14/08/2014 02:05 GMT+7

​Lớn lên từ vòng tay của ông bà

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Trong căn nhà vách đất thủng lỗ chỗ chỉ khoảng 30m2, hai anh em lớn lên cùng sự nghèo khó của ông bà.

Hai anh em Quý và Nhâm vẫn học trên chiếc bàn học chung từ nhỏ - Ảnh: Vũ Toàn
Hai anh em Quý và Nhâm vẫn học trên chiếc bàn học chung từ nhỏ - Ảnh: Vũ Toàn

Chiều 21-4-1998 bầu trời trên đồi Cồn Hương sấm chớp, âm u. Hai vợ chồng anh chị Nguyễn Thế Định - Nguyễn Thị Định (đều 23 tuổi) mang hai con nhỏ Nguyễn Thế Quý (4 tuổi) và Nguyễn Thị Nhâm (2 tuổi) sang gửi cha mẹ để tiện việc đi làm.

Đó là lần cuối cùng hai đứa bé còn cha mẹ. Một tia sét sau đó đánh thẳng vào căn nhà, hai vợ chồng nghèo chết thảm. Từ đó, hai anh em mồ côi Quý và Nhâm được chuyển về ở với ông bà nội là ông Trung và bà Tam.

Tuổi thơ mồ côi

Trong căn nhà vách đất thủng lỗ chỗ chỉ khoảng 30m2, hai anh em lớn lên cùng sự nghèo khó của ông bà. Bà bị bệnh thần kinh mãn tính và tai biến mạch máu não, còn ông là thương binh. Trong sự bề bộn của căn nhà nghèo vẫn có một góc để bàn học cho hai anh em. Đó là chiếc bàn gỗ cũ kỹ mà anh em ngồi học chung từ lớp 1 đến nay.

Giờ nhìn lại chiếc bàn ấy cả hai anh em đều ngậm ngùi bởi “từ bàn học này, từ chiếc xe đạp cà tàng anh em đèo nhau đi học trong nắng mưa nhưng năm nào cả hai cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến”. Giờ thì Quý đang học năm thứ hai khoa luật Trường ĐH Vinh. Còn Nhâm năm nay vừa trúng tuyển vào khoa sử Trường ĐH Vinh.

Quý muộn mất một năm học. Năm đó học xong lớp 12 nhưng không dám làm hồ sơ thi đại học vì cuộc sống khó khăn, phải đi phụ hồ cùng ông bà kiếm cái ăn. Ngày đi làm đêm ôn thi, “Nghĩ bạn bè đi học cả mà mình đi làm thuê mãi từ trong làng, trong huyện đến Đà Nẵng kể cũng buồn. Kỳ thi năm tiếp theo tôi rời tổ thợ làm thuê về xin ông bà làm hồ sơ thi vào đại học” - Quý kể.

Biết gia đình ông bà nội Quý được nhận vốn vay, bà con láng giềng đến chung vui. Một cụ già chỉ những cây lộc vừng xanh tốt nói: “Những cây này do thằng Quý đi tìm trong rừng về trồng, chăm bẵm hằng ngày để bán cho người dưới thành phố làm cây cảnh đấy. Thời gian rỗi nó đi chăn bò, lột lá mía thuê. Còn con Nhâm hết đi cấy thì cắt cỏ nuôi bò”.

Ông Nguyễn Văn Lâm (phó chủ tịch xã Thịnh Thành) kể một câu chuyện cảm động: “Hồi học lớp 10, Quý có người bạn là Hiếu - con ông Bùi Trọng Long, chủ tịch xã Mã Thành. Biết Quý gia cảnh nghèo nhưng học giỏi ông Long thương lắm, khi cho áo, đôi dép, khi cho cân gạo rồi nhận Quý làm con nuôi”.

72 tuổi vẫn cày bừa, gặt hái

Chỉ vào ngôi nhà thờ vừa được anh em giúp công của dựng lên, ông Trung nhìn hai đứa cháu nội nói: “Suốt bấy năm trời nếu chỉ dựa vào 720.000 đồng trợ cấp thương tật 21% của tôi và 720.000 đồng chế độ mồ côi của hai cháu thì không đủ sức trụ được đến bây giờ để nhìn hai đứa cháu theo nhau vào đại học. Năm nay tôi đã 72 tuổi nhưng được cái trời còn cho khỏe để tiếp tục làm lụng nuôi cháu”.

Chỉ tay vào khuôn ngực sạm nâu vạm vỡ của mình, ông tự hào: “Một năm một vụ lúa đông xuân trên 5 sào ruộng, tất tần tật mọi việc cày bừa gặt hái đều đây cả. Bà nó và cháu chỉ lo việc nuôi con gà, con lợn và phụ giúp việc vặt là tốt rồi”.

Ông Trung từng là thanh niên xung phong ở Truông Bồn trong ba năm ác liệt nhất (1965-1968). Riêng trận bom ác nghiệt rạng sáng 31-10-1968 - nơi 13 thanh niên xung phong Truông Bồn anh dũng hi sinh, trở thành huyền thoại lịch sử - thì tổ đội của ông đang khai thác đá ở mỏ đá Truông Bồn cách vị trí ném bom khoảng 2km, nhờ đó mà thoát chết.

Ông nói các cháu mình có tuổi thơ bất hạnh nhưng cũng đã vượt qua gian nan và được học hành. Nay được thêm sự trợ giúp, ông tin rằng các cháu sẽ có cơ hội cơm no áo ấm hơn và đời của các cháu sẽ đổi thay, sẽ không còn gian lao như ông bà, cha mẹ ở vùng quê nửa đồi núi, nửa chiêm trũng này.

Trên 900 triệu đồng hỗ trợ nông dân nghèo Nghệ An

Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” năm 2014 do báo Tuổi Trẻ, Công ty CP GreenFeed phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Nghệ An sẽ hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho 60 hộ nông dân với tổng kinh phí 900 triệu đồng và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho bà con.

Ngoài ra chương trình còn trao học bổng cho học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân học tập giỏi (trị giá 500.000 - 3 triệu đồng/suất). Các gia đình có con em học giỏi cũng được trích tặng 20% tổng số vốn vay.

Tính trên cả nước, từ năm 2010-2013 chương trình đã tài trợ số tiền gần 20 tỉ đồng, hỗ trợ 960 hộ nông dân tại 12 tỉnh: Long An, Bình Định, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Hải Dương, Hà Nam, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Nam, có địa phương được nhận vốn vay hai lần.

Năm 2014, chương trình tiếp tục tài trợ thêm 7 tỉ đồng hỗ trợ 240 hộ nông dân tại bốn tỉnh Bến Tre, Đắk Nông, Nghệ An và Đồng Nai.

TỐ OANH

 

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên