Sáng 26-7 (giờ Rome, chiều cùng ngày giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã hội đàm.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo vui mừng trước những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua. Chủ tịch nước và Tổng thống Ý cũng trao đổi về phương hướng, các biện pháp lớn nhằm đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược.
Tăng cường quan hệ trên nhiều lĩnh vực
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam coi trọng Ý trong đường lối đối ngoại, mong muốn và quyết tâm cùng lãnh đạo cấp cao Ý tăng cường quan hệ hai nước trên các lĩnh vực.
Tổng thống Sergio Mattarella bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế năng động của Việt Nam. Ông cũng chia sẻ cảm xúc ấn tượng về sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước. Nhất là việc Việt Nam đã gửi khẩu trang và nhiều vật tư y tế giúp Ý trong cuộc chiến chống COVID-19.
Theo Tổng thống Sergio Mattarella, đó là biểu hiện của tình cảm tốt đẹp và tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam - Ý.
Trên cơ sở các thành tựu trong nửa thế kỷ qua, hai bên nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt cấp cao cũng như tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.
Về kinh tế, Tổng thống Sergio Mattarella nhất trí với đề nghị của phía Việt Nam về việc hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Ý ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại và đóng góp cho phục hồi kinh tế.
Nghị viện Ý phê chuẩn EVIPA
Tổng thống Sergio Mattarella cũng vui mừng thông báo Nghị viện Ý đã phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đúng vào ngày Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm. Theo ông, đây sẽ là cơ sở để Ý tăng đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn và nhấn mạnh việc Nghị viện Ý phê chuẩn EVIPA là một tin rất vui và tin rằng việc thông qua hiệp định này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, cho nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước đồng thời đề nghị Ý có tiếng nói để các nước EU còn lại sớm phê chuẩn EVIPA.
Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 chương, 92 điều và 13 phụ lục.
Việc Nghị viện Ý phê chuẩn EVIPA là một tín hiệu tích cực. Trong EU, Ý là một quốc gia có tiếng nói quan trọng với tư cách là một thành viên sáng lập và là một nền kinh tế lớn (nằm trong nhóm G7).
Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ý đang phát triển tích cực với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 6,2 tỉ USD năm 2022.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ý trong ASEAN, còn Ý là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Ý cũng đang đứng thứ 33/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Thành lập trung tâm văn hóa Việt Nam, Ý
Để đẩy mạnh hiểu biết lẫn nhau và gắn kết nhân dân hai nước, Chủ tịch nước và Tổng thống Ý nhất trí tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật, du lịch cũng như hợp tác giữa hai Chính phủ và các địa phương hai nước.
"Tôi tin tưởng rằng việc thành lập Viện Văn hóa Ý ở Việt Nam sẽ mang đến cơ hội rất tốt để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa giao lưu về văn hóa giữa hai đất nước.
Thông qua đó, các bạn Ý cũng sẽ hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam và Việt Nam có cơ hội tiếp cận, tiếp thu những giá trị văn hóa quý báu của Ý", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ trong cuộc gặp gỡ báo chí sau hội đàm.
Việt Nam và Ý cũng nhất trí mở rộng hợp tác về an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ và tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, hợp tác ứng phó với các vấn đề toàn cầu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Sergio Mattarella cũng đã trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực như hợp tác giữa Ý và ASEAN, hợp tác giữa Việt Nam và EU, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trân trọng mời Tổng thống Sergio Mattarella sớm thăm Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận