Phối cảnh nhà ga hành khách Long Thành - Ảnh: ACV cung cấp |
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết như vậy tại phiên họp thứ ba của Hội đồng thẩm định nhà nước về dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) ngày 15-8.
Bởi vì, để đáp ứng nâng công suất tối đa thêm 5 triệu khách cho Tân Sơn Nhất thì TP.HCM phải đầu tư ít nhất 4-5 tỉ USD cho hệ thống giao thông kết nối như đường sắt đô thị, đường bộ trên cao.
Cũng theo ông Tín, Tân Sơn Nhất hiện không chỉ hạn chế về quỹ đất mà không gian hoạt động bay hiện cũng đã quá tải trong khi không gian hoạt động bay là yếu tố quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
Mặt khác, Tân Sơn Nhất hiện nằm giữa trung tâm TP.HCM, nếu tiếp tục mở rộng công suất sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị khi bị khống chế về tĩnh không, phễu bay. Vì vậy, ông Tín cho rằng việc khai thác sân bay mới tại Long Thành sau năm 2020 là điều hết sức cần thiết.
Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh, chủ tịch hội đồng thẩm định, 16 thành viên của hội đồng đã bỏ phiếu biểu quyết thông qua báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành.
Nếu kết quả bỏ phiếu có đa số phiếu đồng ý, hội đồng thẩm định sẽ trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét thông qua báo cáo đầu tư dự án ngay trong kỳ họp của Quốc hội vào tháng 10-2014.
Theo ông Bùi Quang Vinh, việc đầu tư sân bay Long Thành là hết sức cần thiết, phải triển khai sớm. Tuy nhiên, chất lượng báo cáo đầu tư còn nhiều hạn chế sẽ rất khó thuyết phục được các đại biểu Quốc hội.
Ông Vinh đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không VN (chủ đầu tư dự án) khẩn trương hoàn thiện lại báo cáo đầu tư trên cơ sở ý kiến góp ý của hội đồng thẩm định để có thể sớm trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 8-2014.
Theo báo cáo đầu tư xây dựng công trình cảng hàng không quốc tế Long Thành do Công ty Tư vấn xây dựng sân bay Nhật Bản lập, cảng hàng không này được phân kỳ đầu tư theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa. Giai đoạn 2 nâng cấp lên 50 triệu khách/năm và giai đoạn 3 nâng cấp lên 100 triệu khách/năm, trở thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển. Tổng mức đầu tư của giai đoạn 1 khoảng 7,8 tỉ USD (tương đương hơn 164.000 tỉ đồng), trong đó chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng hơn 5,618 tỉ USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận