Phóng to |
Từ trái qua: Thanh Nam (vai Ba Lém), Xuân Thùy (vai Tư Hạnh) và Chí Dũng (vai Hai Bình) trong Về quê cưới vợ - Ảnh: Nguyễn Lộc |
Có vẻ khán giả chưa chịu ngán hình ảnh nông dân của anh trên phim. Anh là nghệ sĩ THANH NAM!
* Anh đến với phim ảnh cũng hơn chục năm nay, thấy đạo diễn chỉ toàn giao vai nông dân cho anh. Sao lạ vậy? Hay anh muốn xây dựng... thương hiệu nông dân trên phim cho mình?
- Tôi xuất thân nông dân mà, chèo ghe, cuốc đất, làm lúa, lội ruộng... tôi làm được hết nên đóng vai nông dân là... vô lắm! Giờ tuy sống ở ngay Rạch Giá (Kiên Giang) nhưng được thể hiện lại những công việc này trên phim tôi rất thích thú vì được sống lại quãng đời nhiều kỷ niệm ngày xưa ở quê.
* Giờ nhắc đến Thanh Nam là người ta nhớ đến hình ảnh ông Hai Lúa, ông nông dân trên phim. Nhưng làm sao để các hình ảnh nông dân ấy không trùng lặp, nhàm chán?
- Thật ra mỗi lần nhận một vai nông dân mới tôi lại đối diện với nỗi sợ lặp lại. Bởi vậy tôi đầu tư rất kỹ để tạo diện mạo mới, từ ngoại hình tóc tai đến tính cách, tìm cá tính nào đó của nhân vật để đẩy lên tạo nét riêng, “đặc sản” cho nhân vật, nói chung cũng nhức đầu lắm. Rất may là nhờ sự cố gắng đó nên tới nay vẫn thấy khán giả chưa ngán “ông nông dân” của mình.
* Vai người nông dân mới nhất của anh, ông Ba Lém trong Về quê cưới vợ, có gì khác lạ so với những hình ảnh trước đây?
- Ðây là nhân vật... cá biệt nhất so với tính cách mấy vai nông dân trước đây của tôi. Một người nông dân có máu ăn chơi, nhậu nhẹt, đá gà, sống không thật, thậm chí còn gạt cả tiền con cái để đi cờ bạc, lại còn có tật nổ văng trời. Tuy nhiên, khi diễn tôi cũng không cho ông xấu quá, đến tận cùng vẫn để cho người ta thương vì sâu thẳm trong lòng ổng cũng có một tình yêu với các con.
* Anh là nghệ sĩ tỉnh hiếm hoi rất được công chúng thành phố yêu thích. Sài Gòn là mảnh đất thuận lợi để người ta phát triển danh tiếng của mình. Anh có ý định cho một cuộc xê dịch?
- Ðúng là lên thành phố thì nghệ sĩ dễ nâng cao tên tuổi hơn, ở đây gần phương tiện truyền thông, điều kiện làm nghề tốt, có nhiều khán giả. Nhưng mà tôi thì chắc chẳng đi đâu. Tôi sống ở Kiên Giang mấy chục năm rồi, tình cảm bạn bè, anh em, lãnh đạo tỉnh cũng tạo điều kiện cho mình phát triển nghề nghiệp tốt. Chẳng ham đi đâu nữa. Tôi thích không khí yên bình của tỉnh lẻ, mình không làm phiền ai mà cũng chẳng ai làm phiền mình!
* Ngoài sự níu kéo về mặt tình cảm, môi trường sống, có khi nào anh ngại “tiến về thành phố” còn bởi vì sự cạnh tranh quá khắc nghiệt ở nơi đây?
- Nói thiệt là tôi không ngại đâu. Nghệ sĩ thì đông nhưng mỗi người có một vị trí riêng, tôi tự tin là mình cũng có phong cách và sự khác biệt. Ðiều tôi không muốn nữa là môi trường ở đây nhiều áp lực quá cũng dễ chi phối, làm mình không toàn tâm toàn ý đầu tư cho nghề chính là nghệ sĩ cải lương.
* Mỗi lần quay phim ở thành phố, từ Kiên Giang lặn lội lên đây chắc anh cũng vất vả hơn những nghệ sĩ khác?
- Cứ mỗi lần quay chừng một tuần - 10 ngày đoàn phim phải sắp lịch trước cả tháng để tôi sắp xếp. Lên thành phố lần nào quay cũng cực, sáng 5g dậy chuẩn bị rồi quay tới khuya. Lần nào quay vợ tôi cũng đi theo để chăm sóc, đem thuốc cho tôi uống đúng giờ đúng giấc bởi tôi bị bệnh huyết áp.
* Nghe nói anh vừa lên chức trưởng Ðoàn cải lương nhân dân Kiên Giang. Với trọng trách mới này không biết có cản trở nghệ sĩ Thanh Nam tiếp tục lên thành phố làm... ông Hai Lúa?
- Làm nghệ sĩ mà kiêm thêm công tác quản lý quả thật cũng hơi mệt, nhưng tôi đã làm phó đoàn ở đây mấy chục năm rồi nên nói chung là cũng quen việc. Các phó đoàn hiện cũng hỗ trợ tốt cho tôi, nếu có kịch bản hay mà tôi thu xếp được công việc thì Hai Lúa vẫn tiếp tục tái ngộ khán giả màn ảnh nhỏ bình thường!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận