04/06/2009 11:09 GMT+7

Họa hình Bác bằng đầu ngón tay

DƯƠNG THANH HUYPháp Luật TP.HCM
DƯƠNG THANH HUYPháp Luật TP.HCM

Một chú bộ đội lấy ra trong bóp bức ảnh Bác Hồ đưa cho Tiến vẽ thử. Cậu bé ngắm nghía rồi tò mò hỏi: “Người trong ảnh là ai?”. Chú bộ đội bảo: “Đó là ông tiên, khi nào đất nước hết chiến tranh, cháu sẽ được gặp ông tiên”. Thế là Tiến say sưa vẽ ông tiên ngay trong đêm dưới ánh đèn dầu...

Ký ức thời gian khổ

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo bị chiến tranh tàn phá (xã Phú Đức, huyện Châu Thành, Bến Tre), Đoàn Việt Tiến nhớ mãi hình ảnh cha cõng trên lưng cùng mẹ dìu dắt các anh em vượt sông Tiền sang Mỹ Tho nương náu. Cậu học trò gầy nhom ở xóm chợ Vong Nhỏ thời ấy đã ý thức rất sớm chuyện cơm áo, gạo tiền. Một buổi đi học, một buổi Tiến cùng các anh bán bánh mì, đẩy củi thuê. Tiền kiếm được Tiến dành dụm mua áo quần, dụng cụ học tập và sướng nhất là sắm được các tuýp màu nước.

Tiến mê vẽ từ những năm học vỡ lòng. Buổi chiều khi xong việc, Tiến thường thơ thẩn bên bờ sông Tiền nhìn về quê ngoại Bến Tre. Đau đáu nỗi nhớ nhà, Tiến vẽ dòng sông, con đò và chiến tranh khốc liệt với xe tăng, máy bay, tàu chiến...

Trong lần về quê ngoại, giữa gian nhà nơi ông bà bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng, cậu bé đã gặp được các chú bộ đội. Tiến trổ tài vẽ chân dung chú bộ đội. Ai cũng ngạc nhiên và khen bức ký họa có hồn.

Một chú bộ đội lấy ra trong bóp bức ảnh Bác Hồ đưa cho Tiến vẽ thử. Cậu bé ngắm nghía rồi tò mò hỏi: “Người trong ảnh là ai?”. Chú bộ đội bảo: “Đó là ông tiên, khi nào đất nước hết chiến tranh, cháu sẽ được gặp ông tiên”. Thế là Tiến say sưa vẽ ông tiên ngay trong đêm dưới ánh đèn dầu.

Ngày đất nước thống nhất, anh tiếp tục say sưa vẽ Bác. Chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, anh cựu học sinh Trường THPT Châu Thành B (Bến Tre) tình nguyện sang Campuchia tham gia chiến đấu tại Sư 330 (Quân khu 9).

Từng ngón đảm nhận mỗi mảng màu sáng tối khác nhau. Riêng móng tay làm nhiệm vụ vét tỉa.

Tranh thủ lúc tạm ngưng tiếng súng, anh lại vẽ ký họa về Bác, về đồng đội và cuộc chiến. Bất cứ chất liệu gì có thể làm nên tranh vẽ đều được anh tận dụng, hết giấy học trò, vải thì dùng vỏ tràm, hết bút mực lại dùng than củi.

Năm 1984, Tiến xuất ngũ. Người thương binh 3/4 lại lao vào vật lộn với cơm áo, gạo tiền. Anh lang thang khắp các chợ từ Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long sang Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp vẽ chân dung, kẻ bảng hiệu quảng cáo. Chợ tan, anh đạp chiếc xe đạp cà tàng len lỏi vào xóm xa nhận phục hồi ảnh thờ cũ.

Bôn ba khắp xứ, thay đổi chỗ ở trên 60 lần, vẽ vời đủ thứ nhưng tiền chỉ đủ trả tiền thuê nhà, cơm ngày hai bữa, túi cứ rỗng không, anh quyết định trở về quê nhà Bến Tre, vì dù sao nơi ấy anh còn có mẹ.

Mười năm khổ luyện ngón tay

Từ rất lâu, trong tim của Đoàn Việt Tiến luôn ấp ủ quyết tâm vẽ bộ sưu tập chân dung Bác Hồ.

Năm 1989, tình cờ sau cơn mưa, nhìn thấy tấm kính bị vỡ trước sân nhà, nắng rọi vào ánh lên sắc màu lung linh, anh nảy ra ý tưởng sao không thử vẽ chân dung Bác lên kính. Vậy là Tiến lao vào thử nghiệm. Cả trăm lần vẽ không thành, dùng cọ vẽ màu lên kính không xong. Đôi lúc quá mệt mỏi, anh lăn ra ngủ luôn tại chỗ.

Lần đầu tiên sau mười năm khổ luyện, bức chân dung Bác Hồ vẽ ngược trên kính khá hoàn chỉnh đã được Tiến trao tặng cho Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành (Bến Tre) nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1999.

1iDzHfZH.jpgPhóng to
Đoàn Việt Tiến dùng đầu ngón tay vẽ ngược chân dung Bác Hồ trên kính.

Năm sau, nghe báo, đài giới thiệu biệt tài của một họa sĩ vẽ ngược chân dung Bác Hồ trên kính, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TP.HCM cử người về xã Phú Đức mời Tiến về TP thực hiện bộ sưu tập chân dung Bác Hồ. Sau 100 ngày lao động cật lực, anh đã hoàn thành bộ sưu tập 30 ảnh bằng chất liệu màu dầu với ba khổ ảnh 50 x 70 cm, 60 x 90 cm, 80 cm x 1,2 m.

Ngày 3-2-2001 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TP.HCM, triển lãm ra mắt bộ sưu tập chân dung Bác do họa sĩ Đoàn Việt Tiến trao tặng đã thu hút đông đảo người xem. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhận xét: “Để thành công với phong cách mới, chất liệu vẽ mới..., không chỉ tài năng sáng tạo, người vẽ còn phải có một trái tim luôn hướng về Bác mới tạo nên thần sắc trong từng bức vẽ như vậy”.

Không ngơi nghỉ, Tiến tiếp tục vẽ 12 chân dung Bác Tôn tặng cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Bức tranh vẽ ngược trên kính với khổ lớn nhất là chân dung thượng tọa Thích Quảng Đức (1,2 x 2,2 m) vẽ tại Tổ đình Quan Thế Âm (quận Phú Nhuận). Sau đó, anh quay về quê vẽ tặng cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre 34 bức tranh về Bác Hồ với đời thường.

Chân dung Tiến chọn vẽ đa số là các bậc hiền tài, nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất. Anh vẽ tặng chân dung nhà lãnh đạo cách mạng Cuba Fidel Castro đến hai lần, ngoài ra còn chân dung Che Guevara, nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Tranh và tấm lòng vì người nghèo

Đoàn Việt Tiến cho biết vẽ ngược trên kính có lợi thế là khi những mảng màu bám vào kính sẽ tạo ra bức tranh sắc nét, khó phai theo thời gian. Sau mỗi lần thất bại anh lại rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Với mười đầu ngón tay, từng ngón được phân công đảm nhận một mảng màu sáng tối khác nhau. Riêng móng tay giữ nhiệm vụ vét tỉa những đường cong hay nét nhỏ cho ảnh thêm sắc sảo.

Càng tập trung điều khiển ngón tay để vẽ, lắm lúc tay, chân và toàn thân anh tê cứng như người bị bại liệt. Năm 2003, do vẽ liên tục bằng đầu ngón tay ảnh hưởng đến tim và các dây thần kinh, Tiến phải nhập viện điều trị gần một tháng. Anh buồn ủ rũi, lo sợ hai bàn tay không còn uyển chuyển nhả màu. Nhưng vừa khỏi bệnh anh lại lao vào vẽ.

48lysDei.jpgPhóng to
Vẽ chân dung thượng tọa Thích Quảng Đức.

Tiếng lành đồn xa về họa sĩ Việt Nam duy nhất vẽ tranh bằng ngón tay trên kính đã xác lập kỷ lục quốc gia (năm 2005), Tiến được mời sang biểu diễn giao lưu ở nhiều nước (Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Đức, Singapore, Ba Lan). Nhận lời mời của giáo sư viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, từ năm 2007 đến nay anh đã hoàn thành 26 bức tranh trong bộ sưu tập chân dung các nhà vua Việt Nam.

Tranh của Tiến đặc biệt không bán. Anh mang biếu khắp nơi. Khi đã trở thành người nổi tiếng, sau mỗi chuyến xuất ngoại trở về, anh luôn nhận được rủng rỉnh các khoản thù lao, tặng thưởng của kiều bào và khách nước ngoài. Chỉ riêng chuyến đi Ba Lan 30 ngày anh đã nhận được tiền thưởng 20.000 USD. Có tiền, anh bắt đầu suy nghĩ làm từ thiện.

Tiến có rất nhiều mạnh thường quân là những người ngưỡng mộ tài năng của anh. Năm năm qua, chỉ riêng xã nhà Phú Đức anh đã huy động mang về 35 tấn gạo tặng người nghèo, góp trên 300 triệu đồng giúp địa phương xây dựng đền thờ liệt sĩ xã, đình làng cùng 17 ngôi nhà tình nghĩa, tình thương xây tặng cho người nghèo, người neo đơn tại Bến Tre, Tiền Giang.

Đoàn Việt Tiến tâm sự: “Càng tham gia từ thiện, cái tâm của mình càng thanh thản, phấn chấn. Tôi có cảm giác nét vẽ của mình thăng hoa hơn khi trải lòng ra vì mọi người”. Điều anh vui nhất là xây tặng mẹ ngôi nhà khang trang thay cho gian nhà trống trước dột sau để mẹ anh an hưởng tuổi già.

DƯƠNG THANH HUYPháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên