22/08/2014 09:44 GMT+7

​“Rắn mất đầu” ở địa phương Trung Quốc

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Nhiều địa phương TQ đang trong tình trạng không có lãnh đạo khi các quan chức “ngã ngựa” trong cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.

Cựu bí thư Vạn Khánh Lương để lại khoảng trống quyền lực ở thành phố Quảng Châu - Ảnh: Reuters
Cựu bí thư Vạn Khánh Lương để lại khoảng trống quyền lực ở thành phố Quảng Châu - Ảnh: Reuters

Theo Thời Báo Hoàn Cầu, đến nay ghế lãnh đạo của nhiều địa phương vẫn bị bỏ trống. Các quyết định nhân sự có thể phải chờ đến khi quốc hội và hội đồng nhân dân địa phương họp cuối năm nay.

“Đóng băng” nhân sự

Kể từ khi bí thư thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) Vạn Khánh Lương “ngã ngựa” vì cáo buộc tham nhũng cách đây hai tháng, chiếc ghế lãnh đạo của trung tâm kinh tế miền nam Trung Quốc bỏ trống, nhân sự trong chính quyền tỉnh lâm vào tình trạng “đóng băng”.

Tờ Quan Sát Kinh Tế cho biết “đóng băng” là tình trạng tất cả quan chức được lệnh giữ nguyên vị trí công tác. Việc thăng chức, từ chức, luân chuyển cán bộ hay thậm chí đơn xin nghỉ hưu non cũng buộc phải đặt trong trạng thái chờ.

Vài ngày sau khi Vạn Khánh Lương bị cách chức, nhà chức trách tuyên bố điều tra cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và tài nguyên đất đai TP Quảng Châu Lý Tuấn Phu.

Tiếp theo là hai chủ tịch hội đồng quản trị của hai doanh nghiệp lớn bị bắt giữ. Giới quan sát dự đoán sẽ còn nhiều quan chức trong chính quyền Quảng Châu “đi theo lãnh đạo”.

“Vụ án của ông Vạn vẫn chưa kết thúc và vẫn chưa biết có bao nhiêu người trong chính quyền Quảng Châu có liên quan” - báo Quan Sát Kinh Tế dẫn lời một quan chức ở Quảng Châu cho biết.

Theo nguồn tin này, các công chức Quảng Châu hiện phải được cấp trên cho phép mới được xuất ngoại. Quy định trên nhằm tránh việc một số quan chức có dính líu đến vụ án bí thư Vạn trốn ra nước ngoài.

Thời Báo Hoàn Cầu giải thích rằng lãnh đạo chính quyền địa phương mất chức đồng nghĩa với việc các quan chức trong chính quyền đó luôn ở trong tình trạng bị giám sát chặt chẽ.

Quảng Châu không phải là thành phố duy nhất nơm nớp lo sợ khi chiến dịch chống tham nhũng mở rộng sang tất cả các cấp trong bộ máy nhà nước. Ít nhất bốn tỉnh Giang Tây, Hải Nam, Sơn Tây, Vân Nam đã mất các lãnh đạo chủ chốt sau các đợt truy quét tham nhũng trong nhiều tháng qua.

Mất cả trưởng lẫn phó

Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng việc bỏ trống các vị trí lãnh đạo không ảnh hưởng nhiều đến sự vận hành của bộ máy chính quyền do cấp phó có thể làm thay công việc.

Còn giáo sư Uông Ngọc Khải, thuộc Học viện Hành chính quốc gia, giải thích: “Các cuộc điều tra tham nhũng bắt đầu rất lâu trước khi được nhà chức trách chính thức công bố. Trong suốt quá trình điều tra, chính quyền trung ương sẽ tìm nhân sự thay thế. Điều quan trọng là phải tìm được ứng viên thích hợp nhằm tránh các sai lầm tương tự”.

Dù vậy, theo giới quan sát, nhiều cấp phó cũng đang bị điều tra do dính líu đến việc tham nhũng của cấp trên. Còn các quan chức chưa bị phát hiện thì sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Điều này dễ dẫn đến tình trạng “vô lãnh đạo”, ảnh hưởng đến việc điều hành của các chính quyền địa phương.

Việc điều tra nhiều lãnh đạo cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp nhà nước. Hơn 50 nhân viên hoặc lãnh đạo của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) bị cách chức trong vài tháng qua đã khiến hoạt động của tập đoàn này trì trệ, gây tổn thất không nhỏ đến việc kinh doanh.

Đơn cử là trường hợp của phó giám đốc Công ty Phát triển và thăm dò dầu khí Tống Diệc Võ, chuyên phụ trách các chương trình hợp tác với nước ngoài. Ông Tống bị bắt giữ tháng 6-2014 để điều tra. Kéo theo đó, nhiều dự án của CNPC với nước ngoài cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó bao gồm vài dự án trị giá nhiều tỉ USD.

Giảm nửa lương lãnh đạo khối DNNN

Giới lãnh đạo khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Trung Quốc đang đối mặt với việc cắt giảm lương đến 50% và bị điều chỉnh trong phân công trách nhiệm tại nơi họ công tác. Báo Tài Tân dẫn một nguồn tin trong chính quyền Bắc Kinh cho biết khối bị ảnh hưởng nhiều nhất là lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Về cơ cấu quản lý, các quan chức do Chính phủ Trung Quốc chỉ định có thể sẽ tham gia ban giám đốc nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp đi đúng chủ trương chính sách của nhà nước.

Còn các hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp sẽ giao cho các quản lý giỏi được tuyển dụng từ bên ngoài. Những người quản lý này sẽ được hưởng lương tương đương với tiêu chuẩn của giới quản lý quốc tế.

Giới chuyên gia nhận định quyết định cải cách này của ông Tập Cận Bình nhằm giải quyết mối bất bình của công chúng Trung Quốc về sự nhập nhằng kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ và lĩnh nhiều đầu lương của lãnh đạo các DNNN.

Hiện nay, một thứ trưởng hay quan chức cấp thứ trưởng ở Trung Quốc có thể kiêm nhiệm lãnh đạo DNNN. Họ vừa lĩnh lương nhà nước và lĩnh lương theo kiểu nhà quản lý phương Tây nên thu nhập quá cao.

Báo Tài Tân dẫn lời một quan chức trong doanh nghiệp ngành năng lượng Trung Quốc cho biết giám đốc một công ty nhà nước trong lĩnh vực này có thể được trả lương 1 triệu nhân dân tệ/năm (khoảng 162.580 USD), trong khi mức lương cấp thứ trưởng đã khoảng 200.000 nhân dân tệ.

MỸ LOAN

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên