo suốt cuộc đời mình”.

Tháng 9-2007, ông đạt giải nhất cuộc thi tháng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tháng 6-2008, giải xuất sắc cuộc thi chung khảo “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do ban Tuyên giáo Trung ương phát động.

Cách đây 2 năm, ông bị tai nạn liệt nửa người, đi lại bằng xe lăn nhưng hễ nghe tin ở đâu có người cất giữ tư liệu về Bác là ông lại cất công đến tận nơi tìm hiểu. Bất chấp tình hình sức khỏe, những ngày này, ông Mùi vẫn đang biên soạn những trang cuối cùng cho cuốn sách nhân ngày kỉ niệm 40 năm Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng.

“Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đó là nhan đề tập sách dày hơn 400 trang, đóng bìa cứng mạ đồng xuất bản năm 2006 do ông Mùi kì công sắp xếp, biên tập lại từ những tư liệu mà ông thu thập được. Giải thích về nhan đề cuốn sách ông Mùi cho biết: “Tôi phải mất cả tuần mới nghĩ ra được tiêu đề ý nghĩa ấy. Cả cuộc đời không giây phút nào Bác không nghĩ đến độc lập tự do cho dân tộc!”

Năm 2007, ông Mùi tiếp tục biên soạn cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” nói về gia đình, dòng họ của Bác. Cuốn sách dầy hơn 500 trang, đóng bìa vân rất đẹp đã được ông gửi tham dự cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do ban Tuyên giáo Trung ương phát động. Nói về tâm nguyện của ông Mùi, Đại tá Nguyễn Trung Hiếu – nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương tâm sự: “Tôi thường xuyên đến “thư viện" của ông bạn già để tìm hiểu nhiều tư liệu quý về Bác mà bây giờ muốn mua, muốn sưu tập cũng không dễ. Có những cuốn sách đọc vài ba lần, những bộ phim xem hàng chục lần vẫn không chán. Thiết nghĩ, những tài liệu này mà được sử dụng trong trường học, công tác đoàn hay trong quân đội thì sẽ trở thành những bài học chân thực và xúc động cho các bạn trẻ”.

Những tài liệu trong cuốn sách đã được ông Mùi lặn lội lên tận Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) kiểm tra độ xác thực thông tin. Ông nhớ lại: “Ban giám đốc bảo tàng lúc ấy đã nhiệt thành đọc, nghiên cứu những tài liệu của tôi. Thật vui vì không có chi tiết sai!”. Sau này, khi cuốn sách chính thức hoàn thành, trình bày và scan ảnh đâu đấy, ông Mùi lên tận Hà Nội, đích thân trao tặng bảo tàng. Lật giở những “trang đời” hoạt động cách mạng của Bác, đôi mắt ông ngấn nước: “Con cháu thế hệ mai sau sẽ đọc, sẽ tìm hiểu về cuộc đời Bác Hồ và những tư tưởng của Người. Phải giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tôn kính với lịch sử dân tộc và những con người làm nên lịch sử. Quý lắm, giá trị lắm!...”

Ngoài những cuốn sách do tự tay ông Mùi biên soạn, các tấm ảnh, bài báo cũ về Bác cũng được ông đóng ghim cẩn thận thành từng tập theo những chủ đề riêng, đặt gọn gàng trên giá gỗ để ngoài phòng khách. Mỗi khi có người đến chơi ông lại giới thiệu kỹ càng từng tài liệu, từng chủ đề, ai muốn mượn ông ra điều kiện: phải để lại địa chỉ, số điện thoại và đem trả đúng thời hạn.

THÂN HOÀNG - ANH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên