10/09/2012 08:29 GMT+7

Xuồng CQ tiếp sức Trường Sa

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Từ khi được đưa vào biên chế của các điểm đảo ở Trường Sa, chiếc xuồng CQ “made in Vietnam” đã thật sự thể hiện sự cơ động, hiệu quả trong công tác nghiệp vụ cũng như cứu hộ.

Tuy nhiên, đến nay các điểm đảo vẫn đang rất thiếu loại xuồng này.

l6nB3P4o.jpgPhóng to
Xuồng CQ chở khách đến thăm đảo Đá Lớn A (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) - Ảnh: T.T.D.

Xuồng CQ - do Viện Kỹ thuật hải quân thiết kế - mới hoạt động vài năm gần đây đã không những giúp vận chuyển người và hàng hóa ra vào đảo, giữa điểm đảo này và điểm đảo khác, nhiều lần cứu hộ cho ngư dân và tàu cá gặp nạn mà còn ngăn chặn hàng trăm lượt tàu nước ngoài xâm nhập vào khu vực quần đảo Trường Sa.

Xuồng có khả năng trượt trên san hô, đá cuội, không bị chìm, không bị thủng hay méo khi va đập. Đặc biệt, xuồng CQ có khả năng chạy xuyên qua sóng, chịu thêm được 1-2 cấp sóng so với xuồng thông thường.

Ngày đó, chỉ có xuồng nhôm chèo tay

Trong một lần nói chuyện về Trường Sa của hơn 20 năm trước, thượng tá Phạm Hùng Vĩ - tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo phòng không 872 (Vùng 4 hải quân) - nói: “Trường Sa ngày ấy chưa có xuồng máy, từ đảo này muốn sang đảo kia thăm anh em hay ra thăm tàu phải đi bằng xuồng nhôm, chèo tay rất vất vả. Có khi chèo từ sáng sớm đến 10g, mất 3-5 tiếng đồng hồ mới đến điểm đảo khác”.

Còn ông Phạm Văn Minh - nguyên cán bộ Trung đoàn công binh 131, người từng đi Trường Sa từ năm 1988 - mang đến câu chuyện khác về chiếc xuồng thuở ấy: “Ngày đó chưa có xuồng máy, muốn vào đảo, công binh sáu người ngồi hai bên xuồng cho cân, cứ lần theo sợi dây nối từ tàu vào đảo mà kéo. Khi xuồng cập vào mép đảo, nếu không cẩn thận, xuồng bị chìm ngay! Ban đêm, anh em chuyển tải cũng cứ thế bám vào sợi dây mò mẫm đưa xuồng vào đảo. Năm 1999, khi chúng tôi công tác ở đảo Tốc Tan, một chiếc xuồng chở đầy 5 tấn đá hộc bị chìm xuống đáy biển. Xót của, không ai dám nghĩ đến chuyện bỏ chiếc xuồng bị chìm mà tìm cách cứu xuồng lên. Chúng tôi nhờ ba ngư dân lặn giỏi nhất xuống cứu xuồng. Mất gần ba tiếng đồng hồ mới đưa được xuồng lên, anh em mừng chảy nước mắt vì may là xuồng không bị bẹp do chìm xuống vùng đáy biển khá bằng phẳng. Thậm chí đêm ngủ, tôi cũng chỉ “ngủ một nửa”: ngủ nhưng tai vẫn nghe sóng đánh để canh không để sóng đánh đứt neo trôi mất xuồng hoặc xuồng va vào nhau sẽ bị vỡ”.

24 năm sau, trong chuyến tàu “Góp đá xây Trường Sa” vào tháng 5-2012 do báo Tuổi Trẻ và Quân chủng hải quân tổ chức, người cựu binh năm nào không khỏi bất ngờ khi thấy chiếc xuồng cao tốc (xuồng CQ) cưỡi sóng ầm ầm từ đảo ra đón khách. Chỉ hơn 10 phút xuồng CQ đã tiếp cận với tàu. Và cũng chỉ hơn 10 phút, ông đã được đặt chân lên vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc sau bao nôn nao chờ đợi, khoảng thời gian quá nhanh so với thời của ông...

Ngày nay, có xuồng CQ nhưng chưa đủ

Trung tá Vũ Minh Thân - đảo trưởng đảo An Bang - cho biết hiện đảo An Bang - với đặc thù về điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, sóng gió - đã được cấp xuồng CQ. Trước, một chuyến từ tàu chở khách vào đảo phải mất 45 phút hoặc hơn tiếng đồng hồ. Nhưng khi có xuồng CQ, chỉ mất khoảng 30 phút/chuyến cả đi cả vào. Còn với đảo Song Tử Tây, hằng năm đón 17-18 đoàn thì việc đưa đón là chuyện không đơn giản. Trước đây đảo chỉ có xuồng chuyển tải dùng cho công binh để đón khách, nhiều khi bộ đội phải lội ra tận mép xanh (ranh giới giữa nền san hô và lòng biển, có độ sâu chênh lệch rất lớn và đột ngột) cách đảo 300-400m kéo xuồng chở khách vào, chân bị san hô cứa rách thường xuyên. Từ ngày có xuồng CQ cơ động nhanh, tính an toàn cao, sử dụng tiện lợi, từ tàu vào mất 15-20 phút/chuyến. Cho nên anh em ở đảo “cưng” xuồng CQ lắm, dù mưa hay nắng hằng ngày hằng tuần đều bảo quản cẩn thận, khi dùng xong là phủ bạt để hạn chế tác động của mưa, nắng và hơi nước biển” - thượng tá Vũ Văn Cường, đảo trưởng đảo Song Tử Tây, kể.

Thượng tá Cường cũng cho biết thêm: “Mỗi năm chúng tôi cấp cứu mấy chục chuyến tàu và ngư dân gặp nạn. Việc sử dụng xuồng cao tốc CQ thật sự rất cần thiết và quan trọng”. Như trong câu chuyện cứu hai ngư dân Bình Thuận lúc 6g30 sáng 31-5-2012: “Tôi nhận được điện thoại xin cấp cứu của thuyền trưởng, thông báo hai ngư dân đang trong tình trạnng rất nguy cấp: cánh tay bị giập nát còn chân bị đứt mất mấy ngón. Họ không thể đưa người vào được vì sóng to quá. Chúng tôi cử ngay một kíp cứu nạn dùng xuồng CQ chạy với tốc độ cao ra đưa người bị nạn vào trạm xá cấp cứu. Mấy ngày sau thì trực thăng của không quân ra đưa vào bờ và cứu chữa thành công cho ngư dân”.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng - chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân), chủ tịch MTTQ VN kiêm chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện đảo Trường Sa - cho biết: “Tất cả điểm đảo của Trường Sa đều đã có xuồng CQ nhưng vẫn còn thiếu nhiều. Nhiều xuồng đầu tiên hiện đã xuống cấp do sự khắc nghiệt của sóng gió Trường Sa và thời gian, phải kéo vào bờ. Vì thế lực lượng giữ đảo ở nhiều đảo gặp khó khăn trong việc di chuyển, tuần tra, đưa đón đoàn công tác thăm đảo do thiếu phương tiện đi lại”.

Thêm xuồng CQ, Trường Sa thêm nguồn lực

ONYG8vNH.jpgPhóng to
Ông Đinh Gia Thật

Xuồng CQ được thiết kế và sản xuất với những tính năng khác biệt, nổi trội như khả năng cơ động, tốc độ cao và đặc biệt là chịu đựng sóng gió, không bị chìm trong điều kiện sóng to gió lớn. Với tính năng đặc biệt như vậy, xuồng CQ có tác dụng thiết thực, hiệu quả đối với quân dân huyện đảo Trường Sa.

Xuồng giúp cán bộ chiến sĩ và các lực lượng trên đảo tăng khả năng quản lý, tuần tra. Chính điều này đã làm việc quản lý, bảo vệ chủ quyền của chúng ta trên các đảo và điểm đảo ngày càng tốt hơn. Xuồng cũng giúp tăng khả năng cơ động giữa tàu và đảo, giữa đảo với tàu, giữa các khu vực và giữa các cụm đảo. Tác dụng thứ ba là với khả năng cơ động và sức chịu đựng sóng gió, xuồng CQ còn có nhiệm vụ quan trọng là cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ nhân dân đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy sản ngày càng hiệu quả hơn trên quần đảo Trường Sa.

Trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng cũng như các cơ quan trung ương, các địa phương, nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã quan tâm sâu sắc cả về vật chất và tinh thần cho quân dân huyện đảo Trường Sa. Đây là nguồn động viên vô cùng to lớn để cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc...

Riêng báo Tuổi Trẻ TP.HCM có cách quan tâm, có cách làm rất riêng với biển đảo và với Trường Sa. Báo Tuổi Trẻ đã có sáng kiến với phong trào “Chung tay thắp sáng nhà giàn”, “Góp đá xây Trường Sa” và bây giờ là “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa”. Đây là những sáng kiến thiết thực, rất hiệu quả. Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, các sáng kiến này còn trực tiếp góp phần nâng cao nguồn lực cho Trường Sa, để cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa có thêm điều kiện phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày càng vững chắc hơn.

Tuổi Trẻ phát động chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa”

Nhằm hỗ trợ phương tiện, thiết bị cho các chiến sĩ hải quân Trường Sa đang còn khó khăn, thiếu thốn, nằm trong chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, từ hôm nay 10-9, báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa”. Mỗi chiếc xuồng CQ hiện có giá trị khá lớn, đến 3,5 tỉ đồng, do đó chúng tôi rất mong các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và bạn đọc Tuổi Trẻ trong và ngoài nước chung tay đóng góp trang bị xuồng CQ cho Trường Sa để quân và dân Trường Sa có thêm phương tiện, thiết bị bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.

Bạn đọc đóng góp vui lòng liên hệ trụ sở báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.

* Điện thoại: (08) 39971010 - 0918033133.

Những bạn đọc ở xa muốn đóng góp xin chuyển khoản về:

* Chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ

* Tài khoản tiền Việt: 102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM.

* Tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

* Tài khoản euro: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM.

SWIFT CODE: BFTVVNVX007

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên