Thiết bị định vị bằng tia laser và máy san bằng mặt ruộng ở HTX Tân Cường - Ảnh: Thanh Tú |
Dự án này được UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với một tập đoàn của Hàn Quốc thực hiện.
Vốn vay từ ODA của Chính phủ Hàn Quốc, hiện đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cần thiết.
Nếu việc ký kết thành công, dự án sẽ được thực hiện vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.
Sẽ có những cánh đồng 1.000ha
Tạo điều kiện tốt cho cơ giới hóa Nếu kế hoạch được thực hiện, sẽ có 10.000ha đất trồng lúa được phá bỏ bờ thửa, chỉ còn bờ bao lớn bên ngoài. Khi đó, ranh giới ruộng lúa giữa các hộ dân trong cùng cánh đồng được xác định bằng mốc cắm. Việc xóa bỏ bờ thửa sẽ được thực hiện song song với phương pháp san bằng đồng ruộng bằng tia laser. Khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện tốt cho việc cơ giới hóa, tiết kiệm chi phí phân bón, nhân công, tiết kiệm nước, đồng thời làm tăng năng suất lẫn chất lượng hạt gạo. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 400-500 tỉ đồng. Ông NGUYỄN VĂN DƯƠNG (chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp) |
Thống kê của ngành nông nghiệp Đồng Tháp cho biết toàn tỉnh có 225.220ha đất trồng lúa nhưng lại có đến 156.679 hộ dân.
Trong đó có đến 72% hộ dân sở hữu dưới 1ha đất lúa, 12% hộ dân sở hữu hơn 1ha đến 2ha, 7% hộ dân sở hữu hơn 2ha đến 3ha và 9% hộ dân sở hữu trên 3ha.
Việc sở hữu diện tích nhỏ lẻ, manh mún đã “ngốn” đi rất nhiều diện tích bờ thửa (bờ ranh), khiến các hoạt động bơm tưới, phòng trừ dịch hại, đặc biệt là công tác cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Công, giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, cho rằng trên cơ sở thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, Đồng Tháp đã xác định chỉ có con đường cơ giới hóa mới có thể thay đổi được bộ mặt nông nghiệp của tỉnh.
Do đó, chủ trương xóa bỏ bờ thửa, tiến tới nền sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới là việc phải thực hiện dù sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo kế hoạch, Đồng Tháp sẽ ưu tiên thực hiện dự án này ở các huyện phía bắc, bao gồm Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình, Tháp Mười... vì đây là những huyện có nền tảng sản xuất lúa ổn định, diện tích sở hữu đất lúa/hộ dân lớn nhất tỉnh.
Thống kê cho thấy ở các huyện này diện tích một ô bao có thể để làm cánh đồng mẫu lớn lên đến hàng ngàn hecta, ước có khoảng 9.000 hộ dân có liên quan.
Trước khi có ý tưởng thực hiện dự án này, Đồng Tháp đã làm thí điểm thành công ở HTX Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) với diện tích được san bằng mặt ruộng không lớn (khoảng 15ha) nhưng hiệu quả rất tích cực, được người dân đồng lòng.
“Khi thực hiện dự án san bằng mặt ruộng bằng tia laser, toàn bộ bờ thửa giữa các hộ dân sẽ được xóa bỏ, chỉ còn lại bờ vùng (bờ đê) lớn bên ngoài. Phần diện tích dư ra sẽ phục vụ việc thi công hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng đủ lớn để đưa vật tư và vận chuyển lúa khi thu hoạch bằng cơ giới. Còn ở trên đồng, ranh giới đất giữa các hộ sẽ được cắm mốc âm xuống đất bằng đá nên đất của ai, bằng khoán của ai vẫn còn của người đó, không phải lo” - ông Công khẳng định.
Nông dân hưởng lợi
Nông dân Phạm Văn Tuấn Hải, người vừa san bằng mặt ruộng thí điểm ở HTX Tân Cường (thuộc dự án ACP - dự án cạnh tranh nông nghiệp), cho biết sau khi san bằng mặt ruộng, hiệu quả kinh tế rất cao, chỉ riêng chi phí đầu vào mỗi vụ anh tiết kiệm được gần 1 triệu đồng/ha.
Riêng đầu ra, biết là sản lượng có tăng, chất lượng lúa cũng tốt nhưng cụ thể bao nhiêu thì anh không tính được.
Ông Nguyễn Văn Trãi - giám đốc HTX Tân Cường, đơn vị đã thực hiện thí điểm san bằng mặt ruộng, xóa bỏ bờ thửa khoảng 15ha hồi đầu năm 2014 - cho biết: Mặt bằng là tiền đề của sản xuất nông nghiệp. Ở trên ruộng lúa nếu đất gò cũng chết, trũng cũng chết theo kiểu cỏ mọc trên gò, lúa chết chỗ trũng...
Khi được san bằng, không tính lợi ích mang lại từ việc tăng diện tích đất sản xuất, mà còn tiết kiệm được chi phí bơm tát, phân bón, thuốc trừ cỏ... từ 10-15%/vụ, trong khi năng suất tăng 15-20%/vụ.
"Tôi nghĩ nếu thực hiện công việc này có sự hỗ trợ của Nhà nước thì tin chắc rằng nông dân chúng tôi sẽ đồng tình và ủng hộ cao”- ông Trãi nói.
Tuy nhiên theo ông Công, cái khó hiện nay là chi phí cho việc san bằng mặt ruộng, xóa bờ ranh (bằng tia laser) rất lớn nên dù nông dân có đồng tình cũng chưa triển khai rộng rãi.
Bởi theo tính toán, để đầu tư trang bị một máy san đồng ruộng bằng tia laser phải tốn đến 600 triệu đồng, chi phí cho việc san bằng 1ha khoảng 8 triệu đồng. Không tính tiền đầu tư máy, số tiền này nông dân bỏ ra như vậy khá cao nên người dân chưa “mặn”.
“Để giải quyết bài toán này, trong kế hoạch, ngành nông nghiệp đã đề xuất hỗ trợ 50%, tức nông dân chỉ đóng 4 triệu đồng/ha. Với số tiền như vậy, nông dân hoàn toàn có thể chấp nhận và đồng tình thực hiện” - ông Công nói.
Nông dân Nguyễn Văn On (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) cho biết trên thực tế, người cho thuê đất sau vài năm ít khi muốn quay lại làm ruộng, còn người được thuê đất nếu làm hiệu quả sẽ tích lũy vốn và muốn mua luôn mảnh đất này.
“Vấn đề là phải làm sao cho nông dân thấy được hiệu quả của việc làm này, nông dân sẽ tự thỏa thuận và đi đến thống nhất. Chính quyền địa phương và các ngành có liên quan không nên ra mệnh lệnh, không làm áp lực hay can thiệp thì tui nghĩ nông dân chúng tui sẽ làm được” - ông On nói.
Ông NGUYỄN VĂN CÔNG (giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp): Sẽ thí điểm trước với các HTX có quy mô lớn Cái lợi lớn nhất của việc san bằng mặt ruộng này không chỉ ở chỗ tiện cho việc cơ giới hóa. Một khi người dân đồng lòng sản xuất lúa với quy mô lớn, chất lượng đồng nhất, sản lượng ổn định... doanh nghiệp sẽ nhảy vào liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ lúa với nông dân, thay vì nông dân phải bán lúa cho thương lái và bị ép giá. Nếu công tác đàm phán hoàn tất, chúng tôi sẽ áp dụng thí điểm trước ở các HTX có quy mô, có sự liên kết với doanh nghiệp ổn định như HTX Tân Cường, HTX Tân Tiến... để từ đó nhân rộng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận