13/08/2014 08:24 GMT+7

​Gánh nặng quá lớn ở Iraq

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Ngày 11-8, Tổng thống Iraq Fuad Masum đã chính thức chỉ định Phó chủ tịch Quốc hội Haider al-Abadi làm thủ tướng, bất chấp những ngăn cản của thủ tướng đương nhiệm Nouri al-Maliki.

Tân Thủ tướng al-Abadi - Ảnh: AFP

Việc ông al-Abadi được cử làm thủ tướng là kết quả của cả quá trình vận động, đấu đá suốt từ sau tổng tuyển cử bầu quốc hội hồi cuối tháng 4 đến nay. Lần đó, liên danh Nhà nước pháp quyền của ông al-Maliki có 92 ghế, đứng đầu các liên danh tham gia quốc hội, nên ông hi vọng sẽ tiếp tục làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

Thất bại vì chuyên quyền

Nhưng tham vọng của al-Maliki vấp phải sự phản kháng rộng rãi trong chính trường Iraq, không chỉ từ phía các khối Sunni và Kurd, mà cả từ trong nội bộ Liên minh quốc gia tập hợp các đảng chính trị chủ chốt của dòng Shiite.

Những người phản đối cáo buộc sự độc đoán, chuyên quyền của al-Maliki trong hai nhiệm kỳ vừa qua là nguyên nhân cơ bản đẩy Iraq vào tình trạng chia rẽ nghiêm trọng đến mức có nguy cơ phân liệt và tan rã.

Sau cuộc tổng tuyển cử lần trước (năm 2010), al-Maliki đã đối phó với sự bất mãn của phe Sunni bằng cách đàn áp thẳng tay và “kiêm nhiệm” hết các ghế do các bộ trưởng Sunni bỏ trống. Khi bị các khối nghị sĩ Sunni và Kurd phản kháng bằng tẩy chay họp quốc hội, khiến quốc hội tê liệt, Thủ tướng al-Maliki không cần đến quốc hội, một mình điều hành bộ máy nhà nước trong gần bốn năm qua.

Dư luận Iraq và quốc tế cho rằng chính cách cai trị độc đoán chuyên quyền của al-Maliki đã tạo môi trường cho sự trở lại của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) do Abu Bakr al-Baghdadi cầm đầu.

Không thể phủ nhận “tài cầm quyền” của al-Maliki trong hoàn cảnh một Iraq hỗn mang sau khi Mỹ rút đi cuối năm 2011. Al-Maliki đã thành công trong tiến trình biến quân đội và an ninh thành công cụ của mình. Nhờ vậy, ông ta có thể đàn áp thẳng tay sự phản kháng của các dòng tộc Sunni, bắt giam và truy tố cả các thủ lĩnh Sunni đang giữ các trọng trách của đất nước như phó tổng thống và phó thủ tướng.

Khi Iran buông tay...

Al-Maliki còn rất khôn ngoan khi tận dụng sự ủng hộ của Iran để tồn tại trong hoàn cảnh bị phản đối tứ bề. Lá chủ bài của al-Maliki trong quan hệ với Iran là “lờ đi” để Iraq trở thành địa bàn trung chuyển các trợ giúp của Iran cho chính quyền Bashar al-Assad tại Syria và lực lượng Hezbullah ở Libăng.

Khi được Iran tin dùng thì các thế lực khác trong nước chưa thể phế truất al-Maliki được. Sau cuộc tổng tuyển cử cuối tháng 4-2014, Iran vẫn tỏ ra ủng hộ al-Maliki.

Nhưng việc IS xuất hiện và tung hoành tại Iraq từ tháng 6 đến nay khiến Iran phải tính lại. Vấn đề là việc IS kiểm soát khu vực rộng lớn ở phía tây bắc Iraq, tạo nguy cơ cắt đứt đường trung chuyển từ Iran sang Syria.

Đến lúc này, Iran phải lựa chọn: nếu tiếp tục “dùng” al-Maliki thì Iraq không thể đoàn kết để đối phó với IS được, mà thậm chí còn đẩy liên minh Shiite tới nguy cơ tan rã, không thể duy trì được vị thế cầm quyền tại Iraq.

Ngày 5-8 vừa qua, khi tiếp một phái đoàn của Đảng Dawa (đảng của al-Maliki) xin tiếp kiến để vận động sự ủng hộ cho al-Maliki, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamanei đã “bật đèn xanh” cho việc thay thế al-Maliki bằng một nhân vật Shiite khác. Lãnh tụ giáo quyền Iran đã nói trong dịp này là ông ủng hộ việc thay đổi người làm thủ tướng ở Iraq.

Mỹ và phương Tây cũng đồng loạt gây áp lực để al-Maliki phải từ bỏ tham vọng. Điều kiện của Mỹ để “trợ giúp hữu hiệu” cho Iraq chống khủng bố IS là Iraq phải nhanh chóng có một chính phủ với thành phần rộng rãi “không gạt bỏ một bên nào”.

Đến đây, “vận mệnh” của al-Maliki có lẽ đã an bài. Ngay sau khi thông tin ông al-Abadi được bổ nhiệm, cả Liên Hiệp Quốc lẫn nhiều nước phương Tây đã nhanh chóng bày tỏ thái độ ủng hộ. Ông al-Abadi sẽ có 30 ngày để thành lập nội các mới.

Việc Iraq có thủ tướng mới mang lại hi vọng về một chính quyền bao gồm tất cả các phe phái và sắc tộc, để tập trung đối phó với hiểm họa lớn nhất lúc này là IS. Nhưng Iraq đã lún sâu vào khủng hoảng trầm trọng như hiện nay, thì mọi tham vọng về thống nhất lãnh thổ và ổn định bền vững sẽ là gánh nặng quá lớn đối với một vị thủ tướng chưa có bề dày điều hành như al-Abadi.

Tranh chấp đến giờ chót

Ông al-Maliki đã công khai tỏ thái độ với Iran bằng tuyên bố chống lại “mọi sự can thiệp từ nước ngoài” vào công việc nội bộ của Iraq.

Một ngày trước khi al-Abadi được cử làm thủ tướng, al-Maliki đã tuyên bố mạnh mẽ trên truyền hình, coi việc không để ông làm thủ tướng là “vi hiến” với lập luận rằng liên danh của ông đã được Tòa án tối cao liên bang công nhận là liên danh có nhiều ghế nhất trong quốc hội, nên có quyền cử người làm thủ tướng.

Tuy nhiên, Tòa án tối cao đã tuyên bố rằng họ chưa hề có phán quyết như al-Maliki nói. Mặt khác, Tổng thống Masum cũng có lý của ông khi cho rằng chính Liên minh quốc gia (dòng Shiite), mà liên danh Nhà nước pháp quyền của al-Maliki là một thành viên, mới là khối có nhiều ghế nhất trong quốc hội. Hơn nữa, al-Abadi cũng là một lãnh đạo của Đảng Dawa và được cơ cấu vào phó chủ tịch quốc hội để đại diện cho Shiite.

 

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên