Thương chiến Mỹ - Trung được dự báo sẽ tác động đến xuất khẩu - Ảnh: NA
Thông tin trên được lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương đưa ra tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Cục Xuất nhập khẩu, do bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì ngày 7-8.
Theo ông Phan Văn Chinh - cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), quy mô xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm ước đạt 145,13 tỉ USD, có 24 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Tuy nhiên có một số nước có dấu hiệu xuất khẩu giảm như Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, hiện đang xin điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu từ 6% xuống còn 3%...
Một số thị trường đã giảm từ thương chiến Mỹ - Trung
Nguyên nhân khiến xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là do ảnh hưởng từ xung đột thương mại Mỹ - Trung. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công; đồng nhân dân tệ yếu đi làm hàng hoá nước ngoài đắt lên tương đối…
Trong đó, hai mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là gạo - giảm gần 330 triệu USD; điện thoại - giảm gần 550 triệu USD, khiến cho xuất khẩu Việt Nam giảm gần 1 tỉ USD.
Ông Chinh cũng cho biết xuất khẩu hiện phụ thuộc nhiều vào mặt hàng điện thoại, nên khi mặt hàng này giảm xuất khẩu đã kéo tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu chậm lại.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng xuất khẩu năm nay sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, khi kinh tế thế giới bất ổn, tăng trưởng thấp.
Đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và đây là yếu tố cần đặc biệt quan tâm khi ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Một trong những lưu ý là cần chống gian lận xuất xứ, không chỉ kiểm tra xuất xứ hàng hóa với các mặt hàng công nghiệp thì hiện thêm cả các mặt hàng nông sản, đơn cử như lá tía tô đi Nhật. Vì vậy, các hiệp hội cần có cảnh báo kịp thời với từng mặt hàng và cục sẽ có biện pháp kiểm soát.
Ông Lương Hoàng Thái - vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, cho rằng cuộc chiến Mỹ - Trung diễn ra ngày càng phức tạp liên quan đến vấn đề tỉ giá. Trong khi mục tiêu của Việt Nam là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiên quyết giữ ổn định tỉ giá và không phá giá để cạnh tranh.
Vì vậy nếu các nước tiếp tục phá giá đồng tiền sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, lạm phát và xuất khẩu của nước ta.
"Thời gian tới, tỉ giá có thể tác động đến xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Bởi tác động qua lại từ các nước phức tạp hơn nhiều, đến từng mặt hàng, lĩnh vực sẽ sâu hơn. Đơn cử như Trung Quốc kim ngạch và nhu cầu cũng chỉ có vậy, thì rõ ràng xuất khẩu của ta bị ảnh hưởng.
Do đó, việc nhận diện xung đột thương mại cần phải chú ý và nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn nữa thì mới tránh được thách thức", ông Thái nói.
Vượt quá dự báo, cần nghiên cứu sớm có giải pháp
Ông Trần Quốc Khánh - thứ trưởng Bộ Công thương - cho rằng từ xung đột thương mại đã chuyển sang xung đột công nghệ và tiền tệ khiến cho diễn biến càng phức tạp và vượt qua khả năng đánh giá, nghiên cứu phân tích của cơ quan chức năng.
"Xung đột hiện nay phức tạp, cần giao cho Vụ châu Mỹ nghiên cứu và báo cáo ngay. Cụ thể là cần nghiên cứu xem theo luật pháp Mỹ nếu coi một nước thao túng tiền tệ thì Mỹ sẽ sử dụng biện pháp nào để từ đó mới đánh giá được tác động", ông Khánh nói.
Ông Trần Tuấn Anh - bộ trưởng Bộ Công thương - cho rằng trong 6 tháng đầu năm bối cảnh quốc tế tương đối phức tạp, diễn biến khó lường, đặc biệt từ hai đối tác kinh tế lớn của toàn cầu. Do đó cần phải đánh giá diễn biến tiền tệ, tỉ giá khi Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ thì hệ luỵ lớn trong thời gian tới ra sao, liệu đã dừng chưa hay sẽ tiếp tục để có biện pháp ứng phó.
"Đồng NDT mất giá thì có gì đảm bảo các đồng tiền khác tiếp tục phá giá, các đối tác phá giá thì thế nào và đồng Việt Nam phá giá thì ra sao, liệu ta tính đến nguy cơ thế nào khi mà năng lực cạnh tranh và tính bền vững còn hạn chế.
Hoạt động xuất nhập khẩu ta còn phụ thuộc vào thị trường lớn, ngành hàng trọng điểm còn phụ thuộc vào một số doanh nghiệp, nên chỉ hắt hơi sổ mũi vài ông sản xuất hay điều chỉnh chính sách thì thương mại và xuất nhập khẩu sẽ gặp khó khăn", ông Tuấn Anh nói.
Do đó, bộ trưởng nhấn mạnh cần dự báo đánh giá thị trường, năng lực sản xuất và năng lực hiệu quả của cơ chế xây dựng và thực hiện chính sách. Cụ thể là cần tập trung vào kịch bản tăng trưởng chủ động phối hợp với các đơn vị trong bộ để xây dựng kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường và ngành hàng, bộ trưởng cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận