01/09/2014 12:01 GMT+7

​“Cởi trói” ruộng đồng

PGS.TS NGUYỄN VĂN SÁNH (Trường đại học Cần Thơ) - PHƯƠNG UYÊN ghi
PGS.TS NGUYỄN VĂN SÁNH (Trường đại học Cần Thơ) - PHƯƠNG UYÊN ghi

TT - Mô hình cánh đồng mẫu lớn được xem là hướng đi phù hợp cho nền sản xuất lúa gạo bền vững.

Thiết bị định vị bằng tia laser và máy san bằng mặt ruộng ở HTX Tân Cường - Ảnh: Thanh Tú
Thiết bị định vị bằng tia laser và máy san bằng mặt ruộng ở HTX Tân Cường - Ảnh: Thanh Tú

Mới đây, một tập đoàn của Hàn Quốc phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp lập dự án san bằng khoảng 10.000ha đất, nhằm tạo ra những khu chuyên canh lúa quy mô lớn theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đây là hướng đi đúng, giải quyết được không ít vướng mắc.

 

Việc tạo ra những cánh đồng mẫu lớn sẽ xóa bỏ bờ bao nhỏ để tạo ra những thửa ruộng rộng cả ngàn hecta, nhằm thuận lợi cho việc cơ giới hóa đồng ruộng. Đây cũng là hướng đi để công nghiệp hóa nông nghiệp. Ở đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn người dân có đất lúa dưới 1ha/hộ. Tập quán canh tác lâu nay là mỗi hộ đều có bờ bao riêng trên phần đất của mình. Vì thế trên một cánh đồng có rất nhiều bờ bao khiến việc sản xuất bị chia nhỏ.

Bây giờ nếu thực hiện theo dự án cánh đồng mẫu lớn này thì nhất thiết phải xóa hết các bờ bao ngăn cách, nhằm tạo ra diện tích đất lớn bằng phẳng liền nhau. Xóa bỏ bờ bao cũng được ví như là phương cách “cởi trói” cho đồng ruộng, cho nông dân.

Bởi khi thành lập cánh đồng mẫu lớn cũng là lúc nông dân phải thay đổi quá trình canh tác từ chỗ mạnh ai nấy làm, sang thống nhất thực hiện đồng loạt như bơm nước, bón phân, phun thuốc... cùng thời điểm. Cách làm này sẽ giảm được nhiều nhân công lao động, chi phí... vì đã chuyển sang sản xuất quy mô lớn, áp dụng cơ giới trên đồng ruộng. Ở đó chính nông dân là người được hưởng lợi đầu tiên.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được nói đến nhiều, ai cũng nhìn nhận đây là hướng đi đúng cho nền sản xuất lúa gạo bền vững, song để nhân rộng còn lắm khó khăn, trong đó vấn đề hạn điền là bước trở ngại khá lớn trong thời gian qua. Chính đề án của Đồng Tháp sẽ giải quyết được vấn đề hạn điền mà không ít địa phương đang gặp khó khăn khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn hiện nay.

Ngoài ra, khi phát triển dự án cánh đồng mẫu lớn như của Đồng Tháp, những hộ ruộng ít hoặc không muốn làm ruộng nữa có thể cho thuê đất để chuyển sang làm nghề khác hay trở thành “công nhân nông nghiệp” trong hợp tác xã hoặc mô hình “công ty nông nghiệp kiểu mới”.

Điều này cũng “lách” qua được việc tích tụ ruộng đất mà vẫn có cánh đồng mẫu lớn. Đây là điều phù hợp, bởi thời gian qua vẫn có những hộ đất ít, sản xuất không hiệu quả, họ cho thuê sau đó đi làm công nhân và có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp nhỏ lẻ.

Một cái được khác nữa khi làm cánh đồng mẫu lớn là các doanh nghiệp có tiềm năng sẽ nhảy vào đầu tư cho nông nghiệp. Mục tiêu của doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài cũng đều đặt hiệu quả lên hàng đầu khi quyết đầu tư nơi này, nơi khác. Đã có những doanh nghiệp của VN sang Lào hay Campuchia đầu tư trồng bắp, mía.

Do đó với nền sản xuất lúa gạo của chúng ta đang trong xu thế hội nhập nên phải mạnh dạn thay đổi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn để cạnh tranh và phát triển cũng như thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Và hướng đi của Đồng Tháp cho thấy rất triển vọng.

Tuy nhiên, mô hình cánh đồng mẫu lớn không nhất thiết ở đâu cũng làm cùng giống, cùng thời điểm... mà từng doanh nghiệp sẽ có những phân khúc thị trường xuất khẩu gạo khác nhau về chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng... từ đó đặt hàng nông dân sản xuất phù hợp.

Một khi Nhà nước làm tốt vai trò quy hoạch, định hướng, tạo ra được những cánh đồng mẫu lớn thì chắc hẳn thu hút được đầu tư vào nông nghiệp. Trên những cánh đồng mẫu lớn, có thể xây dựng thương hiệu gạo và những tiêu chuẩn riêng để hạt gạo VN ngày càng có thế đứng trên thị trường thế giới.

 

PGS.TS NGUYỄN VĂN SÁNH (Trường đại học Cần Thơ) - PHƯƠNG UYÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên