Diễn đàn kinh tế Davos thường xuyên hứng chịu những cuộc phản đối - Ảnh: AFP |
Lời cảnh báo được đưa ra trong báo cáo về rủi ro toàn cầu 2015 của WEF công bố hôm 15-1 khi diễn đàn tại Davos còn vài ngày nữa là khai mạc. Trong chín bản báo cáo về rủi ro toàn cầu trước đó, chủ yếu các mối đe dọa về kinh tế được nêu lên như khủng hoảng tài chính, sự sụp đổ của giá tài sản hay sự tăng chênh lệch về thu nhập.
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên bản báo cáo nhấn mạnh xung đột quốc tế là rủi ro hàng đầu, điều đó phản ánh thế giới ngày càng nguy hiểm hơn. Và cũng chính vì lẽ đó mà giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập diễn đàn, chọn chủ đề “Bối cảnh thế giới mới” cho diễn đàn lần thứ 45 này.
Xung đột khắp nơi
Trong lần gặp mặt này, kinh tế xem ra xếp hàng thứ yếu khi gần 900 chuyên gia góp phần trong bản báo cáo quan ngại về tình hình Ukraine cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng những điểm nóng địa chính trị khác.
AFP dẫn lời GS Klaus Schwab: “Chúng ta đang trong tình hình nghiêm trọng và đứng trước ngã ba đường. Chúng ta có hai con đường trước mặt. Một là con đường của sự chia rẽ, thù hận và con đường còn lại là sự đoàn kết”.
Ông Schwab cũng nói các cuộc thảo luận từ ngày 21 đến 24-1 tại Davos trong tuần tới nhiều khả năng sẽ đề cập vụ tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo và siêu thị Hyper Cacher ở Paris khiến 17 người thiệt mạng. Ông cho biết thêm các cuộc khủng hoảng khác cũng sẽ được đem ra bàn thảo. “Tất cả khu vực khủng hoảng sẽ được đưa ra” - ông cho biết.
Báo cáo của WEF nhấn mạnh tác động đang lan rộng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây. “Điều đó đã gây ra sự gián đoạn trong việc cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu trong khi các lệnh cấm vận áp đặt bởi EU và cả Nga đã giới hạn việc tiếp cận một số loại hàng hóa nhất định và buộc một số công ty phải đánh giá lại chuỗi cung ứng của mình” - báo cáo viết.
Theo CNBC, các nhà phân tích cảnh báo quan hệ giữa Nga và phương Tây có thể sẽ xấu đi chứ không tốt lên trong năm 2015.
Theo AFP, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ nằm trong số 40 nguyên thủ quốc gia tham gia diễn đàn. Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi và lãnh đạo người Kurd Massud Barzani, những người đang chứng kiến đất nước bị IS chiếm giữ một phần, cũng sẽ có mặt tại Davos.
Một nhân vật quan trọng khác sẽ góp mặt là Tổng thống Pháp François Hollande. Theo Le Point, ông Hollande không hẳn đã mặn mà lắm với diễn đàn kinh tế nhưng dịp này sẽ là cơ hội để ông gặp gỡ, trao đổi với các nguyên thủ quốc gia cùng 300 nhân vật của giới chính trị đến từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Những nguy cơ khác
Bên cạnh những quan ngại về những cuộc xung đột lớn giữa các nước, các cách thức thực hiện xung đột cũng đang thay đổi với sự xuất hiện của tấn công mạng xuyên quốc gia, tấn công bằng máy bay không người lái và sự tăng cường sử dụng các biện pháp cấm vận kinh tế.
Các nguy cơ lớn khác được WEF đề cập cũng bao gồm thời tiết khắc nghiệt, đại dịch Ebola, các thách thức trước việc giá dầu giảm, tương lai của công nghệ và tình trạng thất nghiệp. Trong đó, thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, mưa bão và những thiệt hại lớn đến tài sản, cơ sở hạ tầng, môi trường, nhân mạng được WEF xếp hạng rủi ro cao.
Báo cáo cũng cảnh báo 15 trong số 20 siêu đô thị (những thành phố trên 10 triệu dân) nằm ở các vùng bờ biển đang bị đe dọa bởi mực nước biển tăng và mưa bão.
Thất nghiệp và thiếu việc làm lại là một rủi ro khác đáng quan ngại. WEF nói trong báo cáo rằng tăng trưởng kinh tế thấp hơn và sự thay đổi trong công nghệ sẽ giữ tình trạng thất nghiệp ở mức cao trong những nền kinh tế tiên tiến đến tận năm 2018.
Đắt đỏ hơn năm ngoái
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hôm 15-1 đã bất ngờ thả nổi đồng franc Thụy Sĩ. Điều đó đã khiến chi phí tham gia WEF ở Davos tăng vọt trong vòng vài phút. Theo CNN Money, điều này chẳng đáng lo ngại đối với các nhân vật quan trọng như nguyên thủ, lãnh đạo tôn giáo, các học giả, những người được miễn phí toàn bộ các khoản khi đến Davos. Tuy nhiên, đối với hầu hết doanh nghiệp cử lãnh đạo đến dự WEF thì lại khác. Phí thành viên đối với những công ty muốn cử đại biểu đến Davos đã tăng 20% so với năm ngoái. Tính ra, việc thả nổi đồng franc đã khiến các công ty phải móc hầu bao thêm 90.000 USD. Ngoài ra, các công ty phải trả 20.000 USD/vé lãnh đạo tham dự. Một bữa ăn tối tại một nhà hàng thường thường bậc trung khoảng 50 USD so với 40 USD năm ngoái. Phòng khách sạn cũng đã tăng từ 600 USD/ngày lên 700 USD. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận